Theo đó, Bộ TT&TT cho phép các doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm mạng và dịch vụ 4G được xây dựng đề án xin cấp phép thử nghiệm nhưng phải đảm bảo một số yêu cầu.

Cụ thể, các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông di động theo chuẩn công nghệ LTE/LTE-A ở tối đa là 3 tỉnh, thành phố, đảm bảo các yếu tố về vùng phủ sóng ở thành thị, nông thôn.

Thời gian thử nghiệm thiết lập mạng và dịch vụ viễn thông được cho phép là 1 năm. doanh nghiệp có thể xin gia hạn nhưng thời gian gia hạn hoặc tổng thời gian của các lần gia hạn không vượt quá 1 năm.

Ngoài dịch vụ truy nhập dữ liệu Internet, doanh nghiệp chủ động lựa chọn dịch vụ dự định thử nghiệm như thoại, tin nhắn trên nền LTE. Bộ TT&TT khuyến khích doanh nghiệp thử nghiệm ứng dụng dịch vụ dữ liệu tốc độ cao cho các hoạt động khám chữa bệnh từ xa, hệ thống giám sát giao thông công cộng, an ninh công cộng và các trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn thử nghiệm, doanh nghiệp thông báo đến khách hàng tham gia thử nghiệm và Bộ TT&TT về giá cước dự định áp dụng nếu có.

Như vậy, Bộ TT&TT đã chính thức mở đường cho các nhà mạng triển khai kế hoạch phủ sóng mạng và dịch vụ 4G. Trước đó, ngày 4/9, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tuyên bố sẽ cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G vào tháng 10, giá như 3G.

Theo dự kiến, đến hết năm 2015 và chậm nhất là đầu năm 2016, nhà mạng này sẽ hoàn thành lắp đặt 12.000 trạm BTS 4G, đảm bảo phủ sóng tất cả các huyện trên cả nước.

Chỉ một ngày sau khi Viettel tiết lộ kế hoạch cung cấp mạng 4G, VinaPhone cũng tuyên bố cung cấp thử nghiệm dịch vụ này. Nhà mạng này dự kiến sẽ cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G vào tháng 10 hoặc chậm nhất là tháng 11.

Chỉ có duy nhất ông lớn MobiFone vẫn chưa tiết lộ thông tin về thời điểm triển khai, giá cước cũng như yêu cầu với khách hàng khi cung cấp dịch vụ 4G.

Trước cuộc chạy đua của các nhà mạng khi phủ sóng 4G, PGS.TS Vũ Trí Dũng – khoa Marketing, ĐH kinh tế quốc dân HN cho hay: "Việc đầu tư theo 4G sẽ buộc các nhà mạng phải tham gia vào cuộc đua mới, cạnh tranh khốc liệt hơn. Theo hướng này, các nhà mạng sẽ phải tự đầu tư, mua sắm, đổi mới trang thiết bị, nâng cấp dịch vụ để có được 4G như Viettel.

Đây là hướng đầu tư, bắt chước, phù hợp với công ty “theo sau”. Sẽ có một lượng vốn rất lớn của xã hội, của nhà mạng được đổ vào đây. Đồng ý đây là sự đầu tư theo mũi nhọn, theo hướng hiện đại nhưng hiệu quả về mặt kinh tế xã hội thì chưa thể khẳng định được".

Theo ông Dũng, trong quá khứ VinaPhone cũng đã đi theo cách này nhưng không thành công. Để các nhà mạng khác không bị rơi vào vết xe đổ của VinaPhone thì về nguyên tắc, phải bảo đảm tạo lập và phát triển lợi thế cạnh tranh, tôn trọng quyền lựa chọn của khách hàng, chống độc quyền, tạo điều kiện cho các nhà mạng có cơ hội tiếp cận khách hàng như nhau.

Mặt khác, bản thân các nhà mạng cũng phải có sự thay đổi, đa dạng hóa dịch vụ, cung cấp nhiều dịch vụ như trên đã nói. Đồng thời phải chú trọng tới chất lượng và tiện ích của dịch vụ.

Ông Dũng khẳng định: "Và điều quan trọng, khách hàng là người đang được lợi, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ tiện ích hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá lại rẻ. Tức là biến động theo chiều hướng có lợi".

Theo Baodatviet.




Bình luận

  • TTCN (0)