Ngày thứ hai 29/9 đã trở thành “ngày thứ hai đen tối” của nền kinh tế Mỹ khi hạ viện nước này chính thức bác bỏ kế hoạch giải cứu thị trường tài chính trị giá tới 700 tỉ USD. Lĩnh vực công nghệ cũng không phải là một ngoại lệ trong cơn khủng hoảng này.

Nhưng tác động của cuộc khủng hoảng đến mỗi hãng công nghệ cũng khác nhau. Đơn cử như Apple – một hãng đã rất thành công trong thời gian vừa qua – lại phải hứng chịu tác động nặng nề nhất. Cổ phiếu của hãng này đã rớt giá tới gần 23%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của HP lại chỉ giảm có 3,62% và của IBM giảm 5%.

Song giá cổ phiếu sụt giảm mạnh sẽ không phải tác động duy nhất của cuộc khủng hoảng đến các hãng công nghệ Mỹ. Giới phân tích cảnh báo nguồn đầu tư tài chính công nghệ sẽ là lĩnh vực kế tiếp hứng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, tác động này sẽ không đến ngay lập tức mà sẽ chỉ đến trong khoảng một hoặc hai quý tới. Không chỉ số lượng mà cả ưu tiên đầu tư sẽ đều có sự biến chuyển rõ rệt.

Chuyên gia phân tích Rob Enderle cảnh báo đối với các hãng công nghệ ưu tiên chính sách cắt giảm chi phí, sự tụt dốc của giá cổ phiếu sẽ có thể “mạnh hơn gấp ba lần” trong thời gian tới.

Nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng khó có thể tránh được cơn bão khủng hoảng – đặc biệt là những nhân lực làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Citigroup Inc. ngày 29/9 cho biết đang lên kế hoạch chi tới 2,16 tỉ USD để mua lại Wachovia với hi vọng sẽ tiết kiệm được khoảng 3 tỉ USD từ việc “hợp nhất chia sẻ chi phí”. Và rõ ràng các trung tâm dữ liệu sẽ là một phần trong kế hoạch hợp nhất này. Những nhân lực làm việc trong lĩnh vực này sẽ là người phải chịu tác động.

Wachovia không phải là hãng duy nhất. Cuối tuần trước Washington Mutual Bank cũng bị JPMorgan Chase & Co. mua lại với giá 1,9 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có những thay đổi lớn trong nguồn nhân lực công nghệ tin của cả hai hãng. Washington Mutual sẽ chuyển sang ứng dụng nền tảng công nghệ của Chase. Dự kiến việc chuyển đổi này sẽ được hoàn tất trong năm 2010.

Mặc dù tác động của cuộc khủng hoảng đến mỗi hãng công nghệ là khác biệt nhưng lại là giống nhau đối với nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở mọi trình độ. Từ những chuyên gia hàng đầu có danh tiếng cho đến những nhân lực bình thường.

Ngay cả những lĩnh vực công nghệ vẫn còn “khá mạnh” – như lĩnh vực kinh doanh máy chủ - cũng sẽ là “nạn nhân” của cơn bão khủng hoảng lần này. Song tác động cũng sẽ chưa đến ngay lập tức. Cụ thể, con số thống kê của IDC cho thấy cho dù đã có những cảnh báo về sự suy giảm kinh tế, nhưng lĩnh vực kinh doanh máy chủ tính đến hết quý II năm nay vẫn tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Charles King – chuyên gia phân tích của Pund-IT Inc. – nhận định hiện trị trường công nghệ mới chỉ đang trong giai đoạn đầu của sự tụt dốc. Tình thế này sẽ khiến các hãng gặp nhiều khó khăn trong việc đưa những sản phẩm mới ra thị trường bởi khách hàng sẽ tìm cách giảm chi phí và chuyển nguồn đầu tư sang lĩnh vực khác.

“Doanh nghiệp chỉ chấp nhận đầu tư chừng nào họ chứng minh được rằng những sản phẩm là tối cần thiết. Tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ cố gắng cắt giảm mua sắm hết sức có thể.”

Jeff Miller – Giám đốc điều hành của EdgeLink – cho rằng các doanh nghiệp hiện vẫn còn “khá vững vàng trước cơn bão khủng hoảng kinh tế”. Thị trường vẫn còn khá sáng sủa đối với những nhân lực công nghệ thông tin có kinh nghiệm. Hầu hết nhân lực trong thời buổi hiện nay đều không muốn thay đổi công việc trừ phi doanh nghiệp tuyển dụng chứng minh được năng lực tài chính hùng mạnh.

Các chuyên gia nhận định cơn bão khủng hoảng kinh tế sẽ có thể dẫn tới một số giải pháp pháp lý nhằm ổn định thị trường nhân lực. Ví dụ, rất có thể Quốc hội Mỹ sẽ ban hành những biện pháp khuyến khích doanh nghiệp nước này duy trì nguồn nhân lực làm việc trong nước. Nhưng biện pháp này sẽ gây khó cho các hãng tài chính bởi họ đang muốn thuê nguồn nhân lực ở thị trường nước ngoài nhằm tiết kiệm chi phí. Nhân lực CNTT cũng không phải là một ngoại lệ.

Kim Berry – Chủ tịch của Programmers Guild – nhận định không chỉ nhân lực trong lĩnh vực CNTT mà cả nhiều lĩnh vực khác hiện đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc hiển hiện trước mắt.

(Theo Vnmedia/Computerworld, Techworld, Reuters)



Bình luận

  • TTCN (0)