Bill Gate (phải) đã lui về hậu trường, rất nhiều khả năng Steve Jobs cũng sẽ theo chân ông.

Như các bạn đã biết, vào tuần trước Steve Jobs đã quyết định sẽ không tham gia các triển lãm Macworld Expo. Như vậy, thế giới công nghệ đã mất thêm một người có khả năng khuấy đảo mọi sự chú ý bằng những lời diễn thuyết hùng hồn và hấp dẫn. Nếu ta điểm lại những người như Steve Jobs, có vẻ một thế hệ CEO kì cựu đang dần biến mất.

Từ sau lời chia tay của Bill Gates-- nhà đồng sáng lập Microsoft-- tại triển lãm công nghệ CES năm vừa qua, một thực tế đã trở nên rõ ràng, rằng sẽ không còn nhiều ngôi sao sáng có khả năng gây náo loạn làng công nghệ thế giới.

Điều này sớm hay muộn rồi cũng sẽ xảy ra. Ánh hoàng hôn đang dần phủ lên thế hệ của những người sáng tạo nên chiếc PC, những người thương mại hoá Internet và những người đã gây dựng công ty của họ trở thành những gã khổng lồ trên thị trường công nghệ.

Trong những năm tháng đã qua, Gates thường nói về ước mơ cũng như kế hoạch thực hiện ước mơ thống trị thế giới của mình. Scott McNealy-- nhà đồng sáng lập Sun Microsystems luôn là đối thủ xứng đáng của Gates. Craig Barrett cựu CEO thẳng thắn bộc trực của Intel, người đã thúc đẩy sự phát triển của hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới, và mở ra tương lai cho thế hệ máy tính di động.

Ngày nay, những người này đã bước khỏi vũ đài một thời của mình, và quan tâm nhiều đến chính trị, giáo dục và các công việc từ thiện hơn là công nghệ. Ngay cả một số người cùng thế hệ vẫn còn đảm đương nhiệm vụ như Larry Ellison-- CEO của Oracle, thì báo giới vẫn chỉ nói nhiều về du thuyền và máy bay riêng của ông hơn là những bài diễn thuyết đình đám.

Thế giới đã không còn những CEO của lòng đam mê?

Tất nhiên, thế giới công nghệ hiện nay có rất nhiều những CEO tài năng, nhưng họ thuộc một thế hệ khác và mang một phong cách hoàn toàn khác. Kể cả những hãng công nghệ đã trở nên thống trị như Intel và Microsoft, họ cũng không còn muốn một CEO mang đậm dòng máu công nghệ trong mình, mà thay vào đó, họ cần một doanh nhân, một nhà quản lí như kiểu Paul Otellini của Intel, Steve Ballmer của Microsoft, Mark Hurd của Hewlett-Packard và Sam Palmisano của IBM. Những người này hẳn có rất nhiều fan hâm mộ trong các trường kinh tế tài chính, nhưng các kĩ sư công nghệ sẽ không xếp hàng để xin chữ kí của họ.

Điều này cũng thực sự dễ hiểu, khi mà công ty của bạn đã trở nên lớn mạnh, bạn sẽ cần một CEO với khả năng nắm vững thị trường, có khả năng khơi dậy nhiệt huyết nhân viên và thu hút các nhà đầu tư. Họ là những người có khả năng quản lí hàng ngàn nhân viên, mời chào khách hàng nồng nhiệt và làm xoa dịu phố Wall.

Vậy có còn những CEO thực sự "công nghệ"? Tất nhiên rồi, những ngôi sao của thế hệ Web 2.0 như Eric Schmidt, Sergey Brin, và Larry Page của Google, Mark Zuckerberg của Facebook là những ví dụ điển hình. Nhưng không ai trong số họ là nhà hùng biện có khả năng hút hồn người nghe. Tương tự như vậy, Shantanu Narayen của Adobe và Dirk Meyer của AMD là những kĩ sư công nghệ hàng đầu, nhưng họ hợp hơn với các phòng thí nghiệm hơn là các triển lãm công nghệ. 

Cuối cùng, người còn lại duy nhất có khả năng lôi cuốn đám đông bằng những bài diễn thuyết về công nghệ có lẽ là Michael Dell. Nhưng dường như ông quá bận rộn để có thời gian xuất hiện trước công chúng. 

Quay trở lại với Steve Jobs, ngay cả khi ông không còn phát biểu tại Macworld Expo, thì mọi người vẫn còn yên tâm vì ông chưa tuyên bố về hưu. Jobs vẫn hoàn toàn có thể thu hút sự chú ý của thế giới một khi ông có điều gì muốn nói. Nhưng đến ngày nào đó, khi Steve rời bỏ công ty, mọi người hẳn sẽ còn nuối tiếc những ngày mà mình cảm thấy phát rồ khi nghe ông giới thiệu sản phẩm mới, những ngày mà người yêu công nghệ cảm thấy mình như trẻ em đón chờ quà Giáng Sinh.

Quang Trung (theo Fortune)



Bình luận

  • TTCN (0)