Hacker 17 tuổi George Hotz đã bẻ khóa thành công iPhone. Ảnh: AP.

Một Hacker 17 tuổi đã vụt thành "sao" sau khi bẻ khóa thành công con dế iPhone khỏi mạng di động AT&T và chia sẻ phương pháp này với khoảng... 10 triệu người khác. Tuy nhiên, cậu ta sắp phải đối mặt với một vụ kiện liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Rất có thể Apple và AT&T sẽ đệ đơn kiện lên Tòa, căn cứ theo Luật bản quyền số Thiên niên kỷ (DMCA) của Mỹ, nhất là khi mã phần mềm hoặc thiết bị bẻ khóa iPhone bị biến thành sản phẩm thương mại và rao bán tràn lan.

Phức tạp và mơ hồ

Tuy nhiên, theo giới luật sư, vụ việc sẽ khá phức tạp, bởi DMCA có một ngoại lệ là cho phép người dùng ĐTDĐ cá nhân được bẻ khóa thiết bị của họ để tự do sử dụng trên các mạng khác.

Điều này có nghĩa là gì? Tự mình mày mò ra cách bẻ khóa iPhone sẽ không thể bị coi là vi phạm DMCA. Nhưng nếu như bạn post chỉ dẫn hoặc mã bẻ khóa lên mạng, kể cả là miễn phí, bạn sẽ có thể phải nhận thư cảnh cáo từ một luật sư không lấy gì làm thân thiện cho lắm.

Mạnh hơn, nếu bạn tìm cách bán phần mềm hoặc thiết bị bẻ khóa iPhone, bạn đang tự chuốc phiền toái về mình.

Mặc dù vậy, ngay trong giới luật sư cũng tồn tại những cách hiểu khác nhau về DMCA. "Đó là một lĩnh vực cực kỳ mơ hồ, không có một cái gì là rõ ràng cả", luật sư Bart Showalter của hãng luật Baker Botts LLP nhận xét.

Tháng trước, ông John McLaughlin, người sáng lập ra hãng công nghệ Uniquephones tại Bắc Ailen, dự định phát hành một phần mềm cho phép khách hàng mở khóa iPhone. Tuy nhiên, ngày hôm qua, McLaughlin cho biết ông đã nhận được điện thoại từ một người tự xưng là luật sư đại diện cho AT&T. Người này đe dọa rằng McLaughlin có thể bị kiện vì tội xâm phạm bản quyền.

Ngoài Uniquephones, đã có ít nhất hai tổ chức nữa tuyên bố bẻ khóa iPhone thành công. Liệu họ có bị AT&T và Apple lôi ra tòa hay không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Luật sư cũng bất đồng

Theo luật sư Showalter, kể cả trong trường hợp một hacker có công khai mã hoặc chỉ dẫn để mở khóa iPhone (miễn phí) trên mạng Internet, anh ta cũng khó có thể bị rắc rối. Nguyên do là "nội dung post lên mạng đã được bảo hộ bằng quyền tự do phát ngôn tại Mỹ".

Tuy nhiên, một số luật sư khác lại phản bác dự đoán này. "Các hãng phim đã kiện thành công những website P2P vì tội phát tán mã sao chép đĩa DVD DeCSS đấy thôi", luật sư Carole Handler của hãng luật Foley&Lardner LLP tuyên bố. "Họ sẽ bị buộc tội xâm phạm bản quyền cấp độ hai".

"Tôi nghĩ AT&T và Apple không có sự lựa chọn nào khác. Họ phải làm một điều gì đó, phải hành động. Nếu không bảo vệ sở hữu trí tuệ của mình một cách quyết liệt, tài sản quý giá ấy sẽ bỏ họ mà đi".

Đồng nghiệp của bà Carole cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng "Ngoại lệ là một quy định rất hẹp và rất chặt trong DMCA". "Nó chỉ dành cho người dùng cuối cùng mà thôi".

Điểm duy nhất là các luật sư đều nhất trí đồng thanh là bán phần mềm mở khóa iPhone (việc mà McLaughlin dự định làm) thật sự là vi phạm DMCA. "Tòa án sẽ ít cảm thông với những người cố tình vi phạm DMCA hòng kiếm tiền".

Thế nhưng có một điểm rất thú vị trong toàn bộ câu chuyện. Bên cạnh những câu hỏi pháp lý về chuyện mở khóa iPhone, bản thân Apple và AT&T cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị kiện.

Bản hợp đồng độc quyền giữa hai hãng này rất có thể sẽ gây rắc rối, nếu như một đối thủ hoặc khách hàng nào đó lập luận thành công rằng "không có thiết bị nào khác giống iPhone ngoài thị trường".

(Theo Vietnamnet) 



Bình luận

  • TTCN (0)