Smart TV, hay còn gọi là TV thông minh, ngày nay có thể nói đã xứng tầm với tên gọi của nó hơn. Thế giới smart TV đã trải qua một giai đoạn hỗn độn trong nhiều năm qua. Giao diện của hầu hết các mẫu smart TV được cho là rối rắm và nhiều tính năng khá phức tạp, ít nhiều “gây khó” cho người tiêu dùng.

Sự trưởng thành của smart TV diễn ra quá chậm so với các ngành công nghệ khác. Các hãng sản xuất TV tên tuổi lại đi theo những hướng khác nhau, gây khó khăn cho chính họ. Mỗi hãng TV đều phát triển một nền tảng riêng của mình và không theo bất kì một tiêu chuẩn mở nào cả. Sự thiếu thống nhất và không phù hợp cuối cùng đã dẫn đến một trải nghiệm người dùng nghèo nàn, kém hấp dẫn.

Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với cách thức mà hệ điều hành di động Android đang thống trị ngành công nghiệp smartphone và đang làm cho nó phát triển theo cấp số nhân.

Hàng nghìn công ty đã công bố những sản phẩm mới của họ tại Triển lãm CES 2015 tại Las Vegas (Mỹ) vào đầu tháng 1/2015 vừa qua, và một trong những sản phẩm thú vị nhất liên quan đến TV thông minh. Giống như năm trước, màn hình độ nét siêu cao là những sản phẩm được chú ý nhiều nhất, nhưng CES năm nay lại có thêm một điểm nhấn rõ ràng hơn về các nền tảng mạnh mẽ đằng sau những màn hình thông minh này.

Sau đây là 4 nền tảng smart TV đang được các hãng sản xuất tên tuổi phát triển và được đánh giá sẽ là những xu hướng của năm 2015.

WebOS TV

LG là hãng tiên phong trong lĩnh vực TV thông minh trong vòng 2-3 năm qua và đã khởi tạo một cuộc chiến smart TV với nền tảng di động WebOS vào đầu năm 2014. Nền tảng này đang được LG sử dụng cho những TV màn hình lớn và được cho là nhân tố quyết định cho sự thành công của phân khúc sản phẩm smart TV của hãng trên thị trường toàn cầu.

Tại CES 2015, hãng công nghệ Hàn Quốc này đã công bố một phiên bản WebOS 2.0 mới cho các mẫu smart TV thế hệ 2015 của hãng. WebOS ban đầu được Palm sử dụng trên smartphone của họ nhưng sau đó nền tảng này được bán lại cho LG. Những mẫu smart TV chạy WebOS đầu tiên được LG giới thiệu vào năm 2014.

Về giao diện, LG hầu như không thay đổi bất kì chi tiết nào trong nền tảng này và đây có thể là một điều khiến người dùng quen thuộc với WebOS thật sự dễ dàng thích nghi. Hãng TV này cho biết chỉ đơn thuần đã thêm một số tính năng mới và làm cho WebOS khởi động nhanh hơn (thực tế là nhanh hơn 60%).

Với bộ điều khiển từ xa của LG, người dùng có thể sử dụng thao tác cử chỉ để điều khiển và dùng như một thiết bị trỏ. Thêm một điểm đáng chú ý là cửa hàng ứng dụng của LG trong phiên bản WebOS 2.0 đã được đổi tên thành LG Content Store với thiết kế thời trang hơn. Người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm, chọn và tải nội dung từ cửa hàng này từ các thẻ Movies, Games,… khác nhau.

Android TV

Android TV là sự kế thừa của Google TV, được thiết kế để đưa nền tảng Android chạy trên các màn hình TV lớn và các thiết bị đa phương tiện. Đây là hệ điều hành dành cho TV thông minh do Google phát triển.

Android TV được chính thức trình làng vào tháng 10/2014 qua những sản phẩm set-top box Nexus Player của Google và Asus sản xuất. Tiếp theo đó, một loạt các hãng TV gồm Sony, Sharp và Philips đã giới thiệu những mẫu TV mới chạy Android tại CES 2015.

Giao diện Android TV được đánh giá là đơn giản, dễ dùng và có lẽ đã quá quen thuộc với nhiều người dùng smartphone, tablet hiện nay. Nền tảng này cũng cho phép người dùng có thể tải ứng dụng để xem phim, nghe nhạc hay chơi game từ cửa hàng trực tuyến Google Play Store, tương tự như trên smartphone, tablet.

TV chạy Android cũng hỗ trợ tính năng ra lệnh bằng giọng nói. Tuy nhiên, để sử dụng thì thiết bị phần cứng phải tích hợp micro để có thể “nghe” được giọng nói của bạn. Hiện nay, các bộ điều khiển từ xa của Nexus Player và của Sony One-Flick đều được tích hợp micro.

Tizen TV

Tizen là một nền tảng mới của Samsung, được thiết kế dựa trên nhân của hệ điều hành mở Linux. Theo kế hoạch của Samsung, Tizen có thể được sử dụng trên nhiều thiết bị thông minh khác nhau như smart TV, smartphone, tablet, máy tính, smart camera, thiết bị đeo, các thiết bị gia dụng và thậm chí trong các thiết bị thông tin trên xe hơi.

Tại CES 2015, Samsung đã công bố dòng smart TV đầu tiên chạy nền tảng Tizen của hãng. Tuy nhiên, một lưu ý là cho đến nay hệ điều hành Tizen vẫn chưa được chính thức phát hành.

Khi bật một TV chạy Tizen, bạn cần phải dùng bộ điều khiển từ xa của Samsung để điều hướng. Thiết bị này hỗ trợ các thao tác cử chỉ và hoạt động như chuột máy tính, cho phép trỏ và chọn các biểu tượng trên màn hình chính của TV có tên gọi là Smart Hub.

Firefox TV

Firefox OS là một hệ điều hành di động của Mozilla và cũng được thiết kế dựa trên nhân Linux. Nền tảng này hiện đang được sử dụng trên smartphone, tablet và mới đây cũng được đưa vào smart TV.

Panasonic đã tích hợp nền tảng này vào những mẫu smart TV của hãng từ đầu năm 2014, nhưng giờ đây đã cải tiến nhiều tính năng và đặt tên là Mi Home Screen 2.0 cho phiên bản 2015.

TV chạy Firefox OS của Panasonic hỗ trợ độ phân giải cao, có thể tùy chỉnh phông nền. Tương tự như hầu hết TV thông thường, bạn cũng cần phải sử dụng điều khiển từ xa để điều hướng trong giao diện chính của Panasonic Firefox TV.

Firefox TV cũng hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói, không chỉ cho phép tìm kiếm nội dung từ các dịch vụ trực tuyến như YouTube mà còn tìm kiếm trên thiết bị USB và trong trình duyệt web.

Theo Panasonic, nhiều ứng dụng Firefox OS cho smart TV còn có thể “đẩy” thông báo lên góc phải bên dưới màn hình. Hãng TV của Nhật Bản này còn hứa hẹn sắp tới sẽ cung cấp tính năng chuyển đổi giữa các ứng dụng đang được mở một cách nhanh chóng và dễ dàng.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)