Các nhà phân tích đang lo lắng cho Apple chỉ vì một lí do ngớ ngẩn, đó là Apple đang làm quá tốt. Bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus bán vượt quá mong đợi của những nhà đầu tư lạc quan nhất. Chúng giúp Apple có được quý doanh thu kỉ lục, đẩy giá cổ phiếu lên mốc mới. Với vài người, điều đó đồng nghĩa với Apple sẽ lao dốc từ đây.

Chẳng hạn, chuyên gia Andrew Uerkewitz của hãng đầu tư Oppenheimer, viết trong lưu ý mới về Apple: “Trong 9 tháng tới, chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ nghi ngờ liệu Apple có thể tăng trưởng như cũ khi đối mặt với nhiều khó khăn phía trước. Thực tế, chúng tôi tin trong năm tài khóa 2015, Apple sẽ ghi nhận doanh số iPhone giảm lần đầu tiên. Nó gây áp lực lên giá cổ phiếu khi các nhà đầu tư bắt đầu tin rằng câu chuyện tăng trưởng iPhone đã đến lúc chững lại”.

Những gì mà Uerkewitz muốn nói là Apple khó đánh bại được kỉ lục của mình. Apple bán quá nhiều iPhone, thật khó để tưởng tượng hãng có thể bán được nhiều hơn nữa. Như một hệ quả, các nhà đầu tư dự đoán doanh số giảm so với cùng kì năm trước, dẫn đến doanh thu giảm, ảnh hưởng đến cổ phiếu.

Uerkwitz không phải chuyên gia duy nhất nghĩ về điều này. Sau khi Apple công bố kết quả kinh doanh quý gần đây, nhà phân tích Piper Jaffray dự báo cuối năm doanh thu của Apple sẽ giảm. Ông ước tính tăng trưởng đến ngày 15/6 là 28%, 15/9 là 11% và 15/12 giảm 1%. Năm 2016, doanh thu tăng trưởng 2%. Jaffray nhắc đến trường hợp của iPhone 5 năm 2013 khi giá cổ phiếu Aple giảm tới 44% trong 7 tháng sau khi sản phẩm phát hành.

Một nguyên nhân nữa khiến các nhà đầu tư lo cho Apple là họ khó lặp lại thành công của chính mình. Trong 3 quý cuối năm 2014, “táo khuyết” bán được 74,5 triệu iPhone, mang về doanh thu 51 tỉ USD, cao hơn doanh thu của cả Facebook, Google và Microsoft cộng lại. Do đó, dễ hiểu vì sao mọi người lại lo lắng Apple không thể tăng trưởng mạnh hơn.

Tuy nhiên, Uerkwitz nhận định Apple sẽ phát triển dễ dàng trong năm nay do iPhone chỉ mới bắt đầu. Ông đánh giá sự sợ hãi kể trên là hấp tấp. Chính thị phần và đà tăng doanh số của Apple tại Trung Quốc sẽ cho phép công ty vượt chướng ngại vật trong quý cuối năm nay. Hơn nữa, hệ sinh thái, danh mục sản phẩm mới và thái độ thân thiện với cổ đông cũng giúp Apple tăng trưởng tốt trong khi các cỗ máy doanh thu mới dần nổi lên để thay thế iPhone.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh gần đây nhất, Tổng Giám đốc Tim Cook chỉ ra doanh số iPhone tăng nhanh hơn toàn bộ thị trường smartphone (40% so với 16%). Khi nhìn vào các thị trường khác nhau, Apple đều chứng kiến thị phần tăng mạnh nhờ “ăn” vào miếng bánh của Android. Công ty cũng cho biết chỉ có 20% người dùng sẵn có nâng cấp lên iPhone 6 hoặc 6 Plus, đồng nghĩa với 80% còn lại đang chờ mua điện thoại mới trong vòng 2 – 3 năm tới.

Một thị trường dẫn dắt tăng trưởng của Apple là Trung Quốc, nơi có doanh số tăng tới 70% trong quý I/2015. Theo nhà phân tích Uerkwitz, quốc gia này vẫn còn tiềm năng chưa được khai phá trong năm 2015 và về sau.

Vì sao iPhone lại làm tốt như vậy? Uerkwitz cho rằng chính là nhờ “khoảng cách hệ sinh thái” ngày càng mở rộng.

Chúng ta đều biết rằng việc Apple tăng kích thước màn hình trên iPhone đã mở đầu cho làn sóng “di cư” từ Android sang iPhone. Dù vậy, đây chỉ là yếu tố bề mặt. “Khoảng cách hệ sinh thái” giữa iPhone và Android đã mở rộng nhanh chóng trong 9 tháng qua, theo chiều hướng có lợi cho iPhone. Chẳng hạn, Apple Pay và Apple Watch đều là các sản phẩm, dịch vụ mới so với hệ sinh thái nổi tiếng của Apple nhưng Samsung và phần còn lại của Android chưa đưa ra được giải pháp nào đủ sức cạnh tranh. Điều đó sẽ làm nên sự khác biệt trong dài hạn của hai hệ điều hành. Uerkwitz dự báo khoảng cách sẽ làm cho nền tảng người dùng Android suy yếu, ngay cả khi nó được lấy đầy, giữ cho doanh số iPhone ở mức khó với tới. Android vì tình trạng phân mảnh mà không thể có được giải pháp tất cả trong một mà Apple cung cấp đối với các sản phẩm hoàn toàn do hãng quản lí.

Hai yếu tố trên chưa phải đã hết. Giả sử iPhone bán chậm dần theo thời gian, Apple vẫn có các phương án khác để bù đắp cho doanh thu và giá cổ phiếu của hãng. Apple Watch dù bị nghi ngờ vẫn có doanh số khả quan. Ming Chi Kuo, một trong các nhà phân tích chính xác nhất thế giới, ước tính trong 12 tháng đầu ra mắt, đồng hồ thông minh của Apple có thể bán được 15 triệu máy. Chuyên gia Katy Huberty của Morgan Stanley gần đây còn nâng mức dự báo lên 36 triệu máy. Nếu giá bán trung bình của nó là 500 USD, Apple có thể thu về 7,5 tỉ USD doanh thu (trên 15 triệu máy) hoặc 18 tỉ USD (trên 36 triệu máy).

Cuối cùng, thứ mà các nhà phân tích chưa nhắc đến là các sản phẩm mới. Apple được đồn chuẩn bị ra mắt dịch vụ âm nhạc riêng cạnh tranh với Spotify hay dịch vụ truyền hình để tận dụng lợi thế từ iTunes. Nếu các dịch vụ này đạt kết quả tốt, chúng không thể ngay lập tức mang về cả “núi tiền” cho Apple nhưng sẽ giúp trấn an các nhà đầu tư, dẫn đến giá cổ phiếu ổn định hoặc cao hơn.

Như vậy, nói một cách ngắn gọn, dù có nghi ngờ rằng Apple không thể vượt qua chính bản thân mình, sự thực là “táo khuyết” đang ở vị trí vô cùng thuận lợi để chỉ tiến lên mà không thụt lùi.




Bình luận

  • TTCN (0)