Một số đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình OTT lậu đang cung cấp hàng trăm kênh truyền hình nước ngoài vào Việt Nam.

Trước việc hàng trăm kênh truyền hình của: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thái Lan… được một số nhà cung cấp vào Việt Nam qua ứng dụng OTT và thu phí người dùng với mức phí từ 5,8 triệu đồng – 7 triệu đồng/năm. ICTnews đã đặt câu hỏi một lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử về việc các đơn vị trong bài phản ánh của ICTnews đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền hay chưa?

Và được vị lãnh đạo này cho biết: Cho đến thời điểm này mới chỉ có 3 đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV là VNPT, Viettel và FPT, có 3 đơn vị được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet (truyền hình OTT) là VNPT Technology, K+ và VTC.

Vị lãnh đạo này khẳng định: “Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua OTT vào Việt Nam khi chưa có giấy phép là kinh doanh trái pháp luật. Nếu như cơ quan nhà nước kiểm tra, chứng minh được các đơn vị này có mức doanh thu từ kinh doanh dịch vụ lậu trên 300 triệu đồng có thể chuyển cơ quan công an để xử lí hình sự”.

Vị lãnh đạo này cũng cho hay, bên cạnh việc thực hiện quy định về cấp phép, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải tuân thủ các quy định về quản lí nội dung như: thực hiện biên tập, biên dịch nội dung các kênh nước ngoài cho phù hợp với pháp luật Việt Nam; tỉ lệ phát sóng các kênh nước ngoài không được vượt quá 30% số lượng kênh truyền hình cung cấp…

Việc các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nước ngoài vào Việt Nam như ICTnews phản ánh không chỉ vi phạm quy định về giấy phép mà nguy hại hơn, các đơn vị này còn vi phạm quy định về biên tập, biên dịch và quản lí nội dung các kênh truyền hình nước ngoài cung cấp vào lãnh thổ Việt Nam.

Ảnh
Hơn 250 kênh truyền hình Trung Quốc được cung cấp vào Việt Nam qua ứng dụng OTT.

Khoảng hai năm trở lại đây đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ truyền hình trong đó có sự bùng nổ của dịch vụ xem truyền hình qua Internet (qua IPTV hoặc Android TV Box hoặc Smart TV). Vấn đề các kênh truyền hình nước ngoài được cung cấp qua dịch vụ OTT lậu vào Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực TP.HCM đã được một số ý kiến nêu ra cách đây khá lâu. Vào thời điểm năm 2014, ông Nguyễn Đức Hòa, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Kĩ thuật Truyền thông HTV (HTV-TMS), nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp HTVC đã phản ánh việc, HTVC bị mất nhiều khách hàng là người nước ngoài đang sinh sống ở TPHCM bởi bị cạnh tranh mạnh bởi truyền hình OTT lậu. Tuy nhiên vào thời điểm đó chưa có những văn bản quản lí để điều chỉnh đối với việc cung cấp dịch vụ truyền hình qua OTT.

Theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lí, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, từ ngày 15/3/2016 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Internet trả tiền phải xin Giấy phép cung cấp dịch vụ.

Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 cũng quy định số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền không vượt quá 30% tổng số kênh khai thác.

Bên cạnh đó, các kênh nước ngoài phải được một đơn vị có Giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài thực hiện biên tập, biên dịch và chịu trách nhiệm về nội dung biên tập, biên dịch. Không bao gồm thông tin quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài. Các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được thực hiện tại Việt Nam, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo và đơn vị được cấp Giấy phép biên tập chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo. Đã có đại lí được ủy quyền tại Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tất cả các kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải được thực hiện biên tập, quản lí đảm bảo nội dung chương trình không trái với quy định của pháp luật Việt Nam về báo chí và quảng cáo, trừ việc tường thuật trực tiếp các trận thi đấu thể thao, lễ khai mạc, lễ bế mạc các giải thi đấu thể thao quy mô khu vực và thế giới.

Việc biên dịch được thực hiện tùy theo loại kênh chương trình nước ngoài, cụ thể như sau: Biên dịch 100% nội dung kênh chương trình phim truyện, phim hoạt hình. Biên dịch 100% các chương trình phóng sự, tài liệu trên kênh tổng hợp, kênh giải trí tổng hợp, kênh thể thao, kênh ca nhạc, kênh khoa học, giáo dục.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)