Khách tham quan thăm gian hàng của ZTE tại MWC 2016
 

ZTE - công ty kinh doanh các thiết bị viễn thông của Trung Quốc - mới đây lại vừa phải chịu thêm một đòn trừng phạt nữa từ Mỹ vì bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận thương mại của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Công ty Trung Quốc đã đồng ý nộp khoản tiền phạt 1,19 tỉ USD - một động thái thừa nhận mọi vi phạm mà hãng gây ra.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kì, từ 2010 đến 2016 ZTE đã "âm mưu trốn tránh" lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Công ty Trung Quốc đã bán phần cứng và phần mềm sản xuất tại Mỹ cho nước này để cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông. ZTE cũng đã chuyển 283 lô hàng thiết bị (bao gồm cả máy chủ và bộ định tuyến) đến Bắc Triều Tiên, quốc gia cũng bị Mỹ cấm vận thương mại.

Chính phủ Mỹ cho biết, các quan chức của ZTE đã liên tục nói dối và đánh lạc hướng các điều tra viên liên bang trong quá trình điều tra 5 năm. Mọi dối trá chỉ bị moi ra khi Mỹ thu giữ một chiếc máy tính xách tay thuộc sở hữu của một luật sư của ZTE có chứa một số tài liệu nói về những khoản doanh thu bất hợp pháp của công ty.

Những trò lật lọng trong quá khứ của ZTE

Cách đây 4 năm, ZTE từng bị hãng tin Reuters tố cáo bất chấp các quy định để "đi đêm" với hãng viễn thông Telecommunication nhằm bán các hệ thống giám sát cho công ty viễn thông lớn nhất Iran này. Iran là quốc gia bị Mỹ cấm vận nghiêm ngặt vì tài trợ cho khủng bố. Theo quy định, các công ty kinh doanh tại Mỹ không được phép xuất khẩu linh kiện, thiết bị do các công ty Mỹ sản xuất đến quốc gia này. Tuy nhiên, ZTE đã lén lút kí kết hợp đồng cung cấp linh kiện cho Telecommunication Co. với giá trị hợp đồng lên tới 10,5 triệu USD. Hàng loạt công ty Mỹ cũng bị ZTE "đưa vào tròng" mà không hề hay biết: Bằng cách che giấu hợp đồng với hãng viễn thông Iran, ZTE đã nhập khẩu máy chủ của IBM; switch của Cisco, Brocade Communications Systems Inc; phần mềm cơ sở dữ liệu của Oracle; phần mềm backup và diệt virus của Symantec... để xuất khẩu đến Iran và kiếm lời.

Những tưởng ZTE sẽ lấy sự vụ hồi năm 2012 làm bài học, thế nhưng, 4 năm sau đó, công ty này một lần nữa "tráo trở". Hồi tháng 3 năm 2016, các tài liệu bị lộ ra một lần nữa tố cáo ZTE bất chấp quy định do Mỹ đặt ra để làm ăn với Iran. Theo Bộ Thương mại Hoa Kì, ZTE đã lên kế hoạch sử dụng một loạt các công ty vỏ bọc để lén lút tái xuất khẩu các linh kiện bị cấm vận tới Iran, vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và đi ngược lại lợi ích an ninh, chính sách đối ngoại của quốc gia này.

Ảnh
Một biểu đồ về kế hoạch thành lập công ty vỏ bọc của ZTE bị lộ ra

Cách thiết lập các công ty vỏ bọc này đã được bộ phận pháp lí của ZTE vạch ra nhằm qua mặt việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Trong một tài liệu bị lộ ra, phòng pháp lí của ZTE nói rằng, việc cấm vận xuất khẩu của Mỹ là vô cùng nghiêm ngặt đối với các công ty trong nhóm "Z" - một danh mục các quốc gia tài trợ cho khủng bố. "Hiện tại, công ty chúng ta đang có nhiều hoạt động kinh doanh với các quốc gia trong nhóm Z này", một nội dung trong tài liệu rò rỉ viết.

