Việc dự thảo thu phí bản quyền đối với đĩa trắng còn nhiều ý kiến chưa đồng tình. Ảnh minh họa: HTD

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 30/7 có thông tin về dự thảo nghị định liên quan đến quản lý đĩa quang (đĩa CD, VCD, DVD...). Cục Bản quyền tác giả đã đưa ra dự thảo này, trong đó dự định thu phí bản quyền đối với đĩa trắng (đĩa chưa chép dữ liệu, chương trình...). Cụ thể, các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu đĩa quang sẽ phải trả tiền bản quyền với mức 3% trên 50% giá bán đĩa.

Dự thảo giao cho Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam thu tiền bản quyền và phân phối tiền này cho các tác giả có liên quan theo thỏa thuận. Một phương án khác là hiệp hội này thu tiền, giữ lại 20% làm kinh phí hoạt động và lập quỹ khuyến khích sáng tạo, phần còn lại sẽ chia 36% cho chủ sở hữu quyền tác giả, 32% cho người biểu diễn và 32% cho nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

Ngoài ra, dự thảo cũng bắt doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị định hình, thiết bị sao chép (như máy quay phim, máy chụp ảnh, đầu đĩa...) cũng phải nộp tiền bản quyền là 2% trên 65% giá bán thiết bị.

Dự thảo đã nhận được phản hồi của nhiều bạn đọc và hầu hết ý kiến đều cho rằng việc thu phí bản quyền như vậy là bất hợp lý. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thêm với doanh nghiệp sản xuất đĩa quang, các chuyên gia về sở hữu trí tuệ để bàn thêm về việc thu tiền bản quyền này.

Ông Đặng Thế Đức, luật sư điều hành Công ty Luật Indochine Counsel:

Đĩa chưa có tác phẩm, chưa có tác giả sao phải trả tác quyền?

Dự thảo này chưa đưa ra được cơ sở kinh tế và pháp lý làm nền cho việc thu phí.

Thứ nhất, lấy cơ sở nào để ấn định việc thu phí? Đĩa đó có thể được sử dụng ở Việt Nam hoặc sẽ xuất khẩu đi hoặc được sử dụng vào mục đích phi thương mại. Không xác định được điểm này mà đòi thu phí toàn bộ đĩa sản xuất ra, nhập khẩu về là hơi kỳ lạ.

Thứ hai, cơ sở để ấn định các mức phí cũng chưa rõ. Loại phí này có được tính vào chi phí hợp lý, tính vào giá thành của doanh nghiệp sản xuất đĩa trắng hay không? Ngoài ra, đĩa trắng là đĩa chưa có tác phẩm, chưa biết tác giả, chưa biết người nào có quyền liên quan, vậy tiền thu được sẽ chia cho ai? Căn cứ vào đâu mà đem chia tiền này? Đối tượng được hưởng lợi từ “tiền bản quyền” này là ai?

Thậm chí khi chiếc đĩa đó được sản xuất thành đĩa nhạc chẳng hạn thì lại phải trả phí bản quyền (cho nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất...). Như vậy chẳng khác nào cùng một chiếc đĩa ấy bị thu phí bản quyền đến hai lần!

Ông Đinh Thọ Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ và đầu tư Bách Việt:

Ghi dữ liệu cá nhân mà lại phải trả bản quyền cho người khác

Tuần rồi, Cục Bản quyền tác giả có làm việc với ba công ty sản xuất đĩa quang (gồm Bách Việt, Saigon Audio và Công ty liên doanh Ánh Kim). cả ba đều phản đối việc thu tiền bản quyền.

Tôi cho rằng việc bắt nhà sản xuất trả tiền bản quyền trên tất cả đĩa trắng được sản xuất ra là quá vô lý! Nếu tính theo công thức của dự thảo thì mỗi năm Bách Việt phải trả đến gần hai tỷ đồng tiền bản quyền.

Người tiêu dùng có thể dùng đĩa trắng để sao chép dữ liệu cá nhân. Thậm chí hiện nay rất nhiều máy quay phim vừa quay vừa ghi trực tiếp lên đĩa trắng (chứ không ghi trên các thẻ nhớ nữa). Khi sử dụng đĩa để sao chép dữ liệu cá nhân của mình thì không có lý do gì mà phải tiền bản quyền cho người khác cả!

Nếu muốn chống vi phạm bản quyền thì cứ ra các cửa hàng băng đĩa mà kiểm tra, nếu thấy bán đĩa lậu thì cứ bắt. Tại sao không chịu đi bắt vi phạm mà lại bắt nhà sản xuất trả tiền?

Một luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ:

Gián tiếp đánh vào túi người tiêu dùng

Việc Cục Bản quyền tác giả đưa ra dự thảo thu tiền bản quyền đối với đĩa trắng đã thừa nhận sự lép vế của cơ quan quản lý trong cuộc chiến chống băng đĩa lậu. Các anh thất thu tiền bản quyền đối với các băng đĩa lậu nên quay sang gỡ gạc bằng cách thu tiền bản quyền từ đĩa trắng.

Các nhà sản xuất đĩa phải trả tiền bản quyền, sau đó tính tiền này vào giá bán thì coi như gián tiếp đánh vào túi tiền của người tiêu dùng. Thật ra, có nhiều người tiêu dùng tiếp tay cho những đầu nậu băng đĩa lậu khi tiêu thụ đĩa lậu. Đương nhiên cũng có những người sử dụng đĩa trắng vào mục đích cá nhân, không xâm phạm bản quyền của ai. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, có lẽ Cục có khuynh hướng “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” cho nên “đánh” bản quyền trên tất cả đĩa trắng được sản xuất ra mà không cần biết đĩa đó sẽ được sử dụng vào mục đích gì.

Một bạn đọc:

Cần thông tin rõ ràng hơn về thông lệ quốc tế

Cục Bản quyền tác giả có cho biết Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ đã thu tiền này. Tôi cho rằng Cục nên giới thiệu cụ thể hơn xem các nước này đã thu như thế nào. Nếu các nước phát triển họ thu mà người tiêu dùng của họ không phản đối thì mình cũng có thể học tập làm nền tảng lý luận cho việc thu tiền này.

Nếu Cục thông tin rõ ràng, hợp lý thì người tiêu dùng có thể chấp nhận và thông cảm, không tiêu thụ băng đĩa lậu, cùng nhà nước nỗ lực chống băng đĩa lậu trong giai đoạn này. Nếu Cục không thuyết phục được người dân thì không khéo nhiều người sẽ càng tiêu thụ nhiều băng đĩa lậu cho đã giận.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)



Bình luận

  • TTCN (3)
dn

chuyện thường ngày

Ông bà ta có câu "lý kẻ mạnh bao giờ cũng đúng". ^^

hoàng dung

Bó tay với mấy bố làm luật.

lucchankhoi

cần giải thích hợp lý

bản quyền đĩa trắng,một sự việc cực kì vô lý.Nếu trong thời gian tới mà không có sự giải thích rõ ràng,hợp lý thì không phải người dân mà tôi,bạn bè tôi sẽ sử dụng đĩa lậu(chất lượng không kém là mấy,khỏi phải bỏ 1 khoản tiền vô lý,nhiều lúc muốn tặng,chép đĩa không phải nghĩ nhiều đến giá cả...)