Tại sao P.A Vietnam không thể sớm khắc phục sự cố với các tên miền quốc tế .com và .net đã bị cướp, trong khi VNNIC (Trung tâm Internet Việt Nam) có thể xử lý sự cố của tên miền .vn trong chỉ vài phút? Theo một chuyên gia của VNNIC, điều này xuất phát từ phương thức quản lý từ cách thức quản lý tên miền, tên miền .vn được quản lý như là tài nguyên thông tin quốc gia, trong khi tên miền quốc tế được coi là hàng hóa.

Đã hơn một tuần trôi qua kể từ khi Công ty TNHH P.A Việt Nam (PA Vietnam) gặp sự cố với các tên miền pavietnam.com, pavietnam.net và dotvndns.com nhưng việc Công ty này liên hệ với các Công ty đăng ký tên miền nước ngoài Enom, OnlineNic để lấy lại những tên miền này vẫn chưa có kết quả. Thời hạn giải quyết vẫn chưa biết đến khi nào, hy vọng vẫn chỉ là hy vọng. P.A Vietnam vẫn đang phải đứng nhìn các tên miền của mình hiện diện dưới tên một chủ thể khác và đương nhiên vẫn mất quyền kiểm soát đối với các tên miền này.

Điều này đồng nghĩa với việc những tên miền quốc tế còn khai báo sử dụng máy chủ DNS dưới các tên pavietnam.com, pavietnam.net và dotvndns.com vẫn chưa hoạt động được như bình thường. Cố gắng duy nhất mà P.A Vietnam đã có thể làm được là sử dụng tên miền Việt Nam pavietnam.vn làm tên miền chính thức để Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) hỗ trợ khai báo trỏ các tên miền .vn của khách hàng đang sử dụng dịch vụ DNS của mình vào tên miền này nhằm khắc phục sự cố theo yêu cầu xử lý tình huống khẩn cấp, giúp những tên miền .vn trở lại hoạt động bình thường.

Qua sự cố của P.A Việt Nam, có thể nhìn nhận lại về sự khác biệt trong quy trình quản lý tên miền giữa các tên miền cấp cao quốc tế dùng chung (.com, .net...) với các tên miền quốc gia Việt Nam .vn cũng như so sánh trách nhiệm của Công ty đăng ký tên miền quốc tế ENOM với trách nhiệm của Cơ quan quản lý tên miền quốc gia Việt Nam - VNNIC. Trách nhiệm của  Enom đến đâu, trách nhiệm của VNNIC đến đâu trong sự việc này?

Tên miền quốc tế là hàng hóa

Sở dĩ có sự hỗ trợ hoàn toàn khác biệt như đã nêu ở trên là do sự khác biệt trong cách thức quản lý giữa hai loại tên miền: tên miền cấp cao quốc tế dùng chung và tên miền cấp cao mã quốc gia Việt Nam .vn. Trong khi tên miền quốc tế được thương mại hóa, được cấp phát tự do và được coi như một loại hàng hóa trên mạng thì tên miền quốc gia Việt Nam .vn là tài nguyên thông tin quốc gia, được nhà nước quản lý và hỗ trợ cả về mặt pháp lý lẫn kỹ thuật.

Quá trình đăng ký tên miền quốc tế thực chất là tiến hành việc mua tên miền từ các công ty là đại lý cung cấp nước ngoài. Tùy thuộc theo cách thức quản lý, trách nhiệm hỗ trợ khách hàng mà các công ty làm dịch vụ cung cấp tên miền quốc tế cũng được phân thành các cấp đại lý khác nhau. Vì thương mại hóa nên tên miền quốc tế cũng được bán linh hoạt theo các gói khác nhau bao gồm: Bán lẻ trực tiếp tại các đại lý cấp một, bán buôn qua các đại lý cấp dưới. Đại lý cấp dưới lại bán lại cho các đại lý cấp dưới nữa...

