Trong phần lớn đời ông, Isaac Newton lúc nào cũng ở trạng thái có thể suy sụp ngay lập tức về thần kinh. Năm 1693, điều đó cuối cùng cũng xảy ra: sau khi không ngủ 5 ngày liên tiếp, Newton gửi đi các lá thư buộc tội bạn bè ông âm mưu chống lại ông. Ông không in sách nữa vì “sợ rằng kẻ ngu dốt sẽ tập hợp lại để chống đối tôi”.

Newton, theo nhiều tài liệu, bị thần kinh khá nặng. Ông thông minh, nhưng vẫn là bị thần kinh. Ông rất dễ mắc chứng trầm cảm, không tin tưởng một ai và hay nổi nóng bất thình lình.

Điều kì lạ là thiên tài của ông có thể bắt nguồn từ chính những trục trặc trong bộ não. Ông có một khả năng tập trung và suy tưởng về các vấn đề toán học và vật lí học rất đặc biệt. “Tôi lúc nào cũng giữ các chủ đề của tôi ở trong não”, ông kể. “Và đợi cho tới khi một bình minh tới mở chúng ra, từng chút một, để chiếu lên chúng thứ ánh sáng rõ ràng sáng tỏ”.

Khuynh hướng của Newton đã được mô tả lại trong một nghiên cứu thời hiện đại vừa đăng tải trên tạp chí Cell: Trends in Cognitive Sciences. Nghiên cứu này nói những người bị thần kinh kiểu Newton thường ấp ủ rất nhiều suy nghĩ nội tâm, điều đó vừa giúp họ theo đuổi các vấn đề khoa học một cách quyết liệt, vừa khiến họ tưởng tượng ra đủ loại đe dọa với bản thân.

Adam Perkins, một diễn giả về khoa học thần kinh, nảy ra ý tưởng này cho luận văn của ông khi ông dự một cuộc hội thảo do Jonathan Smallwood, thuộc Khoa tâm lí học ở Đại học York, dẫn dắt. Smallwood giải thích cách ông đưa người vào các máy chụp MRI và để họ mơ mộng cả ngày trong máy. Sau đó, những người tham gia sẽ đánh giá những giấc mơ ban ngày của họ. Những người mà các giấc mơ ban ngày có khuynh hướng tiêu cực hơn cũng có vùng não phía trước hoạt động hơn, đó là vùng mà não điều khiển các mối đe dọa.

Các nhà khoa học thần kinh nói ở thể nặng, những người như Newton nhìn thấy mối đe dọa khắp nơi: họ coi mèo là cọp, theo lời Perkins. Nhưng điều đó chưa giải thích được tại sao nhiều người bị loạn thần kinh chức năng vẫn cảm thấy sợ hãi, trầm cảm và bị đe dọa khi không có điều gì tồi tệ xảy ra. Trong giai đoạn suy sụp thần kinh của mình, Newton thực ra chẳng có lí do gì để nghĩ bạn bè sẽ hãm hại ông.

“Có vẻ như trong não những người đó luôn có các hoạt động tạo ra sự sợ hãi”, Perkins giải thích. “Ngay cả khi đang ở nhà, ngồi trên ghế bành, nhịp tim của họ vẫn sẽ lên tới 200, họ sẽ hoảng sợ và đổ mồ hôi”.

Những suy nghĩ tiêu cực tự động không phải là xa hiện thực, theo Perkins. Những người bị rối loạn thần kinh chức năng không sợ trái đất bị xâm lăng. Họ chỉ nghĩ là vợ họ có thể đang cắm sừng họ trong một chuyến công tác, dù bà vợ hoàn toàn chung thủy.

Điều kì lạ là những nỗi sợ phi lí đó cũng có mặt tích cực: nó giúp bộ não lên kế hoạch rõ ràng hơn và như một số nghiên cứu cho thấy, tăng cường sự sáng tạo. Bạn càng gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống ở bộ não của bạn, thì bạn lại càng có khả năng giải quyết chúng, như lời Newton.

Theo Vntinnhanh.




Bình luận

  • TTCN (0)