Ảnh: mobilenet.

Gần đây, khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại di động của các mạng viễn thông phàn nàn vì nhận được quá nhiều tin nhắn rác, mời bói toán, đoán tương lai năm 2009.

4 lời mời bói toán trong một buổi tối

Anh Đ. chủ nhân số điện thoại 091237xxxx cho biết: “Một buổi tối máy điện thoại của tôi nhận được 4 tin nhắn mời xem bói vận hạn năm 2009. Không mở máy đọc thì không biết là tin nhắn của ai, mở máy đọc thì mất thời gian mà chuốc thêm bực mình”. Để chứng minh, anh Đ. mở hộp thư đến cho chúng tôi xem.

Thuê bao 0125.8340820 nhắn tới với nội dung: “Muốn biết tương lai trong 10 năm tới, soạn TL năm sinh gửi 8716. Biển số xe của bạn đem lại điều gì cho bạn? Soạn Biensoxe gửi 8716”. Thuê bao số 0125.6332382 gửi tin “Bạn và người ấy có hợp nhau không? Tương lai 2 người như thế nào? Soạn: TD Nam sinh NU gửi 6779 để được giải đáp”... Rất nhiều tin nhắn mời bói toán trong thuê bao Vinaphone của anh Đ. được gửi tới từ số thuê bao của cùng mạng này.

Chủ thuê bao 0988.557xxx kể: “Số máy 0126.3131903 gửi tin nhắn đến máy tôi mời soạn tin xem bói gửi đến tổng đài 8714”. Ngày 27/12, thuê bao này nhận được tin nhắn từ thuê bao S-fone 0956451145 với nội dung: “Xem tử vi, biết tài lộc, vận hạn của bạn trong năm 2009. Soạn HOV Namsinh gửi 8777”. Số thuê bao khác của Viettel cũng nhận tin nhắn từ số máy 0956731289 như sau: “Bạn đã biết tương lai của mình năm 2009 chưa? Là NAM, soạn: NAM Ngày.Thang. Namsinh gửi tới số 8775 nhé”.

Khi chúng tôi gọi lại những thuê bao đã gửi tin nhắn rác, đầu dây bên kia đều thông báo thuê bao hiện không hoạt động. Tin nhắn rác mời xem bói đánh trúng tâm lý của không ít người tò mò muốn xem vận hạn tương lai của mình. Đây cũng là biểu hiện của việc “còn vướng” trong quản lý tin nhắn rác của Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính phủ và còn lỏng lẻo trong việc đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao trả trước.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 13/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác. Theo đó, các hành vi vi phạm liên quan đến thư rác nếu bị phát hiện đều bị xử lý. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại diện của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, còn vướng ở hệ thống cấp mã số quản lý cho các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo bằng thư điện tử, bằng tin nhắn chưa xây dựng xong.

Các nhà mạng là những người có khả năng đầy đủ nhất để thực hiện việc chặn những tin nhắn rác kiểu như thế này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì tổng đài nhắn tin có hợp đồng với  các nhà mạng để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng, mà tin nhắn mời quảng cáo, xem bói là một trong những dịch vụ đó. Vậy lẽ nào, tổng đài nhắn tin gửi tin nhắn rác mà “nhà mạng” không hay biết? Và phải chăng, việc cấp phép cho tổng đài hoạt động chưa chặt chẽ dẫn đến việc họ tự do gửi tin nhắn rác đến các thuê bao di động?

Mặt khác, tin nhắn rác còn cơ hội để hoạt động là vì hầu hết nạn nhân của tin nhắn rác không báo cáo với cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc họ bị làm phiền. Dù khó chịu, chủ nhân các thuê bao cũng “tự xử” bằng cách gọi lại để trút giận hoặc bực tức xóa đi.

Như vậy, việc phát hiện và xử lý người gửi tin nhắn rác để răn đe dường như không có, người nhận tin nhắn rác không được giải quyết và đảm bảo quyền lợi một cách thỏa đáng. Vì vậy, nạn nhân của tin nhắn rác nên báo ngay với nhà cung cấp dịch vụ để được can thiệp, đảm bảo quyền lợi của mình.

(Theo An ninh Thủ đô)




Bình luận

  • TTCN (0)