Giá đăng ký tên miền qua các đại lý này phụ thuộc vào các dịch vụ bảo đảm trên tên miền và trách nhiệm của đại lý cung cấp trong quá trình quản lý, duy trì tên miền. Vậy nên mới có các mức giá hoàn toàn khác biệt khi đăng ký tên miền quốc tế. Giá bình quân của các đại lý cấp trung gian chỉ xấp xỉ 10 USD/ 1 năm nhưng cũng có những nơi rất rẻ, chỉ một vài USD, ngược lại cũng có những nơi giá đăng ký cao gấp 3, thậm chí gấp 5 lần mức trung bình. Chẳng hạn như khi đăng ký chính thống qua Công ty Network Solutions, mức giá cho 1 năm luôn khống chế ở mức 34,99 USD cho mỗi tên miền .com hoặc .net. Tất cả đều phụ thuộc vào dịch vụ và trách nhiệm của công ty cung cấp. Trách nhiệm càng cao thì giá càng cao.

Sở dĩ Công ty Network Solutions có giá bán tên miền cao như vậy vì các chủ thể đăng ký tên miền trực tiếp tại đây đều được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Bất kỳ động thái thay đổi nào tác động đến tên miền đều được thông báo tức thời qua email, thậm chí qua đường bưu điện đến người chịu trách nhiệm cao nhất của tên miền. Mọi sự chấp nhận thay đổi chỉ được thực hiện khi  người chịu trách nhiệm cao nhất đã có xác nhận với Network Solutions. Những thay đổi quan trọng liên quan đến tên miền như thay đổi tên gọi chủ thể, chuyển nhượng sang chủ thể khác hoặc chuyển đổi sang đại lý khác đều phải thực hiện qua biện pháp hành chính, có nghĩa là chủ thể đích thực phải có văn bản đề nghị chính thức. Văn bản này cùng giấy tờ xác minh nhân thân của người quản lý cao nhất phải được nộp về Network Solutions để kiểm chứng đầy đủ đồng thời phải có xác nhận lại lần nữa qua email thì mới được nộp phí chuyển đổi. Điều này có nghĩa là, mặc dù chưa được đảm bảo hoàn toàn (chưa có các hỗ trợ về kỹ thuật) nhưng ít nhất Network Solutions cũng đảm bảo cho các chủ thể đăng ký trực tiếp tại mình không bị rơi vào cảnh "dở khóc, dở cười" như trường hợp của P.A Vietnam. Mức giá xấp xỉ 35 USD/ 1 năm mà Network Solutions đưa ra được coi là hết sức khả thi nếu so sánh với giá trị của tên miền cũng như những gì được mang lại cho chủ thể. Bằng chứng là lượng tên miền mà công ty này bán trực tiếp luôn đứng đầu trong danh sách các đại lý cấp một cùng với công ty Register.com.

Ngược lại, với tiêu chí cung cấp tên miền giá rẻ, các đại lý khác như  ENOM, ONLINENIC chỉ có trách nhiệm trao tên tài khoản, mật khẩu quản lý tên miền cho chủ thể qua email khi đã nhận đủ tiền phí đăng ký. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chủ thể phải tự "trông coi" các tên miền của mình. Các quy trình đăng ký, duy trì  tên miền, chuyển đổi chủ sở hữu đều được thực hiện tự động mà không có sự can thiệp nào của đại lý. Chính vì vậy mà chi phí mới được giảm thiểu để hạ giá thành. Thậm chí một số đại lý cấp dưới còn sử dụng dịch vụ cho đăng ký tên miền để bán kèm theo quảng cáo, hạ giá dịch vụ đăng ký mới xuống gần như bằng không. Bù lại đại lý sẽ được hưởng các lợi nhuận khác đem lại từ tên miền. Như vậy giá trị đích thực của tên miền tựu trung vẫn là ở mức trần khoảng 35 USD cho các tên miền .com, .net chứ không hề rẻ như mức mà người sử dụng hiện đang chi trả hàng năm khi đăng ký qua các đại lý cấp dưới.

