Như chúng ta đã biết, vào ngày hôm nay, Google đã thực hiện cuộc tái cấu trúc đầy táo bạo trong lịch sử của hãng, thành lập công ty mẹ Alphabet với tham vọng thâu tóm toàn bộ thị trường công nghệ hiện nay. Trong đó, thông tin đáng chú hơn cả, vị trí CEO Google đã được giành cho Sundar Pichai, phó chủ tịch phụ trách mảng Android và Chrome của Google trước đây.

Ai cũng đều biết rằng, để đạt được vị trí "vạn người mơ ước" như hiện nay, người hùng Sundar Pichai đã luôn phải làm việc rất chăm chỉ và tận tụy. Tuy nhiên, câu hỏi được rất nhiều người đặt ra, đó là nhờ những tài năng nào, Sundar Pichai lại được chọn làm người kế vị "ngôi vương" tại Google?

Một nhà phát triển tài ba

Được biết, biệt tài lớn nhất ở Sundar Pichai giúp ông trở thành tân CEO của Google chính là khả năng dẫn dắt các sản phẩm từ tay trắng trở nên thành công. Cụ thể như trường hợp của trình duyệt Chrome. Ngay từ những ý tưởng ban đầu, Pichai đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các sếp của Google. Tuy nhiên, qua bàn tay nhào nặn của ông, Chrome xuất hiện trên mọi máy tính, cũng như các thiết bị cầm tay hiện tại.

Một minh chứng khác cũng khá điển hình, đó là nền tảng di động Android. Nhờ những dự án như Android One, và lần lượt các bản cập nhật Android trong thời gian gần đây, hệ điều hành di động "con cưng" của Google đã chiếm tới 81,5% thị phần di động toàn cầu trong năm vừa qua. Đồng thời, cũng chính Sundar Pichai đã bảo vệ thành công ngôi vị số một của Android trong làng công nghệ thế giới.

Sự khiêm tốn

Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng, trước khi Google thực hiện cuộc tái cấu trúc lịch sử, công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ mới chỉ có 2 thế hệ CEO, và Sundar Pichai là người thứ 3. Trong đó, đức tính đáng trân trọng đầu tiên của Sundar Pichai là sự khiêm tốn. Không cần dẫn chứng quá nhiều về đức tính này, hãy nhìn ngay vào những cuộc phỏng vấn mới đây của vị tân CEO Google và giới truyền thông.

Đầu tiên, thông qua mạng xã hội Twitter, CEO Sundar Pichai chỉ độc trả lời 2 chữ: "Cảm ơn", mà không hề tâng bốc bản thân lên mây xanh.

Trong khi đó, để nói về vị CEO 43 tuổi, cựu giám đốc điều hành Facebook Bret Taylor cho biết:"Pichai là một trong những nhà lãnh đạo công nghệ tài năng nhất mà tôi từng làm việc cùng. Để nói về ông, hãy bắt đầu với đức tính khiêm tốn. Dù ở bất kì cương vị nào trong làng công nghệ thế giới, ông ấy luôn nghĩ rằng, mình chính là đầy tớ của người dùng."

Còn trong cuộc phỏng vấn mới nhất với trang Nytimes, CEO Sundar Pichai chia sẻ:

"Bạn biết đấy, tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch, luôn giữ điện thoại ở chế độ có chuông, để không bỏ lỡ bất kì sự kiện, thông tin nào trong cuộc sống của mình. Còn trong trường hợp, tôi đang tập trung nghiên cứu một vấn đề nào đó như những báo cáo quan trọng, điện thoại của tôi sẽ ở chế độ không làm phiền. Với tôi, công nghệ luôn cần đúng lúc, đúng chỗ, không cần quá phô trương.

Cuối cùng, tôi luôn tâm niệm rằng, mình chính là đầy tớ của người dùng, đưa cho họ những công nghệ cần có và thiết thực nhất với cuộc sống."

Tầm nhìn rộng mở

Khác với các vĩ nhân của làng công nghệ, CEO Sundar Pichai luôn hướng đến những gì tốt và phù hợp nhất cho người dùng, thay vì vẽ ra những hệ thống to lớn và bắt các khách hàng luôn phải chạy theo mình. Cũng nhờ đức tính này, vị CEO 43 tuổi đã đạt được vô số thành công tại Google, đồng thời, trở thành thần tượng của các tín đồ công nghệ hiện nay.

Bắt đầu làm việc tại Google từ năm 2004, Pichai tham gia một nhóm nghiên cứu nhỏ làm việc với thanh công cụ tìm kiếm của hãng này. Thành tựu đầu tiên của Sundar Pichai đó là phát triển thành công thanh công cụ tìm kiếm của Google trên 2 trình duyệt là Internet Explorer và Firefox. Nhận thấy tiềm năng tại thị trường trình duyệt, Pichai đã đề xuất một trình duyệt riêng của Google là Chrome hiện nay.

Thế nhưng, khi đó, CEO đương thời là Eric Schmidt đã quả quyết rằng, việc Google tham chiến vào thị trường trình duyệt là không khả thi, điều này có thể khiến công ty tìm kiếm hàng đầu phải trả giá đắt. Sau rất nhiều tranh cãi, cuối cùng, Sundar Pichai đã đúng. Chính trình duyệt Chrome đã đem về những khoản thu kếch xù cho cả tập đoàn, đồng thời, trở thành trình duyệt phổ biến nhất trên thế giới.

