Không nên hiểu lầm rằng smartphone sẽ “xuống mồ” trong tương lai gần. Chúng ta vẫn còn hàng thập kỉ nữa trước mắt để tiếp tục sử dụng và phụ thuộc vào điện thoại thông minh. Tuy nhiên, cũng như những công nghệ khác đã từng can thiệp sâu vào cuộc sống con người như máy nhắn tin và máy fax, một ngày nào đó smartphone sẽ biến mất. Và “cái chết” của smartphone sẽ đến sớm hơn chúng ta nghĩ.
Đế chế điện thoại di động được đặt nền móng bởi Microsoft, Amazon, Facebook, Elon Musk và hàng loạt các nhà sản xuất khác sẽ dần dần biến mất trước khi chúng ta kịp nhận ra. Khi chúng ta bất chợt nhận ra điều đó, mọi thứ sẽ trở nên thực sự rất kì quặc, từ cuộc sống bình thường của con người cho đến bình diện toàn nhân loại.
Trong ngắn hạn
iPhone hay các thiết bị smartphone được nó tạo cảm hứng được định vị như bước cách mạng hoá của công nghệ hiện đại. Chúng là những thiết bị có tính di động, nhỏ gọn để mang đi mọi nơi nhưng lại có sức mạnh vượt trội để xử lí phần lớn các công việc hàng ngày. Càng ngày điện thoại di động càng được trang bị nhiều tính năng như camera hay GPS để có thể trở nên đa năng như một trợ lí của con người. Những ứng dụng như Uber và Snapchat, theo một cách cực kì độc đáo, đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta.
Máy tính bàn hay laptop là một tổ hợp của màn hình, bàn phím và chuột. Smartphone đã gộp tất cả lại, thu nhỏ chúng và tạo dựng một nền tảng gồm bàn phím ảo và thao tác bằng vuốt chạm. Nói một cách đúng đắn hơn, smartphone chính là phiên bản thu gọn của một chiếc máy tính. Những gì nó làm được trong suốt thời gian qua là tạo ra một cuộc cách mạng về thiết bị làm việc chính của con người với cơ sở là một kích thước được rút gọn đáng kể.
Tuy vậy, smartphone có vẻ như đang đi tới giới hạn của nó. Chiếc S8 mới ra mắt thực sự rất tuyệt vời với màn hình vô cực, tính năng trợ lí ảo, phiên bản mới của Gear VR và hiệu năng mạnh mẽ. Tuy vậy, nó giống như một sự cải tiến nhẹ so với S7 thay vì tạo nên một bước đột phá, nhảy vọt trong thế giới smartphone. Qua đó chúng ta thấy khi sức sáng tạo của các nhà sản xuất đạt tới giới hạn, smartphone sẽ chạm đỉnh và khó có thể tiến bộ thêm được nữa.
Nhìn sang nhà sản xuất Apple, ta cũng sẽ thấy một trợ lí ảo Siri thông minh hơn trên phiên bản mới. Những Amazon Echo, Sony PlayStation VR hay Apple Watch vẫn đã và đang tận hưởng những thành công dù hạn chế nhưng rất quan trọng và bền vững. Trong tương lai, sẽ có nhiều hơn những công ty công nghệ lớn và nhỏ tiếp tục đột phá, thử nghiệm để thay đổi giao diện và trải nghiệm người dùng.
Trong trung hạn
Trong trung hạn, tất cả những thử nghiệm và phát minh mới sẽ trở nên quen thuộc, gắn chặt với chúng ta, nhưng đồng thời cũng đe doạ cuộc sống của con người.
Các thiết bị công nghệ, một ngày nào đó sẽ thay thế, hay thậm chí là đánh cắp các giác quan của con người. Tức là mỗi thứ chúng ta nghe hay nhìn đều thông qua công nghệ làm trung gian. Người chúng ta nói chuyện cùng hàng ngày sẽ là Microsoft Cortana, Siri, Bixby của Samsung hay Alexa của Amazon. Trong thời điểm này, điều đó tỏ ra khá lạ lẫm và đáng sợ.
