Ảnh minh họa: HTD

Gần đây, giới game thủ xôn xao trước thông tin một “đại gia” bỏ ra 1,8 tỷ đồng để mua hai tài khoản cùng vật phẩm ảo trong game Võ lâm truyền kỳ (VLTK). Hai tài khoản này của một “cao thủ” có nick “Hắc Điểu” rao bán. Những vật phẩm trong game VLTK giá trị thế nào chỉ có game thủ mới biết. Tuy nhiên, việc bỏ tiền tỷ để sở hữu món hàng như vậy dù nhằm mục đích kinh doanh cũng là điều đáng suy nghĩ.

Không phải tin đồn

Người mua là ông Phạm Trường Sơn - giám đốc một công ty chuyên kinh doanh đồ ảo trong game online. Tiếp xúc phóng viên Pháp Luật TP.HCM, ông Sơn cho biết thông tin trên là có thật. Tuy nhiên, việc mua bán đang trong quá trình thương lượng vì “đối tác” chưa quyết định có bán hay không. Ông Sơn nói hai tài khoản này có giá khoảng từ 1,5 đến 1,6 tỷ đồng nhưng ông sẵn sàng bỏ ra 1,8 tỷ đồng để mua đứt. “Cần phải khẳng định tôi mua hai tài khoản này với mục đích kinh doanh chứ không dại bỏ ra một số tiền lớn như thế để chơi ngông” - ông Sơn quả quyết.

Thông tin tài khoản

Trong hai tài khoản game được mua giá 1,8 tỷ đồng, một tài khoản môn phái Nga My có tên “moAmi”, đẳng cấp 183; tài khoản còn lại thuộc môn phái Võ Đang có tên gọi “Tam-Hắc”, đẳng cấp 174. Cả hai đều sở hữu những vật phẩm “cực khủng”, trong đó đặc biệt nhất là hai chiếc nhẫn kỹ năng vốn có cộng hai, một chiếc kháng băng 23%, chiếc còn lại kháng lôi 15%, sinh lực cộng 114. Hai chiếc nhẫn này được cho là có giá hơn 400 triệu đồng.

Ngoài ra, mỗi nhân vật còn sở hữu một món vũ khí cũng cộng kỹ năng vốn có hai cấp, cặp nhẫn vô danh giới chỉ, ngựa phiên vũ, những trang bị hoàng kim môn phái có giá trị cao nhất (max options), mỗi món trị giá từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng.

Cạnh đó, ông Sơn phủ nhận thông tin cho rằng việc mua bán này cũng là ảo nhằm mục đích quảng cáo. Ông Sơn cho biết: “Tuy không ai định giá chính xác được những vật phẩm và tài khoản này giá bao nhiêu nhưng chúng thực sự có giá trị đối với những người chơi game VLTK. Tôi tin rằng sẽ có người chịu bỏ ra số tiền cao hơn để được sở hữu chúng vì những vật phẩm của hai tài khoản này có một không hai và có giá trị cao nhất trong VLTK”.

Được biết, công ty của ông Sơn hoạt động kinh doanh vật phẩm ảo trong game online đã ba năm nên không thể “phiêu lưu” bỏ tiền tỷ ra mua đồ chơi ảo. Ông Sơn cho biết thêm: “Chúng tôi chấp nhận những rủi ro và hoàn toàn chịu trách nhiệm về những giao dịch của mình. Hiện nay, thị trường ảo tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Điều này cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới nhưng rất tiếc vẫn chưa có pháp luật điều chỉnh để chúng tôi yên tâm làm ăn”. Người bán có nick “Hắc Điểu” cũng xác nhận mình đang phân vân chưa biết nên bán hai tài khoản này hay không. “Hắc Điểu” cũng dự đoán ông Sơn mua hai tài khoản này để bán lại cho người khác với giá cao hơn.

Rủi ro người chơi tự chịu!

