Tháng 8/2015, Facebook tung ra tính năng mới cho phép người dùng chia sẻ những video trực tiếp trên phiên bản Facebook Mentions dành riêng cho những người nổi tiếng. Sáu tháng sau, tính năng này được đặt tên thành Facebook Live bắt đầu đến tay người dùng phổ thông.
Giống như mọi khi, cập nhật mới trên Facebook đến khá trễ nhưng dần khiến các đối thủ phải lo ngại. Meerkat, công ty hâm nóng niềm đam mê livestream, phát hành ứng dụng vào tháng 2/2015. Ngay sau đó, Twitter cũng theo bước để cho ra Periscope và nhanh chóng vượt Meerkat.
Trong gần một năm, Periscope thống trị thị trường phát video trực tuyến. Tuy nhiên, Facebook với nỗ lực và sức ảnh hưởng rộng lớn đã làm lu mờ tất cả, giống như gã khổng lồ gạt phăng mọi đối thủ trên đường đi.
Facebook dồn nguồn lực vào sản phẩm livestream, gồm thời gian phát triển, ngân sách quảng cáo, truyền thông đối tác. Tất cả nhằm đảm bảo chắc chắn cho thành công, nhất là khi hãng đã thử nghiệm đối với những nhân vật nổi tiếng, thậm chí trả tiền cho họ. Đồng thời, công ty hợp tác cùng các tổ chức truyền thông như Buzzfeed, New York Times và Guardian để sản xuất những nội dung trực tiếp bằng Fanpage trên Facebook.
Chiến lược “kích thích” như vậy góp phần lớn thu hút sự chú ý của người dùng. Facebook còn phủ sóng quảng cáo trên thị trường. Tuy nhiên, đó không phải tất cả yếu tố tạo hiện tượng Facebook Live đầu tiên.
Vào tháng 5/2016, vài tháng sau khi tính năng phát hành diện rộng tại Mỹ, bà mẹ 37 tuổi Candace Payne đã tạo bất ngờ lớn khi trở thành tác giả của video trực tiếp đạt số người xem kỉ lục.
Cô mua mặt nạ nhân vật lông lá Chewbacca trong phim Star War dự định tặng cho con trai, nhưng vì quá thích món quà đó mà Candace Payne đã đổi ý để dành riêng cho mình. Bà mẹ 37 tuổi đã livestream cảnh bóc quà và gây ấn tượng với giọng cười sảng khoái. Video hiện có khoảng 165 triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Bằng cách nào đấy, video của Payne báo hiệu cho một tương lai tươi sáng của Live. Khác biệt của Facebook nằm ở việc, tích hợp tính năng vào ứng dụng mạng xã hội nhiều người dùng thay vì tạo thành một sản phẩm độc lập giống Periscope. Khách hàng không hề biết mình cần đến tính năng đó, cho tới khi thấy những tiện ích tuyệt vời.
Dường như có sự cộng hưởng mạnh mẽ để đưa Facebook Live sang một hướng khác là tạo nên những cuộc đối đầu giữa công dân với chính quyền. Tháng 7/2016, chưa đầy một tháng sau hiện tượng Payne, một video khác được phát sóng từ Minnesota gây ra phản ứng rộng khắp trong xã hội Mỹ. Diamond Reynolds đã truyền những hình ảnh trực tiếp ngay sau khi người chồng Philando Castile bị cảnh sát bắn lúc ngồi trong xe, con gái 4 tuổi của Diamond ngồi ở ghế sau. Người phụ nữ bình tĩnh nói với nhân viên cảnh sát, diễn tả sự việc cho người xem…
Castile chỉ là người đầu tiên. Vụ việc Keith Scott Lamont, người đàn ông da màu 43 tuổi bị bắn tại một bãi đậu xe ở tòa chung cư, thành phố Charlotte đã châm ngòi làn sóng biểu tình rộng khắp. Video được người dân chứng kiến phát trực tiếp dấy lên nỗi bực tức của cộng đồng da màu. Trước sức ép dư luận, cảnh sát Mỹ buộc phải công bố video quay lại vụ nổ súng để lí giải cho hành động của mình.
Rõ ràng, nội dung đăng tải trên mạng trở thành cái lí để gia đình nạn nhân có những hành động đấu tranh. Nhưng nếu thông tin đưa ra sai sự thật thì hậu quả thật khó lường. Chưa kể, cảnh sát có thể bị “theo dấu” và lộ ra các kế hoạch càn quét tội phạm.
Một video đi ngược với tiêu chí phát triển cộng đồng Facebook có thể bị gỡ sau đó. Nhưng khó để ngăn họ bắt đầu livestream những nội dung xấu như cảnh bạo lực, tra tấn người khác, khoe thân khiêu gợi, chửi bới, hạ nhục nhân phẩm…
Dường như mọi thứ đang ngoài tầm kiểm soát của Facebook. Dù công ty đã chi ra số tiền lớn để thuê nhân viên ngồi kiểm duyệt video giết người, hiếp dâm. Nhưng rõ ràng, khối lượng công việc là quá lớn và đó không phải mục đích ban đầu Facebook tạo ra tính năng phát video trực tiếp.
“Con quái vật” mang tên Facebook Live có thể sẽ đe dọa tương lai của YouTube và các đối thủ khác. Nhưng tính năng này cũng đặt ra thách thức lớn với xã hội vì những tác động mà nó gây ra.
Theo Zing.
Bình luận