Ngày 30/3, trên mạng chia sẻ hình ảnh iPhone 6 của cô gái H.X.T. bị bẻ cong do giằng co với cướp. Trên trang cá nhân, thiếu nữ này đăng kèm dòng trạng thái tiếc nuối chiếc điện thoại của mình.
Chiếc iPhone cong bỗng dưng nổi tiếng
Sau hàng loạt bình luận tỏ ra đồng cảm trước sự mất mát của cô gái này, cộng đồng mạng bất ngờ khi biết được đây là ảnh lấy của người khác.
Khi bị vạch trần, thiếu nữ này trả lời "Có bảo là của mình đâu". Dân mạng tỏ ra bất bình "không phải của mình mà đăng như đúng rồi", "của người khác mà bạn xót làm gì"...
Cùng đăng ảnh chiếc iPhone bẻ cong này trên mạng, nhiều thành viên khác cũng nhận là chủ nhân bức ảnh.
Khi bị đánh lừa, cộng đồng mạng lên án hành vi sống ảo, thích khoe mẽ của một số bạn trẻ hiện nay. .
"Dù cố ý hay không, việc chôm ảnh người khác nhận của mình là điều không thể chấp nhận được. Trong khi xã hội hiện đại đang nêu cao về vấn đề bản quyền, hành động "chôm chỉa" này sẽ tạo thành thói quen xấu", thành viên Mẫn Duy chia sẻ.
Qua hình ảnh hiện thị trên màn hình điện thoại, cư dân online cũng nhanh chóng tìm ra tác giả thực sự của bức ảnh. Ngày 1/4, Đ.H. (Hà Nội) xác nhận, cô chính là chủ nhân của chiếc iPhone 6.
"Tôi bị giật điện thoại ở Mê Linh, giằng co với tên cướp, tuy lấy lại được nhưng nó bị bẻ cong. Sau đó, tôi đăng hình ảnh lên trang cá nhân để hỏi mọi người nơi sửa, thay linh kiện uy tín", H., chia sẻ.
Cô gái Hà thành cũng khá bất ngờ khi nhận thông tin có nhiều người chôm bức ảnh này. "Tôi không rõ các bạn ấy là ai. Đây là lần đầu tiên tôi bị chôm ảnh như vậy. Thậm chí, nhiều người còn vào ném đá vì cho rằng tôi cũng là một trong những người ăn cắp ảnh".
Minh Vi, bạn của H. cho biết, chiếc điện thoại cong được chia sẻ nhiều trên mạng là của H.: "Tôi tận mắt thấy chiếc iPhone 6 của cô ấy bị bẻ cong do cướp. Tôi cũng khá bức xúc khi có nhiều người lấy ảnh và bêu rếu nó trên mạng".
Giới trẻ nên tỉnh táo trong đời sống ảo
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lí học xã hội Việt Nam - cho biết, việc chôm ảnh, sao chép của người khác để tô vẽ chân dung mình đang dần trở thành thói quen của không ít người. Điều này cũng lôi kéo các bạn trẻ vội vàng chia sẻ, khóc, cười ăn theo thiếu kiểm soát.
"Háo danh, hào quang nổi tiếng cùng sự thiếu nghiêm túc khiến các bạn trẻ lao vào thói sống ảo. Tất cả trở thành chiếc bẫy của "trang sức" bên ngoài, không mang lại giá trị chân chính trong cuộc sống", tiến sĩ nhận định.
Ông cũng đưa ra lời khuyên mỗi người cần tỉnh táo trước thông tin trên mạng, tránh việc trở thành trò đùa của người khác.
Theo Zing.
Bình luận