Đợt diễn tập với chủ đề “Điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp”có sự tham gia của các quốc gia gồm Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Brunei, Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Myanma và Việt Nam.

Tại Việt Nam, việc diễn tập với 14 quốc gia được triển khai ở 3 khu vực: miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng) và miền Nam (TP.HCM) với sự tham gia khối CNTT của Văn phòng trung ương (Văn phòng TW Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội), 40 Sở TT&TT; khối cơ quan Bộ và ngang bộ (24 đơn vị) và khối các Tập đoàn, Tổng công ty về cung cấp dịch vụ Viễn thông-CNTT, doanh nghiệp làm về an toàn thông tin gồm MobiFone, VNPT, Viettel, Netnam, Công ty Cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, BKIS, CMC Infosec và Hiệp Hội An toàn thông tin Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam.

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT)với chức năng điều phối quốc gia và phối hợp với quốc tế sẽ điều phối chương trình diễn tập ở cả ba địa điểm.

Với chủ đề “Điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp”, các đội tham gia diễn tập sẽ tập trung vào việc phản ứng với các tình huống tấn công mạng trong thực tế nhằm nâng cao kĩ năng trong việc khắc phục, xử lí với các tình huống xảy ra trong môi trường thực và kĩ năng cụ thể trong việc triển khai các công việc điều tra, phân tích và xử lí sự cố mã độc gián điệp.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT cho biết, việc xử lí các sự cố an toàn thông tin xuyên quốc gia cũng như tham gia các chương trình diễn tập quốc tế là hoạt động hết sức cần thiết nhằm nâng cao kĩ năng cho các lực lượng tác chiến, bảo vệ mạng của Việt Nam trong việc phòng thủ và khắc phục sự cố tấn công mạng. Đặc biệt là các kĩ năng đối phó với các đợt tấn công nguy hiểm xảy ra trên diện rộng cần có sự thống nhất chỉ huy và phân phối các lực lượng trong nước và phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên môi trường mạng đang trở nên vô cùng cấp thiết. Với các nguy cơ hiện nay tại Việt Nam, có thể nói chiến tranh mạng đang hiện hữu.

Trong 9 tháng đầu năm 2015,VNCERT đã phát hiện hơn 3.296.200 địa chỉ IP bị nhiễm mã độc và bị điều khiển bởi các máy chủ bên ngoài lãnh thổ, 18.085 website bị nhiễm mã độc và lây lan mã độc đến các máy tính trong mạng, trong đó có 88 website/cổng thông tin điện tử của các CQNN, 5.368 website bị tấn công và cài mã lừa đảo phishing, 7.421 tấn công thay đổi giao diện (deface), trong đó có 164 website/cổng thông tin điện tử của các CQNN.

Theo báo cáo của các hãng bảo mật, nguy cơ mất an toàn thông tin ở Việt Nam là rất cao với gần 50% người dùng có nguy cơ nhiễm mã độc khi sử dụng Internet trên máy tính, xếp hạng 5 trên toàn thế giới.

Việt Nam còn đứng đầu thế giới về nguy cơ bị nhiễm mã độc, phần mềm độc hại cục bộ (qua USB, thẻ nhớ…) với gần 70% người dùng máy tính có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

Diễn tập ứng cứu mạng máy tính là hoạt động được tổ chức thường xuyên của các đơn vị phụ trách an toàn thông tin, đặc biệt là các CERT. Từ đầu năm 2015 đến nay, VNCERT cũng đã tham gia nhiều hoạt động diễn tập như diễn tập an ninh thông tin ASEAN-Nhật Bản 2015, diễn tập về điều phối ứng cứu mạng máy tính khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APCERT DRILL).

Đợt diễn tập quốc tế lần này nằm trong chương trình diễn tập xử lí sự cố an toàn thông tin hàng năm của các tổ chức ứng cứu sự cố máy tính khu vực Đông Nam Á và 4 quốc gia lớn của Châu Á khác là Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)