Các nhóm hacker “phá khóa”, xâm nhập hệ thống bảo mật khiến người dân không khỏi lo ngại.

Điều này dấy lên mối lo ngại lớn không chỉ về kinh tế- văn hóa- xã hội mà còn về an ninh xã hội, khi các hacker có thể “đi lại” dễ dàng vào chốn cửa công, đặc biệt là những cơ quan được xem là đầu não.

Mới đây thông tin một số máy tính cá nhân ở bộ Tư pháp dính vi rút tống tiền cũng khiến nhiều người ái ngại. Những kẻ nào đang đứng trong bóng tối, thao túng và gây ra những trò “kinh thiên động địa” song không một âm thanh này?

Cuộc chiến đã bắt đầu?

Theo thông tin, ngày 25/5, công ty bảo mật hàng đầu của Mỹ FireEye cho biết, họ nhận thấy có một số dấu hiệu chứng tỏ một nhóm tin tặc, được gọi là APT30, sử dụng phần mềm chứa mã độc để tiếp cận hàng loạt máy tính chứa các thông tin tình báo quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự ở các nước châu Á trong đó đáng chú ý có Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Malaysia.

Trong suốt 10 năm trở lại đây, APT30 quan tâm đến những tài liệu chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng. Phương thức hoạt động của APT30 khá đơn giản nhưng rất hiệu quả, chúng gửi các email chứa tệp đính kèm mang mã độc và dụ người nhận tải file. Ngay khi mở file, các tin tặc sẽ tiếm quyền kiểm soát máy tính.

Phân tích các mã độc của APT30 cho thấy, phương pháp phát triển mã độc một cách bài bản, chuyên nghiệp giống như phương pháp vận hành của các công ty kinh doanh công nghệ - thiết kế riêng để tiếp cận các lĩnh vực như ngoại giao, chính trị, báo chí và khu vực kinh tế tư nhân mà nhóm này nhắm tới.

Những kẻ thù giấu mặt sau... bàn phím

Cũng theo thông tin mới nhất mà hãng bảo mật Mỹ Symantec đưa ra thì Việt Nam đứng thứ 9 toàn cầu về “hoạt động đe dọa bảo mật Internet”. Những cơ quan mà “sinh mệnh” được đặt cả vào sự vận hành của thế giới mạng, được bảo vệ kĩ lưỡng mà vẫn bị tấn công, đến lúc này, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: Liệu có lỗ hổng an ninh mạng hay không? Cách ngăn chặn và tiêu diệt? Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra lo lắng: Bao giờ thì đến lượt máy tính của tôi/ cơ quan tôi bị tấn công?

Trước tình hình đó, đại diện cục An toàn thông tin (bộ TT&TT) cũng phải thừa nhận việc gia tăng các hoạt động đe dọa đến an toàn thông tin là điều không mới và đã được dự đoán trước.

Nguyên nhân do sự bùng nổ các thiết bị công nghệ và mạng internet đã vô tình đặt người dùng, vốn bị hạn chế về an toàn thông tin trước hàng loạt các nguy cơ bị tấn công. Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề này trong thời gian qua.

Hàng loạt các đơn vị chuyên trách như cục An toàn thông tin cũng đã được thành lập; hàng loạt các đề án, chương trình đào tạo, nâng cao trình độ phòng chống xâm nhập cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, trước sự “thiên biến vạn hóa” của các tổ chức hacker, cuộc chiến bảo mật thông tin vẫn còn kéo dài và dai dẳng.

Theo Doisongphapluat.




Bình luận

  • TTCN (0)