Hoạt động sai so với giấy phép

Tại báo cáo về quản lí đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có sử dụng phần mềm Uber, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị làm rõ việc Uber tham gia trực tiếp vào hoạt động điều hành vận tải hành khách bằng xe ô tô để có biện pháp xử lí thích đáng. “Hiện Uber đang hoạt động tại TP.HCM không đúng với nội dung của Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp”, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho hay.

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, qua kiểm tra cho thấy, Công ty Uber được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng kí ngày 30/8/2014. Trong đó, Uber đăng kí 2 ngành nghề là dịch vụ tư vấn quản lí và dịch vụ nghiên cứu thị trường. Như vậy, công ty Uber không có chức năng tham gia kinh doanh, quản lí, điều hành vận tải hành khách đường bộ. Nhưng thực tế, hoạt động của Uber là tham gia trực tiếp điều hành vận tải hành khách theo một quy trình khép kín như một hãng taxi truyền thống.

“Thông qua ứng dụng phần mềm Uber, công ty Uber tiếp nhận yêu cầu của hành khách và quyết định hành trình, giá cước. Nếu khách đồng ý, Uber cung cấp thông tin 2 chiều cho lái xe và điều xe, thông tin cho hành khách biết số xe, tên lái xe và thời gian chờ xe đến và thu tiền khi kết thúc hành trình thông qua thẻ thanh toán quốc tế. Rõ ràng, Uber đã tham gia hoạt động điều hành trực tiếp vận tải hành khách dù không có chức năng này”, ông Nguyễn Thành Chung phân tích.

Đối tác có nhiều vi phạm

Cũng qua kiểm tra, Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện, xử lí 54 xe sử dụng phần mềm Uber chở khách vi phạm. Trong đó, có 47 xe không có chức năng kinh doanh vận tải theo quy định (không có giấy phép kinh doanh vận tải). Tính đến cuối tháng 2-2015, lực lượng chức năng trên địa bàn TP.HCM đã kiểm tra, xử phạt 69 trường hợp hoạt động vận tải khách có kết nối, sử dụng phần mềm Uber với số tiền phạt là 323 triệu đồng.

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, hầu hết các chủ xe sử dụng phần mềm Uber để kinh doanh vận tải đều không đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Những vi phạm phổ biến gồm: không có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải; xe chở khách không có phù hiệu theo quy định; xe không có thiết bị giám sát hành trình; không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở hai bên thân xe chở khách theo quy định.

Về giá cước của xe sử dụng phần mềm Uber rẻ hơn cước taxi, Sở GTVT TP.HCM lí giải, đó là do các xe này không hoạt động giống các hãng taxi truyền thống, không phải trang bị đồng hồ tính cước, không trang bị hệ thống tổng đài, thậm chí có chủ xe không đóng thuế….

Giữa tháng 2-2015, đại diện Uber Việt Nam đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xin gia hạn thời gian để các đối tác hoàn thiện thủ tục theo quy định. Tại văn bản này, Tổng giám đốc khối châu Á Thái Bình Dương của Uber là Mike Brown cho biết, các đối tác của Uber tại Việt Nam đã và đang nộp hồ sơ hoàn thiện thủ tục theo quy định đến các sở, ngành chức năng.

Trả lời báo chí về tính hợp pháp của việc hoạt động vận tải qua phần mềm Uber, ông Mike Brown đã khẳng định, tất cả các đối tác của Uber tại Việt Nam tham gia dịch vụ chở khách thông qua phần mềm Uber đều đảm bảo tuân thủ đầy đủ pháp luật và các quy định của Việt Nam. Cũng theo Uber, trong năm 2015, con số tham gia hoạt động chở khách qua phần mềm Uber ở Việt Nam có thể gia tăng lên 1.000 xe.

Theo An Ninh Thủ Đô.




Bình luận

  • TTCN (0)