Nguyên do của sự việc là do khi người sử dụng chèn các kí tự cảm xúc trong tin nhắn như mỉm cười với các kí tự “:)” hay đồng ý với các kí tự “(y)” thì một số máy điện thoại thông minh đã tự chuyển thành biểu tượng và gửi đi theo tin nhắn đa phương tiện MMS với giá cước cao hơn nhiều.

Nhiều khiếu nại về hóa đơn cước cao liên quan đến tin nhắn văn bản có kèm cảm xúc được gửi đến MoneySavingExpert chủ yếu liên quan đến các điện thoại thông minh đời cũ, trong đó có cả iPhone của Apple và điện thoại của Samsung.

Ở Scotland, một người phụ nữ có hóa đơn cước hơn 1.000 bảng Anh do chèn thêm biểu tượng cảm xúc vào tin nhắn văn bản.

Biểu tượng cảm xúc và giá cước

Nguyên do hóa đơn cước tăng cao xung quanh việc các thiết bị máy đầu cuối xử lí các biểu tượng. Trong một số trường hợp, đặc biệt là các máy đời cũ, sẽ chuyển các biểu tượng cảm xúc này thành các tin nhắn đa phương tiện MMS và có thể có giá cước cao hơn nhiều và tùy thuộc vào nhà mạng.

Trong một số trường hợp, người sử dụng tự tạo các biểu tượng cho riêng mình từ các dấu chấm, dấu phẩy và dấu ngoặc đơn và bị chuyển thành các biểu tượng cảm xúc và bị tính tiền cũng với giá cước MMS.

Theo ông Guy Anker, phụ trách biên tập của MoneySavingExpert, nói với BBC rằng nhiều trường hợp khiếu nại đến từ người dùng rằng họ có hóa đơn cước cao bất thường do họ gửi tín nhắn có kèm biểu tượng cảm xúc.

Cô Paula Cochrane, người có hóa đơn cước cao, cho biết cô ta không biết khi gửi biểu tượng trong tin nhắn văn bản sẽ bị tính cước như là gửi tin nhắn đa phương tiện.

Cô Paula Cochrane đã khiếu nại với nhà mạng là EE và sẽ đưa vụ việc ra cơ quan thanh tra Scotland, một cơ quan độc lập giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhà mạng EE lại cho rằng có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính cước khi gửi một biểu tượng cảm xúc và nguyên do là máy điện thoại di động tự chuyển hơn là lỗi của nhà khai thác.

Nhắn tin không hạn chế

Theo ông Anker thì nhà mạng cũng có lỗi trong trường hợp này. Theo ông thì những khiếu nại này là do họ không giải thích đầy đủ cho khách hàng hay khuyến cáo người dùng rằng họ có thể bị tính cước như tin nhắn đa phương tiện MMS nếu chèn biểu tượng cảm xúc trong tin nhắn văn bản.

Một số người sử dụng dịch vụ điện thoại di động đã đăng kí gói cước nhắn tin không hạn chế, nhưng gói cước này có thể không áp dụng đối với tin nhắn hình ảnh. Trường hợp khác hàng không để ý và gửi nhiều tin nhắn có biểu tượng, họ có thể bị hóa đơn cước rất cao.

Nhà mạng O2 cho biết họ thấy một số trường hợp tin nhắn văn bản đã bị máy đầu cuối tự chuyển thành tin nhắn đa phương tiện. Chẳng hạn một khách hàng sử dụng điện thoại thông minh gửi tin nhắn văn bản cho nhiều người cùng một lúc, thì họ có thể bị tính cước như là gửi tin nhắn đa phương tiện MMS. Điều này xẩy ra khi tin nhắn có một biểu tượng, hay biểu tượng cảm xúc, hay một kí tự đặc biệt hoặc có bao gồm địa chỉ hộp thư điện tử.

Hơn nữa, một số ứng dụng như Facebook được tích hợp với danh bạn điện thoại của máy điện thoại thông minh cũng có thể tạo ra tin nhắn MMS.

Để tránh bị tính cước cao, người sử dụng điện thoại di động không nên chèn biểu tượng hay biểu tượng cảm xúc trong tin nhắn văn bản, đồng thời hủy bỏ việc tích hợp danh bạ với các ứng dụng như Facebook. Tuy nhiên, một số điện thoại có cảnh báo khi nào thì tin nhắn văn bản được chuyển thành tin nhắn đa phương tiện.

Ông Anker khuyến cáo người dùng nên định kì kiểm tra hóa đơn cước và nên sử dụng các ứng dụng nhắn tin miễn phí như iMessage của Apple hay WhatsApp.

Khuyến cáo với người dùng Việt Nam

Sự việc mà BBC phát hiện ra cũng sẽ xẩy ra tương tự với người sử dụng dịch vụ di động ở Việt Nam vì nguyên nhân tin nhắn văn bản bị chuyển thành tin nhắn đa phương tiện MMS là do điện thoại thông minh thế hệ cũ tự chuyển và cũng có thể gây ra hóa đơn cước cao nếu chèn biểu tượng cảm xúc hay biểu tượng.

Giá cước MMS của các nhà mạng Việt Nam cũng cao hơn giá tin nhắn văn bản. Chẳng hạn đối với nhà mạng MobiFone thì giá cước MMS là 300 vnđ với một tin nhắn chỉ gồm kí tự và 600 vnđ đối với tin nhắn có hình ảnh và âm thanh, trong khi giá cước SMS là 290 vnđ với một tin nhắn vào giờ bận và 100 vnđ với một tin nhắn vào giờ rỗi. Đối với nhà mạng Viettel thì tin nhắn MMS có giá 500 vnđ trong khi nhắn tin SMS có giá 300 vnđ đối với tin nhắn nội mạng.

Trường hợp người dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất là khi họ đăng kí gói cước tin nhắn không hạn chế và sử dụng máy đầu cuối bị ảnh hưởng. Do gói cước này chỉ áp dụng với tin nhắn văn bản và với tâm lí nhắn tin không hạn chế, nên cũng có thể người sử dụng sẽ bị hóa đơn cước cao bất thường.

Người tiêu dùng ở Việt Nam cũng nên tham khảo kinh nghiệm mà BBC phát hiện ra để tránh hóa đơn cước cao bất thường như: không chèn kí tự cảm xúc, biểu tượng vào trong tin nhắn văn bản hay hủy tích hợp danh bạn với các ứng dụng như Facebook. Hơn nữa, khuyến cáo sử dụng các ứng dụng nhắn tin miễn phí như iMessage hay WhatsApp cũng là một biện pháp tốt để tiết kiệm chi tiêu.

Theo Nhandan.




Bình luận

  • TTCN (0)