Trước đó, Bloomberg đưa tin, Facebook sẽ thuê hàng trăm nhân viên có giấy chứng nhận an ninh quốc gia Mỹ, tức những người được phép tiếp cận các thông tin đã được tình báo Mỹ cho là những mối đe dọa tiềm tàng của Mỹ. Mục đích của kế hoạch này là nhằm loại bỏ các thông tin mà tình báo Mỹ cho là giả mạo cũng như những chiến dịch bị cáo buộc là nhằm can thiệp vào chính trị Mỹ.

Theo bài bình luận trên RT, động thái trên có thể dẫn đến tình trạng những người được thuê trên, cũng là những người có cùng quan điểm với tình báo Mỹ về thế giới, sẽ trực tiếp kiểm soát nội dung mà hàng triệu người dùng trên Facebook tiếp cận. Tức là, họ có khả năng “lái” quan điểm của hàng triệu người theo quan điểm của tình báo Mỹ chỉ bằng Facebook.

Những người có chứng nhận an ninh quốc gia Mỹ sẽ có thể dử dụng các thông tin của tình báo Mỹ để kiểm soát những gì mà người dùng Facebook được phép đọc, nghe, xem trên mạng xã hội này. Theo RT, lấy cớ bảo vệ an ninh quốc gia, loại bỏ tin giả mạo, Facebook đang bị biến thành công cụ kiểm duyệt của chính phủ.

Điều đó gần như đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ đang kiểm duyệt internet trên phạm vi lớn không thể tưởng tượng nổi, chưa kể đến việc các công ty công nghệ khác như Google, Twitter cũng hành động giống Facebook. Các công ty công nghệ lớn của Mỹ đang có ảnh hưởng rất lớn trên hầu khắp các thành phần văn hóa như tin tức, sách báo, phim ảnh và nhiều loại hình giải trí khác.

Nhà báo người Mỹ Robert Bridge, một cộng tác viên của RT cho rằng Facebook dường như đang muốn chặn những liên kết của RT. Ông cũng cho rằng các công ty internet của Mỹ đã hạn chế đáng kể khả năng tìm kiếm trên internet.

Ông nói: "Thực sự không thể tin được Google và YouTube đã bắt đầu sử dụng các thuật toán của họ một cách nghiêm túc và kiểm duyệt tin tức. Gần đây, tôi rất ít khi thấy những thông tin quan trọng về Nga và Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Thời gian gần đây, không chỉ có Facebook, các công ty công nghệ lớn như Google, Twitter cũng bị cuốn vào cáo buộc để tin tức giả mạo can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016. Đại diện của các công ty này sẽ phải điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 1/11 tới về sự can thiệp của Nga trong bầu cử Mỹ 2016.

Theo RT, ban đầu Facebook cùng nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng họ đã để lan truyền thông tin giả mạo do Nga tạo ra để giúp ông Donald Trump đắc cử. Tuy nhiên, đến đầu tháng Mười, sau nhiều tháng bị các chính trị gia Mỹ và truyền thông Mỹ gây sức ép không ngừng, Facebook, Google, và Twitter đã lần lượt thừa nhận họ đã phát hiện ra nhiều bài đăng và quảng cáo có "mối liên hệ với chính phủ Nga".

Trong khi đó, Nga liên tục phủ nhận cáo buộc cho rằng Moscow đã can thiệp vào bầu cử Mỹ. Còn theo RT, phần lớn những cáo buộc trên đều lấy từ các tuyên bố của tình báo Mỹ cũng như truyền thông và các chính trị gia Mỹ có cùng quan điểm.

Theo Infonet.




Bình luận

  • TTCN (0)