Ahmad Samara- kĩ sư phầm mềm đã nhiều lần đột nhập máy chủ của khủng bố IS

Ahmad Samara, một kĩ sư phần mềm người Ai Cập nói rằng ông đã nhiều lần đột nhập vào ngân hàng dữ liệu của nhóm các phần tử khủng bố IS. Ông cho biết các video chặt đầu và những tội ác khác mà nhóm này công bố với cả thế giới chỉ là "đỉnh chóp của một tảng băng trôi". Ahmad Samara tuyên bố trên Al-Arabiya.net vào hôm 25/2 rằng khủng bố IS rất quan tâm đến việc sản xuất các video của chúng. Nhóm này sử dụng cả đạo diễn và các nhà sản xuất phim, trong một vài trường hợp còn có cả các chuyên gialàm phim nước ngoài.

"Tôi truy cập vào tất cả các tài liệu của khủng bố IS và tôi tìm thấy nơi chúng lưu trữ những đoạn video chặt đầu, thiêu đốt và giết người. Tôi đã thực sự kinh hoàng trước những gì tôi nhìn thấy", Samara cho biết trong cuộc phỏng vấn. Người đàn ông này đã đột nhập vào máy chủ của nhóm cực đoan một vài lần, lần cuối cùng là vào tháng 3. Ông đã theo dõi thành công máy chủ của IS thông qua vô số các trang web mà nhóm này sử dụng để đăng các video và các tài liệu tuyên truyền khác.

Samara nói khủng bố IS đã lưu trữ rất nhiều những video chặt đầu và giết người "kinh hoàng" mà không hề đăng tải. Ông đã thực sự tức giận khi nhóm này công bố video thiêu sống phi công Jordan hồi đầu tháng này tại Syria. "Khi cả nhóm này thiêu sống phi công Jordan, máu của tôi đã sôi lên và tôi quyết định một lần nữa hack máy chủ của chúng. Việc quay cảnh thiêu sống Mouath phải mất một khoảng thời gian dài và người sản xuất đứng nhìn rồi la hét để những người thực hiện cảnh quay chọn một góc đẹp hơn. Tôi thấy các nhà sản xuất nước ngoài nói thông thạo tiếng Anh và thông qua giọng nói trong video, tôi có thể đoán rằng anh ta là một người Mỹ", Samara cho biết.

Ảnh
Khủng bố IS công bố video hành quyết 21 con tin Ai Cập hôm 15/2

Theo Samara, khủng bố IS có những đoạn video giết và thiêu đốt nhiều người thuộc các quốc tịch nước ngoài khác "mà chúng chưa công bố". Ông đã xem video chặt đầu 21 người Ai Cập theo Thiên chúa giáo một tuần trước khi nó được nhóm này công khai, nhưng ông không biết họ là ai. "Các đoạn video phải thực hiện ít nhất 1 tháng trước khi nó được phát đi bởi vì những gì được công khai phải được nhận lệnh. Tôi đã thấy nhiều người la hét khi họ bị chặt đầu", Samara nói.

Người kĩ sư này tin rằng có ít nhất 5 chiếc camera được sử dụng trong đoạn phim chặt đầu 21 con tin Ai Cập trên một bãi biển ở Libya, bao gồm cả những hiệu ứng âm thanh. Lần cuối cùng ông hack máy chủ của nhóm này, ông đã để lại một bức ảnh phi công Jordan đứng trước những tên giết người với một thông điệp: "Đứng hiên ngang, bạn là con sư tử giữa một bầy chó".

Theo Vietq.




Bình luận

  • TTCN (0)