Do đã xác định mức giá nào, dịch vụ đó nên trong vụ việc của P.A Vietnam, Công ty Enom cũng không phải chịu trách nhiệm khi P.A Vietnam không bảo quản được tài khoản và mật khẩu quản lý tên miền của mình. Do bản chất quá trình quản lý, cấp phát tên miền mang tính chất thương mại với giá bán rẻ nên Enom cũng  không phải qua bước xem xét, thẩm định khi cấp các tên miền pavietnam.com, pavietnam.net... Khi xảy ra sự cố, quá trình thẩm định phải bắt đầu từ đầu, từ việc P.A Vietnam phải chứng minh được mình là người sở hữu đích thực tên miền cho đến các chứng cứ chứng minh P.A Vietnam không có yêu cầu chuyển nhượng. Hay nói cách khác từ trước đến nay, Enom không có trách nhiệm phải biết PA Vietnam là ai. Việc chuyển hồ sơ khiếu kiện lên ICANN để giúp P.A Vietnam đòi lại tên miền cũng chỉ là biện pháp hỗ trợ chứ không phải là trách nhiệm bắt buộc của Enom. Sự việc ở đây sẽ hoàn toàn khác nếu P.A Vietnam đăng ký tên miền qua các đại lý cấp một như Network Solutions hay Register.com. Vì vậy quá trình giải quyết vụ việc sẽ có thể còn kéo dài mà chưa biết kết quả sẽ ra sao. Tên miền diendantinhoc.com trước đây cũng đã rơi vào tình cảnh hoàn toàn tương tự.

Tên miền .vn là tài nguyên quốc gia

Với các tên miền .vn trong nước thì hoàn toàn ngược lại. Do là tài nguyên thông tin quốc gia nên các tên miền .vn được hỗ trợ tối đa cả về pháp lý lẫn kỹ thuật. Ngay từ khi đăng ký, hồ sơ, cơ sở dữ liệu tên miền đã được lưu giữ và quản lý tại các Nhà đăng ký, VNNIC. Mọi thay đổi liên quan đến tên miền đều phải được xuất phát từ chính chủ thể đăng ký. Vì vậy trong bất kỳ trường hợp nào, khi có đầy đủ bằng chứng, Nhà đăng ký và VNNIC đều có trách nhiệm và có toàn quyền để lấy lại tên miền cho chủ thể sử dụng. Mặt khác, về mặt kỹ thuật, được biết VNNIC đều yêu cầu các Nhà đăng ký tên miền .vn phải thực hiện việc khai báo chuyển giao Zone Tranfer các dữ liệu  về tên miền .vn trên máy chủ DNS của Nhà đăng ký về máy chủ DNS của VNNIC. Như vậy về bản chất, VNNIC đã là một máy chủ phụ (Secondary) cho máy chủ DNS của các Nhà đăng ký. Trong trường hợp cần thiết, khi máy chủ DNS của các Nhà đăng ký có sự cố bất khả kháng, VNNIC có thể nhanh chóng khôi phục lại tên miền .vn cho các Nhà đăng ký từ dữ liệu hiện có trên máy mình. Cũng chính vì trách nhiệm này mà khi P.A Vietnam xảy sự cố, mặc dù các chủ thể không sử dụng máy chủ trong nước nhưng VNNIC vẫn can thiệp hỗ trợ khôi phục hoạt động cho toàn bộ các tên miền .vn đăng ký qua P.A Vietnam (tham khảo sơ đồ xử lý sự cố của P.A Vietnam đính kèm).

