Nếu là người đang sử dụng Windows, hẳn bạn đã quen với bộ công cụ giải trí Windows Media Center với khả năng biến chiếc máy tính của bạn thành một trung tâm giải trí đa phương tiện. Người dùng Linux không có những ứng dụng "cài sẵn" như vậy, tuy nhiên, một số công cụ miễn phí sau đây sẽ đáp ứng được những nhu cầu giải trí không hề thua kém so với Windows!
1. XBMC

Dựa trên nền tảng Xbox, đội ngũ phát triển của XBMC đã biến phần mềm phổ dụng của mình trở nên nổi tiếng hơn khi có thể sử dụng trên nhiều nền tảng bao gồm cả Linux, OSX và Windows. XBMC hỗ trợ rất nhiều các giao thức và định dạng âm thanh, video. Đây là một công cụ phương tiện linh hoạt xứng đáng được các tín đồ của Linux quan tâm tới.

Với XBMC, bạn không chỉ có thể thưởng thức tài nguyên âm thanh, điện ảnh, hình ảnh có trên đĩa cứng của mình mà còn có thể thưởng thức chúng trên tài nguyên mạng, thông qua mạng chia sẻ như SAMBA hoặc các thiết bị uPnP.

Ngoài ra, người dùng còn có thể sử dụng XBMC thông qua các script. Có hẳn một trang chuyên về thư viện script của XBMC.

Thông tin chi tiết và tải về ứng dụng này tại đây.

2. Entertainer

Entertainer hướng tới một giải pháp trung tâm đa phương tiện đơn giản và dễ sử dụng trên môi trường desktop Gnome và XFce. Entertainer sử dụng thư viện Gstreamer trên hệ thống Linux để chơi các nội dung đa phương tiện, giúp bạn có thể thưởng thức được các nội dung số như âm thanh, video, hình ảnh, thậm chí là RSS và ...thời tiết!

Một trong những khả năng của Entertainer là giúp người dùng tải về thông tin từ mạng nhằm giúp họ dễ dàng hơn trong việc quản lý và tìm kiếm tập tin phương tiện. Công việc cài đặt và cấu hình lần đầu tiên cho ứng dụng này tuy hơi khó khăn khi nó liên quan tới khá nhiều các script, nhưng một khi đã hoàn thành, tất cả những gì bạn cần làm nữa là...nhấp chuột và thưởng thức!

Thông tin chi tiết và tải về công cụ này tại đây. 

3. Elisa

Elisa là một trung tâm đa phương tiện mã nguồn mở có thể sử dụng trên Windows và Linux (phiên bản trên máy Mac sẽ sớm được phát hành). Giao diện của chương trình khá đơn giản, với 5 biểu tượng trên màn hình chính giúp bạn lựa chọn các công cụ Picture, Video, Audio, Settings và Plugins.

Elisa có thể tương thích chặt chẽ với mạng internet và cho phép bạn xem video trên Youtube, nghe nhạc tại Shoutcast và thưởng thức ảnh với Flickr cũng như một số dịch vụ phổ thông khác. Elisa còn có thể mở rộng tính năng với thư viện các plugin.

Thông tin chi tiết và tải Elisa về này tại đây. 

4. MythTV

Với thiết bị phần cứng cần thiết, MythTV có thể biến chiếc máy tính của bạn thành công cụ ghi hình cá nhân PVR (Personal Video Recorder), một hệ thống giải trí đa phương tiện số tại nhà hoặc một rạp hát cá nhân trên máy tính.

Nếu bạn quen dùng với TiVo thì đây là một phiên bản tương tự như phần mềm này. MythTV vốn bắt đầu với dự án PVR, nhưng nay, chỉ cần thêm các modules (như là các plugin), bạn đã có thể nghe nhạc, xem DVD và truy cập NetFlix, xem ảnh và một số tính năng khác.

Với tính phổ dụng của mình, MythTV có thể tương thích với nhiều bản phân phối Linux, tiêu biểu nhất là Mythbuntu trên Ubuntu. Các phiên bản khác gồm có KnoppMyth Mythdora.

Thông tin chi tiết và tải về ứng dụng này tại đây. 

5. Freevo

Freevo là một công cụ quản lý và giúp bạn hệ thống hoá các tập tin đa phương tiện. FreeVo sử dụng Mplay hoặc Xine để chơi các nội dung đa phương tiện và có một công cụ xem ảnh có thể xoay chuyển bức ảnh dễ dàng.

Khi sử dụng card TV-tuner, FreeVo còn có thể trở thành công cụ ghi lại các chương trình tivi. Ngoài ra, với rất nhiều loại plugin, tính năng của Freevo còn có thể được mở rộng thêm chẳng hạn như chơi game (nhờ vào công cụ giả lập).

Thông tin chi tiết và tải về Freevo này tại đây

6. GeeXboX

GeeXboX không phải là một phần mềm bạn cài trên Linux của mình. Đây là bản cài một bản phân phối Linux với mục đích biến chiếc PC của bạn thành một rạp hát tại nhà. Bạn không cần phải cài đặt mà chỉ việc boot từ LiveCD và chạy. Bạn còn có thể sử dụng GeeXboX mà không cần ổ đĩa cứng, khi hệ thống chạy nhờ vào RAM.

Trong khi các bản phân phối Linux có kích cỡ vào khoảng 700 MB thì tập tin ISO của GeeXboX chỉ vào khoảng 9 MB, có thể tự động rò phần cứng, vì vậy không cần phải dùng tới các driver. GeeXboX hỗ trợ gần như tất cả các định dạng âm thanh, video và hình ảnh, với nhiều thiết bị như D, DVD, HDD, trên mạng LAN và internet.

Bây giờ, nếu như muốn làm mới lại chiếc máy tính đã cũ của mình thì GeeXboX có thể là một giải pháp cho bạn.

Thông tin chi tiết và tải về phiên bản Linux tí hon này tại đây. 

Văn Vượng (theo Makeuseof)



Bình luận

  • TTCN (1)
Tấn Duy  29

XBMC tuyệt vời! ^^