“Họ muốn ra mắt những sản phẩm khiến tất cả mọi người hài lòng nhưng không ai biết trước", Brad – cựu nhân viên Apple cho biết. “Bạn không thể nói với bất cứ ai về công việc của mình”.

Yêu cầu bí mật tuỵệt đối từ bên trong khiến Apple tạo ra văn hoá khác biệt với các công ty còn lại tại thung lũng Silicon.

Nhận việc

Quá trình phỏng vấn tại Apple khác nhiều so với tại Facebook hay Google, Brad chia sẻ. Brad từng phỏng vấn tại Facebook và nghe bạn bè kể về Google. Thay vì phỏng vấn nhân viên cho một công việc cụ thể, Facebook tiến hành hỏi tổng quát, sau đó chọn ứng viên đặt vào từng công việc cụ thể.

Brad không chia sẻ Apple đặt câu hỏi gì trong các cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, ông cho biết mình mất khoảng 1 đến 2 tiếng để chia sẻ về việc cũ với người tuyển dụng. “Quá trình phỏng vấn có vẻ dễ dàng”. Sau khi nhận được lời đề nghị từ Apple, ông lập tức đồng ý.

Đãi ngộ cao

Apple trả lương nhân viên rất cao.

Thông thường, nhân viên Apple thu về 38 USD/giờ, tương đương 6.700 USD/tháng, theo Brad. Họ cũng được trả lương làm thêm nếu công việc trên 40 giờ/tuần. Với lương làm thêm, họ được trả gấp rưỡi và nếu làm việc trên 60 giờ/tuần, họ được trả gấp đôi.

Mức thu nhập này rất cao, đặc biệt là khi họ không phải trả tiền nhà ở. Theo Brad, Apple miễn phí tiền nhà cho nhân viên tại khu vực Bay Arena nếu bạn không ngại ở chung với người khác.

Nếu không muốn ở chung, Apple chi 1.000 USD tiền thuê nhà cho bạn. Nếu rời khu vực Bay Arena cho công việc nhất định, Apple sẽ trả khoảng 3.300 USD chi phí thay đổi chỗ ở, chẳng hạn như vé máy bay, vé tàu vv…

Văn hoá giữ bí mật

Mục tiêu của Apple là “tạo bất ngờ và toả sáng”, Brad cho hay. Do đó, các dự án của họ được giữ bí mật tối đa. Apple cố gắng đảm bảo, nhân viên tại các phòng khác nhau không biết phòng còn lại đang làm gì bằng cách chặn lối đi tại các toà nhà bên trong khu văn phòng chính.

“Mọi thứ đều bị khoá chặt”, Brad nhớ lại. “Bạn không được phép chụp ảnh bên trong toà nhà. Điều này thật điên rồ”. Tư tưởng này được truyền tải đến nhân viên ngay từ ngày đầu tiên họ gia nhập thông qua buổi “huấn luyện giữ bí mật”.

Đôi khi, nhân viên Apple không biết họ đang tạo ra sản phẩm gì. Brad cho biết, ông từng trò chuyện với một nhân viên Apple – người làm việc trong dự án iPad năm 2010. Người này làm việc trên một màn hình 9,7 inch cả năm trời nhưng không biết đó là gì.

“Họ không biết đó là một chiếc smartphone khổng lồ hay laptop cỡ nhỏ”.

Nate Sharpe - kĩ sư từng làm việc trong dự án thiết kế iPod – tóm tắt: Bí mật là một trong những phần hấp dẫn nhất của công việc tại Apple.

“Thật thú vị khi tham gia vào quá trình thai nghén một sản phẩm, để biết được những chi tiết cụ thể của thiết bị đó, thậm chí cả những phần không bao giờ có cơ hội xuất hiện”.

Gặp gỡ lãnh đạo

Nhân viên Apple có cơ hội gặp lãnh đạo cao cấp thông qua các buổi nói chuyện. Đó có thể là CEO Tim Cook, Phó chủ tịch phụ trách thiết kế Jony Ive hoặc một người lãnh đạo chuỗi cung cấp linh kiện.

Brad từng tham dự buổi nói chuyện của Phó chủ tịch phụ trách công nghệ camera. Ông không nhớ tên nhân vật này nhưng trong nhiều năm qua, John Kerr quản lí các dự án camera trên iPhone, iPad và máy Mac.

Brad cho biết, đã có một số xung đột giữa nhóm thiết kế camera và nhóm sản phẩm của Jony Ive. Ive không muốn iPhone có camera lồi.

“Họ chỉ có 2 lựa chọn: Thiết kế iPhone dày hơn hoặc làm camera chất lượng kém hơn. Cuối cùng, họ chọn phương án làm camera lồi”.

Brad cũng từng nghe Phó chủ tịch phụ trách cung ứng sản phẩm của Apple kể chuyện. “Một lượng không nhỏ những chiếc iPhone không thể bán ra do lỗi dây chuyền”, Brad chia sẻ.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)