Bộ sản phẩm máy tính Kano dành cho trẻ em.

Alex Klein, 24 tuổi, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Kano có trụ sở tại Anh Quốc, vừa giới thiệu bộ đồ nghề dành cho trẻ em để giúp trẻ tự ráp một chiếc máy tính. Máy tính lắp ráp ấy có thể kết nối Internet và chơi game Minecraft. Điều này khiến ta nhớ lại hồi năm 1975, khi ấy Steve Jobs tham gia một câu lạc bộ tự lắp máy tính Homebrew Computer Club.

Kano, cùng với Raspberry Pi (vừa có phiên bản Raspberry Pi 2), Arduino hay Intel Compute Stick, là dạng máy tính rất nhỏ, giúp nhiều người, thậm chí cả trẻ em, học lập trình máy tính, tự tìm hiểu cách hệ thống máy tính vận hành như thế nào và là tiền đề cho thế hệ chuyên gia công nghệ về sau. Nhưng đáng nói là những bộ sản phẩm ấy rất có khả năng giải thoát chúng ta khỏi quá khứ và mở ra một thế giới điện toán mới.

Kiến trúc máy tính hiện thời dựa trên kiến trúc client-server già cỗi nhiều thập kỉ, là kiến trúc đã làm nên được cuộc cách mạng công nghệ thông tin đầu tiên. PC hay một trong những máy tính tí hon như Kano này phải kết nối Internet thì mới hoạt động một cách thực tế nhất, hữu ích nhất. Mô hình như vậy chạy tốt trong kỉ nguyên PC, và thậm chí trong những ngày đầu của Internet thương mại. Nhưng các nhà sản xuất PC đã bán được mỗi năm khoảng 100 triệu máy tính, so với hàng tỉ điện thoại cũng có sức mạnh gần tựa PC. Theo ABI Research, có hơn 16 tỉ thiết bị có kết nối không dây đang hoạt động và con số này ước tính đến năm 2020 là 40 tỉ.

Về lí thuyết, chúng ta có thể tiếp tục sử dụng cùng công thức, cùng mô hình mạng cho thế giới công nghệ sắp đến. Chúng ta cần giữ nhiều lớp băng thông giữa client và server, phân bổ nhiều dải tần hơn, chia nhiều lớp cáp quang hơn và sử dụng nhiều điện năng hơn cho máy chủ. Các công ty truyền thông đang liên tục than thiếu tiền để họ có thể hỗ trợ, vận hành nền tảng trong tương lai, và các công ty dịch vụ không dây không muốn đầu tư vào hạ tầng mạng có tốc độ cao hơn trừ khi họ có thể "cân đối" được chi phí đối với khách hàng.

Đã từ rất lâu, nói đến máy tính là nói đến công cụ phục vụ cho công việc. Máy tính mainframe dành cho quân đội, cơ quan chính phủ và cho các doanh nghiệp lớn. Máy tính workstation dành cho kĩ sư và các nhà phát triển phần mềm. PC ban đầu dành cho các công việc "cổ trắng". Đến nay, chúng ta có thể làm cho máy tính mạnh mẽ hơn, nhỏ gọn hơn, rồi bỏ chúng vào trong xe hơi, máy điều hòa, bóng đèn điện, dàn âm thanh. Người ta sử dụng Raspberry Pi và Arduino để tạo ra các trò chơi, bóng đèn, đồng hồ báo thức, khung hình thông minh và robot loại nhỏ. Chúng ta có thể xem hàng tỉ thiết bị kết nối như vậy đều là máy tính, tiêu tốn điện năng cực thấp, và công việc chính của chúng là thu thập dữ liệu từ các cảm biến. Nếu chúng ta kết nối tất cả chúng lại theo mô hình mạng bấy lâu thì chúng sẽ tạo ra được các hệ thống mạng có dây và không dây khổng lồ.

Điều hiển nhiên là những thiết bị này càng ngày càng nhỏ hơn và mạnh hơn. Bạn có thể mua một Raspberry Pi có bộ xử lí 700 MHz, 256 MB bộ nhớ chỉ với 25 USD. Năm 2001, chiếc Mac 450 MHz với RAM 64 MB có giá đến 1.800 USD.

Và rồi, điều chúng ta cần làm là chấp nhận thực tế rằng mọi thứ đều được nhúng một cái máy tính bên trong, và chúng ta sẽ tái kết nối với chúng theo những cách mới hơn, thú vị hơn so với trước. Giống như bạn tháo tung các mảnh ghép của bức tranh và ngồi ghép lại, nhưng lần này, bạn không ghép theo cách cũ nữa.

Trong thế giới mới, khó có thể tưởng tượng một máy chủ có kích thước chỉ bằng bộ bài Tây, cắm ngay kế router Wi-Fi hay phía sau TV và nó điều khiển mọi thiết bị kết nối trong nhà bạn. Hoặc toàn bộ cơ sở dữ liệu nhạc của Nhacso.net nằm gọn gàng trong một thiết bị như cái bút nhớ để bạn có thể gắn vào xe hơi và nghe trực tiếp sử dụng một hệ thống mạng mesh gồm các thiết bị nhỏ gọn, thay vì kết nối trực tiếp ra Internet.

Kỉ nguyên hệ thống mạng chỉ gồm những thiết bị nhỏ gọn như vậy sẽ là thách thức và cũng là cơ hội cho ngành công nghiệp phần mềm.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)