Cũng có ý kiến cho rằng tại sao VNNIC không hỗ trợ khai báo giả lập, điều chỉnh nội dung của các máy chủ DNS quốc gia do mình quản lý để "lái" những yêu cầu truy vấn đến các tên miền pavietnam.com, pavietnam.net về các địa chỉ tại Việt Nam để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng tên miền quốc tế có thể hoạt động được trong phạm vi mạng Internet tại Việt Nam (nếu truy cập từ mạng quốc tế thì những tên miền này vẫn không hoạt động được). Tuy nhiên đây thực chất là hình thức "phishing" vẫn được tin tặc dùng để tạo địa chỉ giả lừa gạt trên mạng, đang bị thế giới lên án. VNNIC là đại diện cho tên miền quốc gia .vn, thành viên chính thức của tổ chức tên miền vùng Châu Á Thái Bình Dương và thế giới không thể tạo phishing đối với tên miền quốc tế không phải do mình quản lý, việc làm này không phù hợp về mặt pháp lý cả trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp "hack" tương tự đối với tên miền .vn, căn cứ theo các sở cứ pháp lý hiện hành, VNNIC có thể nhanh chóng giải quyết vụ việc để lấy lại tên miền cho P.A Vietnam ngay trong ngày phát sinh vụ việc. Thậm chí tác giả vụ việc còn bị xử phạt theo các điều khoản quy định tại Nghị định 63/2007/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin với mức phạt tối đa 100 triệu đồng và có thể trục xuất đối với trường hợp người nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm.

Không chỉ có Việt Nam áp dụng mô hình quản lý tên miền chặt chẽ này mà qua tìm hiểu, ngoại trừ Tuvalu (tên miền .TV), hầu hết các nước đều có cách quản lý tương tự Việt Nam để đảm bảo cho các đuôi tên miền chủ quyền quốc gia mình.

Điều này lý giải tại sao các nước có Internet rất phát triển ở cả khu vực Châu Âu cũng như châu Á lại không sử dụng nhiều tên miền cấp cao quốc tế dùng chung mà thiên về sử dụng tên miền cấp cao mã quốc gia như Đức (trên 12 triệu tên miền), Hàn Quốc (939.000 tên miền)... Do họ không "sính ngoại" hay phải chăng vì họ nhìn nhận được rõ hơn ai hết về độ an toàn của mô hình quản lý tên miền mã quốc gia này cũng như những lợi thế khi sử dụng tên miền cấp cao mã quốc gia khi mà trên Internet các tên miền đều có giá trị sử dụng như nhau.

(theo ICTnews, nguồn tài liệu do VNNIC cung cấp)




Bình luận

  • TTCN (2)
Hải Nam  30903

- Tên miền .vn không cho bán (chuyển chủ thể) => về mặt kinh doanh chẳng có lợi gì (không có người mua để đầu cơ).

- Điểm thứ hai là đắt quá => mất một số khách, họ mua tên miền quốc tế. Tên miền .vn đắt hơn các tên miền quốc tế đến 5-10 lần, mà mỗi lần đổi nameserver lại phải mất tiền và thời gian.

- Điểm cuối thủ tục đăng kí bất cập, như chuyện article/6311 Lẽ ra có thể cho khách đăng kí trực tiếp trên mạng, rồi bổ túc hồ sơ trong 3-7 ngày sau đó chẳng hạn.

NetSol có nhiều khách thật, vì nó lâu đời. Nhớ lúc trước phải scan thẻ sinh viên và CC gửi cho nó khi đăng kí tên miền. Nhưng Enom, GoDaddy có giá chỉ bằng 1/4 mà khách cũng đông không kém gì.

Hơn nữa, sự cố PAvietnam lần này lỗi hoàn toàn là ở PA, quản lí không kĩ email, account của mình. Chứ còn nếu sự cố ở phía registrar, họ sẽ tự lấy lại tên miền giùm mình.

zzz2

viết bài là để lăng xê cho VNNIC thôi. Làm gì mà tên miền *.vn quá đắt, đắt dã man như thế? trong khi bà con đói khổ khắp nơi? nếu nó rẻ và dễ dàng đăng ký thì khối sinh viên, cty, học sinh có điều kiện học tập, sở hữu tên miền.

đồng ý là tên miền *.vn là sở hữu quốc gia. nhưng mà viện vào lý do quản lý, trách nhiệm mà cắt cổ người ta là điều khkông thể nào chấp nhận được.

tiền điện, tiền điện, tiền nước, tiền tên miền, tiền xăng. sao mà mấy ông nhiều lý do lý trấu thế? sướng quá đâu biết con dân khổ cực ?