Dưới đây là 7 bước cơ bản bạn nên thực hiện để bảo vệ smartphone và các dữ liệu cá nhân của mình được an toàn trước nguy cơ bị mất trộm, mã độc và các nguy cơ khác.

Để điện thoại hớ hênh bị trộm

Số vụ mất trộm điện thoại ngày càng tăng. Mất điện thoại không chỉ tốn tiền sắm máy mới mà nhiều dữ liệu cá nhân của bạn có thể bị rò rỉ, đặc biệt là thông tin tài khoản ngân hàng, email cũng như danh bạ và các hình ảnh lưu trên máy.

Đừng nên chúi mũi vào điện thoại khi đi bộ ở những khu đô thị lớn phức tạp. Với phụ nữ, nên đeo túi xách về phía trước khi dạo phố và thận trọng khi ở những địa điểm du lịch, thường là tụ điểm của nạn móc trộm.

Không khoá điện thoại

Nếu bạn đang không khoá màn hình smartphone, hãy thực hiện ngay. Đây là hàng rào bảo vệ đầu tiên ngăn kẻ trộm xâm nhập vào điện thoại khi chúng lấy cắp được.

Trên Android, bạn có thể sử dụng mật khẩu, mã số PIN hay hình vẽ. Mã số PIN và mật khẩu, nhất là với mật khẩu trên 4 kí tự, thường khó phá. Nhiều máy Android còn hỗ trợ bảo mật bằng vân tay, vừa tiện lợi vừa an toàn. Với iPhone, bạn có thể sử dụng mã số PIN. Các máy iPhone 5s trở đi còn có bảo mật vân tay Touch ID, cũng rất tiện và an toàn.

Không theo dõi điện thoại phòng khi mất

Khi bị mất điện thoại, bạn có thể theo dõi vị trí, khoá và xoá dữ liệu trên điện thoại từ xa. Dưới đây là vài bước đảm bảo bạn có thể theo dõi và thực hiện các việc trên khi bị mất điện thoại.

Trên Android, vào phần Cài đặt (Settings), chọn mục Bảo mật (Security). Trên mục Quản trị viên thiết bị (Android Device Manager), đảm bảo lựa chọn cho phép định vị và khoá, xoá dữ liệu từ xa đã được bật. Với những thiết lập trên, bạn có thể theo dõi điện thoại của mình trên bản đồ từ máy tính (hoặc một thiết bị Android khác) và tiến hành khoá hay xoá dữ liệu trên điện thoại khi bị mất cắp hoặc thất lạc.

Với iPhone và các thiết bị iOS khác, Apple đã bật mặc định tính năng Find Mi Phone để bạn tìm kiếm thiết bị trên bản đồ, khoá và xoá dữ liệu trên máy từ xa.

Không sử dụng phần mềm bảo mật

Các điện thoại Android khá dễ dính mã độc nên việc cài đặt các ứng dụng bảo mật như Bkav Mobile Security, Avast hay Lookout có thể giúp phát hiện ra những chương trình nguy hiểm đồng thời gỡ bỏ chúng khỏi điện thoại.

iPhone cũng có thể dính mã độc nhưng hiện không có ứng dụng chống virus nào cho thiết bị này. Thay vào đó, Apple thường phát hành các bản vá bảo mật khi thấy có lỗ hổng trên iOS tạo điều kiện cho mã độc thâm nhập.

Vô tư sử dụng Wi-Fi công cộng

Các mạng Wi-Fi công cộng luôn có những nguy cơ rò rỉ thông tin. Thậm chí, có những mạng Wi-Fi công cộng được dựng nên để đánh cắp thông tin cá nhân. Mạng Wi-Fi miễn phí ở các quán cà phê hay sân bay thường khá an toàn nhưng bạn không nên truy cập các thông tin nhạy cảm như website của ngân hàng khi sử dụng điện thoại trên các mạng Wi-Fi đó.

Bấm vào đường dẫn trong các văn bản sơ sài

Giả dạng (phishing) là chiến thuật phổ biến được tội phạm sử dụng để lấy thông tin cá nhân hoặc lây nhiễm mã độc. Nếu bạn nhận được một văn bản ngẫu nhiên chứa các liên kết từ một người bạn không biết, đừng nhấp vào. Đó có thể là do tội phạm gửi đến để cố gắng đánh cắp thông tin của bạn hoặc tệ hơn là phần mềm độc hại có thể kiểm soát điện thoại của bạn và gửi thông tin lại cho tin tặc.

Không cập nhật điện thoại và ứng dụng

Một cách đơn giản để bảo vệ điện thoại là giữ cho nó được cập nhật. Bạn nên chú ý tải các bản cập nhật hệ điều hành khi chúng xuất hiện và thường xuyên kiểm tra cập nhật các ứng dụng trên máy. Hacker thích khai thác những lổ hổng trong các ứng dụng và phần mềm lỗi thời. Các công ty thường sửa những lỗ hổng trong các ứng dụng trong các bản cập nhật, do đó cài đặt phiên bản cập nhật mới sẽ giúp giảm nguy cơ bị hacker xâm nhập.

Theo VnReview.




Bình luận

  • TTCN (0)