Ông Lê Hồng Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị VinaGame (công ty cung cấp dịch vụ game VLTK) cho biết: “Chúng tôi biết chuyện mua bán này qua phương tiện truyền thông. Từ trước đến nay chúng tôi không ủng hộ và hỗ trợ việc mua, bán, đấu giá đồ ảo và chúng tôi không chịu trách nhiệm về những giao dịch mua, bán, đấu giá của các game thủ. Những người tự mua bán với nhau thì họ tự chịu trách nhiệm nếu có rủi ro xảy ra”.

Cũng theo ông Minh, những đồ ảo trong VLTK là sở hữu của đơn vị phát triển phần mềm trò chơi (Công ty Kingsoft của Trung Quốc). Người chơi khi tham gia game chỉ có quyền sử dụng phần mềm trò chơi với mục đích giải trí và chịu sự quản lý của đơn vị phát triển phần mềm. Khi bắt đầu chơi, game thủ đã đồng ý chấp nhận những quy định của nhà cung cấp như không sao chép, kinh doanh... các vật phẩm trong thế giới ảo. Vì vậy, người chơi không thể sở hữu hoặc coi các vật phẩm đang sử dụng là tài sản của mình.

Ông Minh cho rằng cũng không ngoại trừ khả năng giao dịch này nhằm mục đích thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi những vật phẩm ảo chỉ có giá trị đối với những người chơi game VLTK, còn với những người khác thì hoàn toàn không có giá trị. Bởi chúng chỉ là những đoạn mã thể hiện hình ảnh và công dụng của vật phẩm.

Sự kiện trên đã gây ra tranh cãi giữa các game thủ trên các diễn đàn online. Đa số ý kiến không đồng tình việc bỏ ra bạc tỷ vào vật phẩm ảo. Ngược lại, có ý kiến cho rằng nên chấp nhận những giao dịch như vậy vì người ta có quyền sử dụng đồng tiền của mình, miễn sao không vi phạm pháp luật.

Gặp gỡ một số game thủ, họ khẳng định việc mua bán vật phẩm ảo trong game bằng tiền thật là chuyện bình thường. Ngoài ra, thị trường kinh doanh đồ ảo VLTK cũng hoạt động rất sôi nổi vì đây là game online có số lượng người chơi đông nhất hiện nay tại Việt Nam.

Anh Cường, một cao thủ game VLTK tại server Phong Sơn, nói: “Việc bỏ ra vài chục triệu đồng để mua vật phẩm chẳng có gì lạ. Chính tôi cũng từng mua một số vật phẩm có giá tiền triệu để nâng cấp cho nhân vật của mình mạnh hơn. Tôi biết có nhiều người bỏ gần 100 triệu đồng mua một cặp nhẫn “Vô danh giới chỉ” hay hơn 40 triệu đồng để mua con ngựa “Thần mã phiên vũ”. Ai chơi VLTK cũng biết giá của những vật phẩm. Tuy nhiên, bỏ tiền tỷ để “sắm đồ” như vậy, kể cả với mục đích kinh doanh, quả là điều đáng suy nghĩ, nhất là khi pháp luật chưa có quy định cụ thể điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tài sản ảo”.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Cái chính là Hắc Điều có chán VLTK chưa. Nếu cảm thấy chán rồi thì bán đi cũng được, thu về cùng lúc 1,8 tỉ cũng không nhỏ.

M4G mua hai acc này có lẽ nhắm đến những cái nhẫn +2, hiện giờ giá chỉ ở mức trên dưới 200 triệu/cái nhưng đợt VLNB sắp kết thúc, kết hợp với phần thưởng của giải VLNB thì những chiếc nhẫn +2 khủng này sẽ rất có giá trị.

Sự kiện trên đã gây ra tranh cãi giữa các game thủ trên các diễn đàn online. Đa số ý kiến không đồng tình việc bỏ ra bạc tỷ vào vật phẩm ảo. Ngược lại, có ý kiến cho rằng nên chấp nhận những giao dịch như vậy vì người ta có quyền sử dụng đồng tiền của mình, miễn sao không vi phạm pháp luật.

PV viết bài có lẽ toàn đọc ý kiến của học sinh cấp 2-3 nên mới nhận xét "Đa số ý kiến không đồng tình việc bỏ ra bạc tỷ vào vật phẩm ảo".