Do địa hình Hà Lan thấp hơn mực nước biển nên người dân ở đây thường xuyên phải chống chọi tình trạng ngập lụt. Mới đây chính phủ Hà Lan đã chi 26 triệu Euro để thực hiện dự án ngăn lũ một cách bền vững. Mục tiêu của dự án là chế cỗ máy tạo sóng khổng lồ để chặn sóng biển, Daily Mail đưa tin.

Hiện tại con người mới chỉ tạo ra sóng có độ cao hơn 5 m, song các nhà khoa học Hà Lan muốn cỗ máy của họ có thể tạo ra sóng lớn hơn nhiều. Nó sẽ là máy tạo sóng lớn nhất hành tinh.

Delta Flume, tên của cỗ máy, tạo sóng bằng cách hút 9 triệu lít nước rồi bơm vào một bể chứa với tốc độ 1.000 lít mỗi giây. Sau đó nó đẩy nước vào một tường thép với chiều cao 10 m.

Cỗ máy cho phép con người tạo ra mọi kiểu sóng - từ những gợn sóng lăn tăn tới sóng thần. Nước chảy dọc theo một bể có chiều dài 300 m và tràn qua đập, tường cát và các dạng chắn sóng khác. Bằng cách đó các nhà nghiên cứu sẽ hiểu khả năng chống sóng của từng loại.

Giới chuyên môn coi Hà Lan là quốc gia hàng đầu về công nghệ chống ngập. Họ từng áp dụng nhiều kĩ thuật táo bạo như nhà nổi, xây nhà trên cột và thậm chí gây ngập một số khu vực để bảo vệ những vùng khác.

2/3 diện tích đất của Hà Lan có nguy cơ chìm dưới nước. Người dân Hà Lan đã chống chọi lụt từ hàng nghìn năm. Nông dân Hà Lan là những người đầu tiên trên thế giới đắp đê chống lụt.

Vào năm 1953, gần 2.000 người thiệt mạng khi sóng lớn và bão từ Biển Bắc khiến nước nhấn chìm 1.500 km2 đất. Thảm họa đó dẫn tới sự ra đời của Công trình Delta, một hệ thống gồm nhiều đập, cửa thoát nước và chướng ngại vật nhằm bảo vệ những vùng dễ ngập nhất.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)