Sau thành công với trình duyệt Chrome vào cuối năm 2008, tới năm 2012, ông tiếp tục được bổ nhiệm vị trí phụ trách mảng Google Apps sau khi người phụ trách trước đó là Dave Girouard đã nghỉ việc để thành lập công ty riêng. Và cũng chỉ một năm sau, Sundar Pichai tiếp tục trở thành người đúng đầu mảng Android, sau khi "cha đẻ" của hệ điều hành này là Andy Rubin từ chức.

Nói về tầm nhìn của Sundar Pichai, nhà sáng lập Larry Page đã từng chia sẻ: "Với tôi, Pichai là một nhà phát triển sản phẩm thiên bẩm. Cậu ấy rất yêu công nghệ. Nhưng hơn hết, Pichai là một tay chơi lớn và liều lĩnh. Vào năm 2008, nhiều người đã hỏi tôi rằng, việc để cho Pichai đặt cược vào canh bạc Chrome có phải quá nguy hiểm. Tôi chỉ biết tự nhủ rằng, hãy tin vào tầm nhìn của cậu ấy."

Đam mê cháy bỏng

Cũng giống như các vĩ nhân công nghệ cùng thời, Sundar Pichai được sinh ra là dành cho công nghệ. Tuy nhiên, xuất thân của ông lại không ủng hộ điều đó. Cho những ai chưa biết, Sundar Pichai được sinh ra ở Chennai, một thành phố 4 triệu dân nằm ở khu vực phía nam Ấn Độ, thuộc bang Tamil Nadu. Ngay từ thuở thiếu thời, Sundar đã bị thu hút bởi công nghệ.

Thế nhưng, trong suốt tuổi thơ của mình, Pichai hầu như chưa bao giờ được tiếp xúc với những thiết bị như TV hay xe hơi. Cho tới năm ông tròn 12 tuổi, Sundar Pichai nhận được chiến điện thoại đầu tiên, một chiếc điện thoại quay số. Chính từ đây, con đường tìm tòi đến với di động, công nghệ và các dự án khổng lồ đã được ra đời.

Ngưỡng cửa đầu tiên nuôi dưỡng tài năng của Sundar Pichai chính là tấm bằng kĩ sư tại Học viện Công nghệ Ấn Độ. Sau khi tốt nghiệp, ông đã ngay lập tức giành được học bổng tại Đại học Standford với tấm bằng thạc sĩ khoa học vật liệu và vật lí bán dẫn, cũng như tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Đại học Pennsylvania.

Trước khi bắt đầu "kết hôn" cùng Google, Sundar Pichai đã làm việc như một kĩ sư tại Applied Materials, và cố vấn tại công ty McKinsey & Company. Đặc biệt, vị CEO 43 tuổi cũng phải cảm ơn chân thành tới người đồng nghiệp cũ tại McKinsey & Company, khi anh này đã cổ vũ Sundar Pichai nhiệt tình để ứng cử vào Google, và trở nên thành công như hiện nay

Tuyệt đối trung thành

Ít ai biết rằng, trước khi có cuộc tình 11 năm đằng đẵng tại Google, Sundar Pichai đã liên tục bị mời gọi từ các công ty công nghệ hàng đầu khác. Điển hình trong số đó chính là mạng xã hội Twitter và gã khổng lồ Microsoft. Cụ thể, trang Nytimes cho biết, vào năm 2011, Twitter đã từng rất nỗ lực trong chiến dịch lấy được chữ kí của CEO Google đương thời.

Còn với Microsoft, ít ai biết rằng, vào tháng 8/2013, khi Steve Baller tuyên bố từ chức, nếu Sundar Pichai gật đầu với gã khổng lồ xứ Redmond, chắc chắn, chúng ta sẽ không có người hùng Satya Nadella như ngày hôm nay. Tất nhiên, các cuộc đàm phán liên quan tới Sundar Pichai đã được giữ kín cho tới ngày hôm nay. Qua câu chuyện này, chúng ta có thể thấy, mức độ trung thành của Pichai đã được đề cao như thế nào.

Luôn lạc quan, yêu đời

Trên thực tế, sẽ thật bất công khi chúng ta biết rằng, giới truyền thông đã tốn rất nhiều giấy mực cho CEO Larry Page trước đó, nhưng với Sundar Pichai, hầu như đời tư của ông là một ẩn số. Tuy nhiên, tiết lộ về phong cách sống của ông, Chris Sacca, một cựu đồng nghiệp của Pichai tại Google cho biết:

"Nếu bạn đã từng tiếp xúc với Pichai, bạn sẽ nhận ra rằng, ông là một người rất niềm nở với giới lập trình, cũng như các nhân viên của mình. Với Pichai, từ điển của ông không có sự "tồi tệ".Sundar Pichai luôn tràn ngập năng lượng, đồng thời, ông cũng đem tới cho các đồng nghiệp của mình cảm hứng trong công việc và tinh thần lạc quan yêu đời."

Rõ ràng, bạn phải đồng ý rằng, chỉ đôi dòng kí sự không thể nói lên được toàn bộ nhân cách đáng quý của Sundar Pichai, vị tân CEO của Google. Tuy nhiên, nếu được chọn ra một mô tả chính xác nhất về Sundar Pichai, có lẽ, chia sẻ của một chuyên gia phố Wall là Jordan Rohan sẽ chính xác nhất:

"Pichai là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Ngày qua ngày, ông luôn cần mẫn làm việc tại Google, nơi mà họ gọi anh là kẻ mộng mơ."

Theo Genk.




Bình luận

  • TTCN (0)