Người tiêu dùng chọn mua tivi LCD với kích thước lớn đa số mới chỉ phục vụ việc thỏa mãn thị giác, thưởng thức chất lượng hình ảnh nhưng phần lớn chưa chú trọng sử dụng khai thác hết các chức năng, tính năng kỹ thuật của những chiếc truyền hình LCD hiện đại -Ảnh: Lê Hồng Thái.

So với bốn năm trước, giá tivi LCD đã giảm ba lần, với giá tivi 32 inch hiện nay khoảng 7 triệu đồng. Thế nhưng, một số người vẫn cho rằng giá đó vẫn còn đắt.

“LCD 7 triệu đồng, mua được rồi” - anh Vinh thông báo và nhận được sự im lặng từ người bạn tên Khoa (Q.3). “Sắp tới có khả năng xuống mức 6 triệu đồng” - anh Vinh tiếp. Anh Khoa vẫn cười và lắc đầu. Cùng là tín đồ túc cầu giáo, thích công nghệ nên mùa World Cup 2006 cả hai rủ nhau sắm tivi phẳng 29 inch để xem đá banh bởi lúc đó giá LCD 32 inch dù giảm xuống mức dưới 20 triệu đồng vẫn vượt quá khả năng tài chính. Một năm sau, giá LCD 32 inch giảm còn 12 - 15 triệu đồng tùy nhãn hiệu. Anh Khoa nói vui với bạn: “Đợi nó giảm dưới 10 triệu đồng mới mua”.

Mùa Euro 2008, đôi bạn vẫn không nâng đời lên LCD. Hai anh cho biết trong tình hình kinh tế như vậy, không thể mạnh tay chi xài như trước được. “Thật ra, với giá dưới 7 triệu như hiện nay tôi cũng có thể ráng mua được” - anh Khoa nói. Có khả năng sắp tới anh Khoa không cần phải ráng, như lời anh Vinh, có thể giá ở tầm mức 6 triệu đồng một cái LCD 32 inch.

Lý do tài chính tuy có ảnh hưởng đến việc mua sắm của hai anh nhưng “đó không phải là lý do chính để tôi kìm hãm sự sung sướng lại” - anh Khoa nói. Dân thích công nghệ nên hai anh thường xuyên chia sẻ tin tức cập nhật về công nghệ LCD cũng như các thông số kỹ thuật ngày càng nâng cao như độ làm tươi ngày càng giảm, hay độ tương phản lớn khiến tivi LCD thế hệ mới khắc phục nhược điểm của loại cũ như bóng ma, do tốc độ làm tươi chậm, nên có khi một hình có tới hai chuyển động.

Cũng bởi vậy, anh Vinh dự đoán được giá của LCD sẽ giảm khi công nghệ sản xuất được nâng lên. “Điều chính yếu là khoản chi ra hơi phí so với những gì mình nhận được” - anh Khoa giải thích. Cụ thể, theo anh Vinh, là LCD hiện nay có khả năng phát hình độ nét cao (HD) nhưng truyền hình Việt Nam mới dừng ở mức độ thử nghiệm. “Sử dụng nó mà xem đá banh thì hình cứ dẹt ra, lại còn không sắc nét bằng tivi phẳng” - anh Vinh nhận xét.

“Tôi cũng tính mua để xem phim HD, nhưng lấn cấn chuyện mua thêm đầu DVD HD” -anh Khoa nói. Ngoài khoản tiền mua đầu DVD, anh Khoa cũng phải cân nhắc thời điểm mua liệu có thích hợp khi đầu bluray trong vòng hai năm tới sẽ sản xuất đại trà. “Thật ra, mua LCD HD như hiện nay vẫn sử dụng hết tính năng nếu có thêm đầu phát HD” - anh Vinh nói. Loại đầu phát mà anh Vinh nhắc tới cũng có cổng HDMI để kết nối tivi LCD, lưu trữ phim trong ổ cứng. Do dung lượng ổ cứng có thể tới 1TB, tính ra có thể chứa cả trăm bộ phim HD. “Muốn xem phải chịu khó đem tới điểm ghi phim HD” - anh Khoa cho biết. Trước kia, theo anh Khoa, nguồn phim HD rất khó tìm, nhưng nay một số nơi ở Chợ Lớn có nguồn lưu trữ và làm dịch vụ sang vào ổ cứng.

“Sẽ tới lúc sắm LCD hoặc plasma nhưng không phải là bây giờ” - anh Khoa quả quyết. Anh cho biết thêm LCD có các ưu điểm như thiết kế đẹp, dễ bố trí vì ít chiếm diện tích và giá như hiện nay cũng chấp nhận được. “Nhưng mua và chỉ để trang trí cho đẹp phòng khách hay chỉ xem được trong điều kiện phải đầu tư thêm khiến tôi thấy nó chưa hợp lý” - anh Vinh kết luận. Xem ra, dù các nhà sản xuất đã mạnh tay giảm giá, thì trong cảm nhận của người dùng, mức giá hiện hành vẫn không thuyết phục họ chi tiền để mua.

Trong cuốn Tình yêu hàng hiệu, hai tác giả đã nêu hiện tượng người tiêu dùng Trung Quốc có thể mạnh tay chi cho hàng hiệu thời trang, mắt kính, có khi lên tới cả vài ngàn USD một chiếc túi, nhưng mua đồ gia dụng, điện tử lại chọn các hiệu nội địa như Haier. Lý do khá đơn giản: những hàng hiệu thời trang, mắt kính là dấu hiệu dễ nhận biết về đẳng cấp của người dùng, còn hàng gia dụng thì khả năng “kể chuyện” về chủ nhân thấp hơn.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Mua mà không dùng, để trang trí thì đắt là phải rồi! TV LCD 32" thứ nhất là có màn hình to hơn, đương nhiên xem "đã" hơn. Thứ hai, là bắt đầu từ 32" thì có thể xem phim ở độ phân giải HD được rồi. Không biết "đầu DVD HD" mà anh Khoa nói trong bài là đầu nào? Nếu là DVD-Video thì độ phân giải chỉ có 480 dòng, còn HD DVD thì đã lạc hậu rồi. Mà chỉ cần một cái laptop có sẵn, nối ra TV thì xem phim HD "đã" rồi.