Tại diễn đàn Vietnam Brand Matters vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Samir Dixit, Tổng Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance (hãng định giá thương hiệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh) đã công bố danh sách và trị giá của 50 thương hiệu hàng đầu có cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, Vinamilk đã vượt trên tất cả các thương hiệu khác để đứng đầu danh sách với giá trị hơn 1,1 tỉ USD, gần gấp đôi thương hiệu đứng thứ hai là Viettel Telecom (580 triệu USD).
Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đứng thứ tư với trị giá thương hiệu 306 triệu USD, FPT Corp 239 triệu USD xếp thứ 6, VinaPhone đứng thứ 8 với 193 triệu USD và Thegioididong.com 102 triệu USD đứng thứ 12 trên bảng xếp hạng.
Tất cả 50 thương hiệu được định giá tổng cộng khoảng 5,5 tỉ USD. Theo ông Samir Dixit, con số này chỉ lớn hơn một chút so với trị giá thương hiệu của ngân hàng DBS, ngân hàng có giá trị thương hiệu lớn nhất Đông Nam Á ở mức 4,4 tỉ đô la năm 2015.
Đây là lần đầu tiên, các thương hiệu Việt Nam được Brand Finance đưa vào sanh sách các thương hiệu được định giá hàng năm.
Hàng năm, Brand Finance tiến hành định giá độc lập khoảng 57.000 thương hiệu khác nhau trên toàn thế giới. Các báo cáo quan trọng của Brand Fianace được giới chuyên môn mong đợi bao gồm Top 500 Thương hiệu hàng đầu thế giới, Top 500 Ngân hàng hàng đầu thế giới, Bảng xếp hạng Thương hiệu các Quốc gia trên Thế giới…
Kết quả định giá thương hiệu của Brand Finance được sử dụng và công bố chính thức trên các kênh truyền thông hàng đầu như BBC, CNN, CNBC, Bloomberg, The Economist, The Wallstreet Journal….
Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn quản trị Thương hiệu Mibrand, việc công bố kết quả định giá các thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam sẽ mang đến cho doanh nghiệp Việt một cách nhìn nhận mới mẻ và thực chất về giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp.
Theo đó, giá trị của tài sản vô hình là thương hiệu hoàn toàn có thể được thể hiện bằng số tiền cụ thể. Đây là một bước tiến để nâng cao nhận thức và trình độ quản lí thương hiệu của Việt Nam gần hơn với mặt bằng chung trong khu vực và quốc tế.
Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh Việt Nam đã kí Thoả thuận Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, thương hiệu sẽ là “vũ khí” giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh với thương hiệu ngoại khi hàng rào thuế quan được rỡ bỏ.
Do đó, việc xây dựng và quản trị thương hiệu sẽ cần được các doanh nghiệp quan tâm và thúc đẩy nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Đại diện cho Microsoft (là 1 trong 3 thương hiệu có giá trị hàng đầu toàn cầu trong năm 2015), ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, việc xây dựng thương hiệu cần được định hướng xoay quanh giá trị cốt lõi của quá trình vận hành doanh nghiệp. Quá trình vận hành và định hướng doanh nghiệp sẽ chính là phần tinh thần, tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển thương hiệu, từ đó giúp các tổ chức doanh nghiệp tạo dựng, dẫn dắt và phát triển phần hình ảnh, gia tăng giá trị thương hiệu.
Theo ICTnews.
Bình luận