Cũng theo tài liệu đó, bộ phận pháp lí của ZTE khuyến nghị công ty lách luật bằng cách thiết lập các công ty vỏ bọc, đồng thời thuyết phục các khách hàng chấp nhận những sản phẩm không phải của Mỹ sản xuất. Các luật sư của ZTE đã vạch ra kế hoạch chi tiết để thiết lập "mô hình kinh doanh độc lập". "Khi tiến hành kinh doanh ở các quốc gia trong nhóm Z, chúng ta sẽ tránh sử dụng tên của công ty để kí kết trực tiếp hợp đồng. Công ty chúng ta cũng cần tránh xuất khẩu các sản phẩm trực tiếp và cung cấp các dịch vụ đến những khách hàng này" - bản kế hoạch của nhóm luật sư ZTE vạch ra.

Nhiều lần trong tài liệu, ZTE cố gắng không nêu rõ tên của các khách hàng mà dùng tên viết tắt bằng tiếng Anh như "YL" và "GB". Tuy nhiên, "ăn vụng không biết chùi mép", công ty Trung Quốc đã để lộ thông tin muốn giấu bên cạnh tên viết tắt này. Cạnh cái tên "YL" trong biểu đồ kế hoạch là tên "Iran" - quốc gia mà Mỹ đang áp dụng lệnh cấm.

Một tài liệu thứ hai bị rò rỉ là bức thư bộ phận pháp lí gửi lãnh đạo ZTE. Trong thư, bộ phận này nói về việc công ty "có hoạt động kinh doanh với 5 quốc gia bị cấm vận gồm Iran, Sudan, Triều Tiên, Syria, và Cuba"; đồng thời vạch ra kế hoạch đối phó với các rủi ro có thể xảy ra khi vi phạm lệnh xuất khẩu của Mỹ. Phòng pháp lí cũng giao nhiệm vụ cho các lãnh đạo và phòng ban khác để thực hiện kế hoạch đối phó này.

"Trò chơi kết thúc"

Sau án phạt 1,2 tỉ USD đối với ZTE, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết: "Chúng tôi xin thông báo: Trò chơi đã kết thúc. Những ai xem thường các biện pháp trừng phạt kinh tế và luật kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề".

Trong một thông cáo báo chí, chủ tịch ZTE và giám đốc điều hành Zhao Xianming cho biết: "ZTE thừa nhận những sai lầm đã gây ra, chịu trách nhiệm về chúng và vẫn cam kết tạo ra những thay đổi tích cực trong công ty". ZTE cũng nói rằng công ty đã thay đổi nhân sự trong bộ máy lãnh đạo kể từ khi vụ vi phạm của hãng bị phơi bày. Có lẽ hãng đang nói tới vụ thay thế 3 lãnh đạo hàng đầu công ty vào tháng 4 năm ngoái.

Đây là án phạt được đánh giá là cao nhất trong lịch sử, nhưng ZTE không có sự lựa chọn nào khác. Ngoài án phạt, công ty còn phải trải qua thời gian quản chế 3 năm và sẽ được một giám sát viên độc lập xác minh các hoạt động xuất khẩu. Công ty Trung Quốc phải hợp tác với Bộ Tư pháp nếu có một cuộc điều tra hình sự về hành vi của mình.

Có thể thấy, dù mạnh tay đưa ra án phạt về tài chính đối với ZTE, chính phủ Mỹ cũng đã phần nào phải mềm mỏng khi không bỏ tù bất kì cá nhân nào. Nguyên nhân được cho là bởi Mỹ muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại với chính phủ Trung Quốc sau khi chính phủ quốc gia tỉ dân tỏ ra không bằng lòng với án phạt đối với doanh nghiệp này. Vậy nhưng dù sao, "công lí cũng đã được thực thi", và chắc chắn, báo cáo kinh doanh của ZTE sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ chính những trò gian dối mà hãng này gây ra.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)