Khi thị trường máy ảnh số đang ngày càng trở nên bão hòa, các nhà sản xuất tích cực đưa ra những tính năng nổi bật và hấp dẫn nhất để tạo sự khác biệt với các đối thủ. Thế nhưng, sự đổi mới không phải lúc nào cũng mang lại thành công.

Sau đây là những sản phẩm được đánh giá cao và gây thất vọng nhất trong năm qua.

I. Đánh giá cao

Tính năng quay video độ nét cao (HD)

Trong khi hầu hết người dùng mê chụp ảnh đều đang “phát hoảng” với khả năng quay video chất lượng 720p (1,280 x 720 pixels) của máy ảnh Nikon D90 thì đối thủ Canon đã khiến cả thế giới trầm trồ với dòng máy EOS 5D Mark II quay phim đẳng cấp. EOS 5D Mark II là máy ảnh chuyên nghiệp full-frame vừa được ra mắt tại Việt Nam với giá bán 3 900 USD.

Ảnh
EOS 5D Mark II quay video với độ nét cao

Tính năng ấn tượng nhất của EOS 5D Mark II chính là khả năng quay phim với 2 chế độ full HD (độ phân giải 1920x1080 pixel, 30 khung hình/giây) và 640x480 pixel 30 khung hình/giây. Chất lượng ảnh chụp từ EOS 5D Mark II tuyệt đẹp và máy cho phép người dùng quay 1 đoạn video tối đa lên tới 12 phút ở độ phân giải cao nhất.

Định dạng Micro Four Thirds

Khi Olympus và Panasonic cùng nhau tung ra định dạng Micro Four Thirds System giúp thu nhỏ thân hình máy ảnh số ống kính rời (DSLR) hồi tháng 7 thì chúng ta đã hiểu được một cuộc cách mạng quy mô nhỏ sẽ xảy ra trong ngành công nghiệp ghi hình.

Ảnh
Panasonic Lumix DMC-G1 là máy ảnh đầu tiên sử dụng định dạng Micro Four Thirds

Máy ảnh sử dụng định dạng Micro Four Thirds không sử dụng gương phản chiếu ở bên trong, nên kích cỡ và trọng lượng được giảm đi đáng kể. Ngay sau khi liên minh này ra mắt định dạng này, nhiều nhà sản xuất đã trình làng ngay sản phẩm mới để đón đầu.. Panasonic Lumix DMC-G1 là mẫu máy ảnh số ống kính rời đầu tiên được phát triển trên định dạng Micro Four Thirds, và cũng là mẫu máy ống kính rời nhỏ nhẹ nhất thế giới hiện nay.  DMC-G1 có kiểu dáng nhỏ gọn, dễ sử dụng, màn hình LCD xoay rộng 3 inch, chất lượng ảnh chụp tốt.

Lắp ráp thành máy ảnh “khủng”

 Khi nhà sáng lập ra RED - hãng sản xuất máy quay video độ phân giải cao - tuyên bố sẽ gia nhập thị trường máy ảnh tĩnh thì một câu hỏi đặt ra là hãng này sẽ bắt tay với các “đại gia” nào để mua len và optics cho máy. Tuy nhiên, kế hoạch của hãng này là sẽ chế tạo ra dạng máy ảnh “mở” - cho phép người dùng tự mua các bộ phận để ghép với phần lõi chứa cảm biến để lắp thành một chiếc máy ảnh theo ý thích.

Ý tưởng này thực sự rất ấn tượng vì người dùng có thể lựa chọn theo ý của mình và sau này muốn nâng cấp cũng dễ dàng hơn. Sẽ chỉ cần mua các bộ phận cần thiết thay vì phải mua một chiếc máy mới hoàn toàn.

Máy ảnh 3 chiều Fujifilm 3D

Trong khi các nhà sản xuất chạy đua tăng độ phân giải cho máy ảnh hoặc phô trương thêm tính năng sành điệu để hấp dẫn người dùng thì Fujifilm tạo sự khác biệt bằng ý tưởng sản xuất camera chụp ảnh 3 chiều đầu tiên trên thế giới.

Mặc dù đến năm 2009 máy ảnh 3D đầu tiên mới có mặt trên thị trường, những ấn tượng ban đầu về Fujifilm 3D đã khiến nó trở thành tâm điểm bàn tán từ lúc được giới thiệu hồi tháng 9 vừa rồi.

Chiếc máy ảnh mẫu đầu tiên của Fujifilm có hai ống kính và có thể “gắn” các hình ảnh lại với nhau để “chộp” ảnh 3 chiều. Việc duy nhất người dùng phải làm là nhấn nút chụp.

Độ phân giải cao, độ nhiễu hạt (noise) giảm

Trước đây chúng ta vẫn nghĩ rằng máy ảnh có số “chấm” càng cao,

 ảnh chụp với ISO cao càng dễ nhiễu hạt, đặc biệt là với những bộ cảm biến nhỏ như máy ảnh gia đình. Tuy nhiên, công ty DxO Lab vừa đưa ra một quan điểm hoàn toàn trái ngược. Theo họ, càng nhiều megapixel thì độ nhiễu càng giảm. Nếu lý thuyết này đúng thì việc chạy theo tăng độ phân giải cho máy ảnh là hoàn toàn đúng đắn, giúp tăng chất lượng cho ảnh chụp.

(còn nữa)

(Theo Dân trí)



Bình luận

  • TTCN (0)