Uber cuối cùng đã phải chấp nhận từ bỏ cuộc chơi tại thị trường Đông Nam Á.

Việc Grab mua lại bộ phận kinh doanh Uber tại Đông Nam Á được xem là thương vụ lớn nhất của một công ty công nghệ trong khu vực, cho phép Grab tiếp nhận các hoạt động của Uber tại 8 quốc gia: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Công ty có trụ sở tại Singapore hiện có giá trị thị trường khoảng 6 tỉ USD và nhận được 90 triệu lượt tải xuống ứng dụng, cũng như 5 triệu tài xế ở 195 thành phố trong các quốc gia Đông Nam Á. Cần lưu ý rằng cả hai công ty đều nhận được những khoản tiền từ quỹ đầu tư đến từ SoftBank và Didi Chuxing.

Việc Uber bán một chi nhánh của mình cho Grab cũng khá tương tự như những gì mà hãng đã làm với các chi nhánh khác trong thời gian qua, bao gồm chi nhánh Trung Quốc (cho Didi Chuxing) và Nga cùng các quốc gia láng giềng (cho Yandex). Theo CNBC, tất cả kế hoạch này nhằm giúp Uber chuẩn bị kĩ lưỡng nhất cho đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) vào năm sau.

Uber từng là một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp ấn tượng nhất thế giới. Nhưng công ty kinh doanh lĩnh vực vận tải chia sẻ này cũng gặp không ít tai tiếng và kiện tụng. Đây là nguyên nhân khiến đồng sáng lập Travis Kalanick phải chuyển giao vị trí CEO cho ông Dara Khosrowshahi vào tháng 8 năm ngoái.

Vị CEO lên thay của Uber đã tập trung vào việc cải thiện hình ảnh công ty và đặt trọng tâm lên kỉ luật về tài chính để thúc đẩy lợi ích của công ty. Và trong bức thư được Khosrowshahi vừa gửi tới đội ngũ nhân viên Uber sau khi công ty bán mảng kinh doanh Đông Nam Á cho Grab, ông thừa nhận việc cạnh tranh với các đối thủ địa phương là rất khó khăn.

Ảnh
Thâu tóm bộ phận Đông Nam Á của Uber, Grab gần như "một mình một ngựa" tại khu vực.

Ông nói: “Một trong những nguy cơ tiềm ẩn trong chiến lược toàn cầu của chúng ta là chúng ta phải chiến đấu trên quá nhiều mặt trận và với quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Giao dịch này giờ đây giúp chúng ta tập trung hơn vào các thị trường chính, đồng thời giúp công ty sở hữu những cổ phần có giá trị đang phát triển tại một số thị trường lớn và quan trọng, điều mà chúng ta chưa làm được”.

Nhận xét về Grab, ông Khosrowshahi cho rằng đây thực sự là đối thủ “cứng cựa” và cũng đã mở rộng liên tục trong vài năm ngắn ngủi qua. Đây là một trong những doanh nghiệp mới thành công hàng đầu trong khu vực và được đánh giá cao ở khả năng thấu hiểu thị trường địa phương.

Khosrowshahi cho biết khoảng 500 nhân viên Uber ở Đông Nam Á sẽ chuyển sang Grab sau thương vụ. Còn phát ngôn viên công ty nói rằng một số nhân viên sẽ vẫn là một phần trong các hoạt động của Uber ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ không có bất kì sự sa thải nào trong hợp đồng này.

Thống kê gần đây cho thấy trong năm 2017, Uber đã lỗ nặng tới 61%, lên đến 4,5 tỉ USD. Đây vẫn là khoản lỗ lớn nhưng nhìn chung đã cải thiện so với giai đoạn trước đó. Còn với Grab, trong năm 2017 công ty có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng.

Trong khi Uber đang dần thu hẹp phạm vi thị trường thì Grab vẫn bám sát và gia tăng sức ảnh hưởng tại Đông Nam Á kể từ khi gia nhập vào năm 2013.

Số phận nào cho Uber tại Việt Nam?

Trong thông báo vừa được Grab gửi đến cộng đồng người dùng, hãng cho biết đang cùng Uber hoàn tất giai đoạn hợp nhất, với kế hoạch điều chỉnh các hoạt động và sẽ hoàn tất chuyển giao các dịch vụ đang có của Uber sang ứng dụng Grab vào ngày 8.4.2018.

Đối với tài xế, Grab đã gửi thông báo rằng các tài khoản Uber sẽ được chuyển sang hoạt động với ứng dụng Grab kể từ ngày 8.4. Điều đó có nghĩa các đối tác tài xế của Uber sẽ có cơ hội tiếp nhận được nhiều khách hàng hơn, xa hơn là gia tăng thu nhập một cách tốt nhất.

Đối với Uber Việt Nam, hãng cũng đưa ra thông báo sẽ ngưng hoạt động ứng dụng từ ngày 8.4, đồng thời khuyến cáo người dùng nên chuyển sang cài đặt Grab nếu muốn gọi xe trên smartphone.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)