Thành phố điện mặt trời ở Freiburg, Đức - Ảnh: rolfdisch.de.

AFP dẫn cảnh báo từ hệ thống các nhà khai thác điện thuộc Mạng lưới châu Âu (Entso-e) cho hay ảnh hưởng từ nhật thực, dự kiến diễn ra vào ngày 20/3, hoàn toàn khác với lần gần đây nhất là vào năm 1999, do châu Âu đang dựa vào nguồn điện mặt trời với năng suất cao gấp 100 lần trước đó.

“Đây là lần đầu tiên nhật thực có thể gây nên tác động đáng kể đối với hoạt động của hệ thống điện châu lục”, theo Entso-e.

Nếu thời tiết vào sáng 20/3 có nắng chói chang, trước khi nhật thực xuất hiện, sản lượng điện đột ngột hao hụt khi mặt trời biến mất có thể lên đến 34.000 Megawatt, tương đương công suất của 80 nhà máy điện cỡ vừa.

Dự kiến, nhật thực sẽ lan từ Tây Ban Nha đến Phần Lan, từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày 20/3. Quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất khi bị chìm trong bóng tối nhiều khả năng là Đức, với công suất khai thác năng lượng mặt trời lên đến 40.000 MW và 18% lượng tiêu thụ điện năng vào năm ngoái đến từ năng lượng mặt trời.

Các quốc gia đã cam kết sẽ lập tức chia sẻ thông tin trong khi nhật thực diễn ra, nhằm giảm thời gian phản ứng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Một trong những trung tâm đóng vai trò chủ chốt là Coreso ở Brussels (Bỉ), nơi nhân viên làm việc 24/7 để theo dõi tình trạng 5 mạng lưới điện liên lục địa được kết nối chặt chẽ ở Tây Âu, nơi chiếm hơn 40% dân số châu lục. Trung tâm này sẽ đóng vai trò cố vấn liệu có cần bơm thêm điện từ nguồn khác hoặc nơi nào cần sự hỗ trợ của các quốc gia láng giềng.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua nỗi lo ngại về vấn đề thiếu điện, thứ sáu ngày 20/3 là một thời điểm đáng nhớ đối với người dân châu Âu. Trong vòng 24 giờ của ngày này, sẽ lần lượt diễn ra 3 sự kiện thiên văn hiếm hoi: đầu tiên là nhật thực, kế đến là thời khắc diễn ra tiết xuân phân, và đến cuối ngày Siêu trăng lại chiếu sáng bầu trời châu lục.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)