Mua sắm trực tuyến có thể thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần Ảnh: Internet.

Theo khảo sát mới nhất về mua sắm trực tuyến năm 2014 của MasterCard, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng và có đầy đủ mọi yếu tố để giữ vai trò then chốt cho sự thành công của lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam. Khảo sát cũng cho thấy những xu hướng mới về mua sắm trực tuyến.

Phụ nữ - tín đồ mua sắm trên mạng

Tỉ lệ người Việt Nam mua sắm trực tuyến trong vòng 3 tháng qua đã tăng từ 68,4% lên 80,2%, đạt mức gia tăng cao thứ hai (11,8%) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hơn 2/3 (67,6%) người khảo sát nói rằng mua sắm trực tuyến là một trong những lí do mà họ truy cập internet, tăng 13,8% so với năm ngoái. Phụ nữ và những người trong độ tuổi 35-44 vẫn là những người thường mua sắm trực tuyến nhiều nhất với 85,1% và 86,5% tương ứng đã thực hiện ít nhất một giao dịch mua sắm trực tuyến trong vòng 3 tháng qua. Họ cũng có chiều hướng mua nhiều mặt hàng hơn và đi mua sắm nhiều hơn các nhóm khác.

Ba lĩnh vực hàng đầu mà người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên chi tiền nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến là hàng không, các sản phẩm điện tử gia dụng và du lịch. Những trang web mua sắm trực tuyến được ghé thăm nhiều nhất tại Việt Nam là Lazada (24,4%), Hotdeal (21,9%), Mua Chung (16,2%) và Chotot (14,7%).

Uy tín của một trang web (83,8%), các phương thức thanh toán tiện lợi (81%), chính sách hoàn trả hay đổi hàng (81%) vẫn dẫn đầu danh sách những điều cần xem xét khi mua sắm trực tuyến. Tiếp đến là giá cả/giá trị của món hàng, mức độ bảo mật của thiết bị thanh toán và những nhận xét trực tuyến tích cực về sản phẩm.

Độ an toàn vẫn là rào cản chính

Khảo sát cho thấy những lo ngại về việc hoàn trả hay đổi hàng (40,4%) và độ an toàn của giao dịch mua sắm (32,3%) tiếp tục là rào cản chính đối với việc mua sắm trực tuyến nhưng tất cả những yếu tố này đã giảm đáng kể so với năm trước. Đáng chú ý là sự hài lòng của người tiêu dùng Việt Nam đối với mua sắm trực tuyến đã tăng 7,4% so với năm ngoái với 62,1% người trả lời nói rằng hài lòng với việc mua sắm trực tuyến. Ngoài ra, số người được khảo sát nói sẽ thực hiện một giao dịch mua sắm trực tuyến trong vòng 6 tháng tới tăng lên 93% từ mức 91,4% trong năm trước, đây là tỉ lệ cao thứ hai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc (96,4%).

Về những phương thức giúp cải thiện các trải nghiệm mua sắm trực tuyến, 64,8% người cho biết cần phải làm cho các giao dịch mua sắm trở nên dễ dàng hơn. Phí gửi hàng thấp hay miễn phí (63,3%) cũng nằm trong những đề nghị hàng đầu. So với năm trước, có nhiều người hơn đưa ra các đề nghị bảo đảm các giao dịch an toàn, giao dịch thời gian thực và những ý kiến tích cực của người khác.

Mua sắm bằng điện thoại gia tăng

Thương mại di động cũng đang đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ. So với những năm trước, có nhiều người đã thực hiện giao dịch mua sắm bằng điện thoại di động trong trong 3 tháng qua, tăng từ 34,9% năm 2013 lên 45,2%. Tỉ lệ người trả lời nói đã không mua sắm và không có ý định mua sắm bằng điện thoại di động giảm từ 42,6% xuống còn 33% trong năm 2014. Những lí do chính cho việc mua sắm bằng điện thoại di động bao gồm sự tiện lợi, có thể giao dịch mọi lúc, nhiều ứng dụng giúp mua sắm trực tuyến dễ dàng hơn. Các ứng dụng điện thoại, quần áo/phụ kiện và tải nhạc là những danh mục mua sắm chính qua điện thoại di động.

“Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… được xem là những lí do góp phần thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam” - ông Arn Vogels, Trưởng đại diện và Giám đốc khu vực Đông Dương của MasterCard, cho biết.

Theo Người Lao Động.




Bình luận

  • TTCN (0)