Những thông tin về quản lý blog được một trang web chuyên về blog đưa lại -Ảnh: V.T.B.

Lướt một vòng qua các hot blog Việt (những blog Việt có nhiều người đọc) mới thấy thật ngạc nhiên: hầu như không có nhiều ý kiến bàn về chuyện Bộ Thông tin - truyền thông sắp ra thông tư về hoạt động của blog. Đưa ra những công cụ thực để quản lý một thế giới ảo là không dễ dàng.

Thờ ơ

Các hot blogger vẫn mải mê xây đắp cho ngôi nhà riêng của mình bằng những entry nóng hổi chuyện riêng tư hoặc cộng đồng, nhưng chuyện ngôi nhà đó đang sắp được quản lý bằng một thông tư thì lại chẳng được đả động đến mấy, mặc dù báo đài những ngày qua thông tin liên tục về việc sắp ra đời thông tư này. M.T., chủ một blog có hơn hai triệu lượt người ghé thăm, nói đầy vẻ thờ ơ: “Thông tư hả? Tôi nghe nói hình như đã bàn chuyện này từ lâu rồi mà vẫn chưa xong à?”. Còn một blogger khác tên V. cười: “Thế giới blog là một thế giới ảo, nếu các nhà quản lý hiểu được quy luật của thế giới ảo này mới mong quản lý được nó. Nhưng đã gọi là ảo thì thật khó... quản lý”.

Dự thảo thông tư về hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân (blog) dự kiến sẽ ban hành vào tháng 12-2008.Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích phát triển và sử dụng blog giúp cá nhân mở rộng khả năng tương tác trên môi trường Internet để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phù hợp thuần phong mỹ tục và pháp luật... Các hành vi bị nghiêm cấm theo dự thảo là: lợi dụng blog để cung cấp đường truyền đi hoặc đặt liên kết trực tiếp những thông tin vi phạm pháp luật, tạo blog giả mạo cá nhân, sử dụng trái phép tài khoản của cá nhân khác, thông tin sai sự thật, có tính chất lừa đảo...

Theo blogger X., chuyện quản lý blog từng được đưa ra từ năm 2007, lúc đó các blogger cũng đã nói về tính không khả thi của nó. Chính vì vậy giờ đây khi chuyện này được xới lại thì các blogger không còn quan tâm mấy nữa. “Vấn đề nằm ở chỗ các blog ẩn danh. Còn thường các blog công khai danh tính chủ nhân sẽ không gặp vấn đề gì về truy tìm nguồn gốc. Mà khi blogger công khai thì họ sẽ tự điều chỉnh mình theo quy định của pháp luật. Hoặc khi có vấn đề gì thì pháp luật sẽ can thiệp, mà vụ kiện “sóng gió” giữa ca sĩ Phương Thanh và blogger Cô gái Đồ Long là một điển hình” - X. khẳng định.

Tiếng nói của cộng đồng

Trong một entry mới đây, hot blogger AD khẳng định: “Sinh mạng của một blog được quyết định bởi Yahoo 360O (nhà cung cấp dịch vụ), bởi công luận và bởi chính chủ nhân của nó”. Thế giới ảo muôn hình vạn trạng blogger, thật khó để các nhà quản lý ngồi đọc hết nội dung của các blog xem cái nào sạch sẽ, cái nào phạm luật.

Ngay cả các nhà cung cấp dịch vụ cũng không thể làm xuể, mặc dù họ đã cẩn thận đưa ra những điều khoản sử dụng dịch vụ mà các blogger phải tuân theo. Ở đây các nhà cung cấp phải sử dụng một công cụ quan trọng: sự giám sát của cộng đồng mạng. Ông Vũ Minh Trí - tổng giám đốc Yahoo VN, cho biết từng xóa blog OnlyU vì có quá nhiều thư than phiền của các blogger khác.

Hai SV khoa báo chí ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) là Nguyễn Thị Mai Phương và Đào Thị Huyền vừa hoàn thành công trình nghiên cứu “Mối quan hệ giữa blog và truyền thông đại chúng”. Theo các tác giả, việc quản lý những thông tin trên blog đang gây khá nhiều tranh cãi, đồng thời dẫn ra ý kiến của một blogger: “Blog giống như một ngôi nhà của cá nhân và anh không có quyền “vào nhà tôi”, nói rằng tôi nên sống như thế này như thế kia, vì thế khó có thể có một định chế chung về việc quản lý blog”.

Blogger M. nói: “Nếu ý định của các nhà quản lý là làm lành mạnh môi trường blog thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Qua sự giúp đỡ của cộng đồng mạng, thật không khó phát hiện blog nào đang vi phạm pháp luật. Mà thực tế những cuộc chiến giữa các blogger thời gian qua đã chứng minh một điều rằng tiếng nói cộng đồng là rất hiệu quả. Có những blogger đã phải đóng blog hoặc xóa entry của mình bởi họ bị chính cộng đồng mạng phản đối. Chúng tôi thấy hình như các chuyên viên soạn thảo thông tư có vẻ chưa thật sự thâm nhập đời sống blog, hiểu rõ nhu cầu, tâm tư của blogger. Các biện pháp đưa ra nhằm quản lý blogger còn mang tính duy ý chí”.

SV Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng: “Việc thực hiện một thông tư như trên sẽ rất khó đạt được như mong muốn của các nhà quản lý. Tôi thấy ở đây quan trọng là sự điều chỉnh của cộng đồng. Vấn đề là tự do cá nhân của mỗi blogger không làm phương hại đến cộng đồng. Anh chỉ được tôn trọng khi anh tôn trọng người khác”.

(Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)