Microsoft, Faceboook, Google, Magic Leap và cả Apple đang tiến hành phát triển các loại thiết bị thực tế tăng cường độc lập với tính năng mô phỏng chi tiết hình ảnh 3D vào mắt người dùng. Alex Kipman, người phụ trách mảng Hololens của Microsoft cho biết thực tế tăng cường có thể thay thế điện thoại, TV hay bất kì thiết bị nào khác có màn hình. Mọi cuộc điện thoại, phim ảnh và trò chơi sẽ được trình chiếu ngay trước mắt bạn. Và bạn sẽ không phải lắp đặt nhiều thiết bị trong nhà nữa.
Bên cạnh đó, những thiết bị tương tác trực tiếp với khả năng nghe-nói của người dùng như Airpod, Amazon Echo hay các trợ lí ảo Cortana, Bixby hay Siri ngày một trở nên thông minh hơn và đã có thể ứng biến để giao tiếp ngược lại với con người. Facebook sẽ không còn chỉ kiểm soát những gì bạn đọc trên màn hình điện thoại, mà còn điều khiển những gì bạn quan sát ở thế giới xung quanh.
Nói cách khác, đây là một tương lai khi cuộc sống con người hoàn toàn hoà quyện với công nghệ. Các công ty công nghệ lớn đã hứa hẹn với chúng ta rằng cuộc sống tương lai sẽ cân bằng hơn, ít có sự can thiệp của công nghệ hơn. Tuy vậy, những nguy cơ tiềm ẩn về một nhân loại bị chi phối bởi công nghệ vẫn còn đó, và không phải ai cũng có đủ tỉnh táo để tách biệt rõ ràng hai yếu tố này.
Và một tương lai điên rồ
Trong một vài thập kỉ nữa, công nghệ sẽ can thiệp vào cả cách mua và sử dụng những thứ đồ gia dụng của chúng ta. Một cặp kính cũng có thể trở thành kính thông minh. Sự phát triển điên rồ nhất, khó tưởng tượng nhất và tiên tiến nhất vẫn sẽ nằm ở một vài thập kỉ sau đó. Lúc đó, rất khó để hình dung công nghệ đã đưa cuộc sống chúng ta tới đâu.
Chúng ta vừa thấy sự ra đời của Neuralink, một công ty mới được thành lập bởi Musk. Mục tiêu của công ty này là xây dựng máy vi tính trực tiếp trong não bộ của chúng ta thông qua ren thần kinh. Đây là bước chuyển mình tiếp theo thể hiện rằng cuộc sống của chúng ta và công nghệ đang hoà quyện vào nhau để trở thành một khối thống nhất. Và đó chính là điểm kết thúc khả thi của smartphone, bởi smartphone mang thông tin đến cho chúng ta, còn công nghệ thực tế ảo tăng cường đưa thông tin ngay trước mắt ngay khi chúng ta cần nó.
Điểm tích cực trong sự phát triển như vũ bão của công nghệ này chính là việc khi các thiết bị có thể hỗ trợ giọng nói, giao tiếp và hình ảnh ảo, bản thân con người sẽ phải phát triển bản thân để thích nghi. Tuy vậy, ý tưởng dung hợp công nghệ và cuộc sống lại đáng sợ ở chỗ không ai thực sự biết được cuộc sống của chúng ta vận hành như thế nào. Một số nhà triết học sẽ bắt đầu tiến hành những nghiên cứu vì sao con người lại được hình thành nên từ thuở sơ khai.
Vì vậy, cái chết của smartphone sẽ khởi nguồn cho sự kết thúc của một kỉ nguyên lớn hơn thế. Đó sẽ là khi chúng ta không còn mang những chiếc máy theo bên mình và bắt đầu kết nối trực tiếp toàn bộ cơ thể và bộ não với những thông tin số. Điều đó thực sự kì quặc và khó tưởng tượng.
Rất nhiều nhà công nghệ nói rằng smartphone cho chúng ta một quyền năng phi thường để tiếp cận với kiến thức và kĩ năng mà thiên nhiên không ban tặng. Vì vậy, hãy tin rằng sự chuyển biến nói trên sẽ diễn ra trong thời gian đủ dài để con người có thể thích nghi kịp và tiếp tục phát triển. Bởi lẽ, phát triển bản thân là điều tối thượng mà nhân loại cần phải đạt được, còn công nghệ chỉ nên đóng vai trò làm công cụ hỗ trợ cho sự phát triển đó.
Theo Tạp chí công nghệ.
Bình luận