Bộ bách khoa toàn thư miễn phí trên Internet là một trong mười trang web nhiều người truy cập nhất. Nó không khác miền Viễn Tây nước Mỹ hồi xưa là mấy, bởi nó không theo luật lệ nào rõ ràng và cảnh sát trưởng lại không mấy khi thấy xuất hiện.

Khoảng 172 triệu người thường xuyên vào Wikipedia để viết - mà không cần xưng tên, không cần cho biết trình độ - về bất cứ những gì họ muốn, trong bất cứ chủ đề nào. Vì thế cho nên mới có những hạt sạn to như thế này: Thánh Phao Lồ bán kem mùi vani tại New Jersey, Mỹ; Louis XVII trị vì nước Pháp từ 1793 đến 1795; Elvis Presley sắp biểu diễn tại nhà hát Olympia, Paris.

Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature hồi tháng 12/2005, trung bình mỗi bài viết trên Wikipedia có 3,86 lỗi, so với 2,92 lỗi trong bộ bách khoa toàn thư lâu đời Britannica.

Gần đây, dường như những người tình nguyện đóng góp cho Wikipedia cũng nhận thấy nội dung của Wikipedia có nhiều điều không ổn. Vì thế họ quyết định tổ chức hội thảo tại Paris vào tháng 10/2007 để bàn cách cải thiện chất lượng bộ bách khoa toàn thư “ảo”.

Wikipedia do Jimmy Wales, một nhà môi giới chứng khoán Mỹ, lập ra năm 2001. Kể từ đó nó đã lớn mạnh không ngừng. Mỗi ngày, bộ bách khoa toàn thư “ảo” thu nhận thêm hàng ngàn bài viết. Tính đến giữa tháng 6/2007, Wikipedia đã có 1,5 triệu trang tiếng Anh, 420 000 trang tiếng Pháp.

Wikipedia sống nhờ đóng góp của các doanh nghiệp và cá nhân. Từ đầu năm đến nay, quĩ Wikimedia (quản trị tài chính cho Wikipedia) nhận được các khoản đóng góp lên đến 6 triệu USD.

Dưới góc nhìn khác, đây là một “tờ báo” xuất bản bằng 250 thứ tiếng, do hàng trăm ngàn “nhà báo” thực hiện mà không có giám đốc và tổng biên tập. Họ không cần họp giao ban, không bị áp đặt đề tài, không lệ thuộc giờ lên khuôn. “Tờ báo” cũng không bao giờ ngưng nghỉ, luôn hoạt động 24/24 giờ, bảy ngày một tuần.

(theo TTO)



Bình luận

  • TTCN (0)