Khi nói đến Linux, ba tên tuổi lớn trên luôn luôn nổi bật. Bài viết này so sánh để xem tìm ra phiên bản Linux tốt nhất trong số Ubuntu (Canonical), openSUSE (Novell) và Fedora (Red Hat). Chính xác hơn, là tìm ra phiên bản tốt nhất cho từng nhu cầu người dùng.

Nhờ sự hỗ trợ tốt dành cho người dùng thông thường và khách hàng, Ubuntu được xem là bản phân phối Linux phổ dụng nhất hiện nay. OpenSUSE, nền móng thương mại vững chắc lâu nay của Novell giúp openSUSE vẫn được người dùng châu Âu tin dùng, cũng như đang tiếp tục thâm nhập vào thị trường Mĩ quốc. Trong khi đó, nhờ vào Fedora, Red Hat đã trở thành tập đoàn phát triển Linux lớn nhất với vai trò trọng yếu trong cộng đồng chim cánh cụt.

Cả ba đều vừa cho ra phiên bản mới.

Thiết bị và phương thức thử nghiệm

Thử nghiệm được tiến hành trên máy Dell Inspiron 530S với vi xử lí hai nhân Intel Pentium E2200 tốc độ 2,2 GHz, bus 800 MHZ, RAM 4 GB, HDD 500 GB SATA, chip đồ họa 3100 GMA. Đây là cấu hình được cho là chuẩn của năm 2008, với mức giá khoảng 450 USD.

Ngoài ra, mỗi bản phân phối này còn được chạy thử nghiệm trên từng máy riêng: OpenSUSE trên Lenovo ThinkPad R61, Fedora trên Gateway GT5622 và Ubuntu trên Gateway 503GR.

Mỗi bản phân phối Linux đều có những đặc điểm riêng, ngay từ việc cài đặt. Tuy nhiên, quá trình cài đặt cả 3 từ CD, DVD hoặc USB đều không gặp phải trục trặc gì đáng kể, ngay cả những vấn đề về phần cứng. So với Windows Vista, ngày nay, người dùng còn ít gặp phiền phức hơn khi cài Linux.

Thế “chân vạc”

Cả 3 bản phân phối đều làm việc tốt với Active Directory/Samba - hệ thống dựa vào tên miền với máy chủ và các thiết bị NAS. Một số loại máy in của Canon và HP đều không gặp gì trở ngại khi cài đặt. Tương tự, tác giả chỉ mất 30 phút để cấu hình mỗi bản phân phối làm việc với CIFS và NFS.

Ngoài ra, quá trình cài đặt một số phần mềm mới trên mỗi PC đều rất thuận lợi. Trên từng hệ thống riêng được bổ sung lần lượt trình chơi nhạc Banshee, Adobe Acrobat và Adobe Flash Player cùng với trình hỗ trợ ảo hóa Crossover Linux, cho phép người dùng chạy các ứng dụng của Windows trên Linux. Tất cả các chương trình trên đều chạy rất "mượt mà."

Sau một thời gian kiểm nghiệm, kết quả cho thấy, tất cả các hệ thống sử dụng 3 bản phân phối trên đều làm việc rất tốt và không gặp phải trục trặc nào.

Trong lần phát hành gần đây nhất, cả 3 bản phân phối trên đều sử dụng nhân Linux 2.6.27 và môi trường đồ họa GNOME 2.24. Tuy vậy, cùng một “thực phẩm” nhưng với những “gia vị” khác nhau, mỗi bản phân phối Linux đều có những ưu thế và đặc sắc riêng.

Canonical Ubuntu 8.10 - dành người mới dùng Linux

Hẳn người dùng nào biết tới Linux đều đã từng nghe nói về Ubuntu. Đây vẫn được coi là bản phân phối trên desktop phổ dụng nhất hiện nay.

Cùng với giao diện GNOME rất dễ sử dụng, Canonical, chủ sở hữu của Ubuntu còn có một cộng đồng hỗ trợ rất mạnh để giúp đỡ người dùng. Tại diễn đàn chuyên thảo luận về Ubuntu và trang Wiki của đội ngũ phát triển, bạn có thể tìm thấy những câu trả lời hữu ích mỗi khi gặp khó khăn.

Tất nhiên, bạn có thể không phải cần nhiều sự đỡ đến vậy khi dùng Ubuntu, chẳng hạn với công cụ Network Manager 0.7 mới bổ sung, bạn có thể kết nối mạng dễ dàng, cả có dây và Wi-Fi, ngoài ra kết nối qua mạng 3G cũng rất thuận tiện khi trình ứng dụng này coi tất cả các thiết bị 3G như những thiết bị sử dụng PPP (giao thức điểm nối điểm) cho việc kết nối. So với Windows, Ubuntu có thể hỗ trợ nhiều thiết bị 3G hơn hẳn.

Trong bản 8.10, Ubuntu đã được tích hợp DKMS (hỗ trợ module nhân động) của Dell. Tính năng này sẽ được ẩn cho hầu hết người sử dụng, nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn tới độ ổn định của hệ thống.

DKMS tự động cập nhật và tải về driver phù hợp với hệ thống phần cứng của bạn bất cứ khi nào bạn cập nhật nhân Linux, ngay cả khi nhân mới không hỗ trợ card đồ họa hoặc thiết bị khác. Với chương trình này, bạn không cần phải lo lắng về hệ thống của mình, ngay cả khi bổ sung thêm phần cứng hoặc mỗi khi phân phối cập nhật nhân Linux.

Cùng với Ubuntu, bạn còn có thể lựa chọn giao diện đồ họa KDE cùng “người anh em” Kubuntu, hiện sử dụng phiên bản KDE 4.x theo mặc định.

Tuy vậy, phiên bản Ubuntu lần này lại cài đặt OpenOffice 2.4, mặc dù việc cập nhật phiên bản trình ứng dụng văn phòng mã nguồn mở này lên 3.0 không phải là một vấn đề khó khăn.

Vậy, Ubuntu sẽ thích hợp với những người dùng nào? Có lẽ, đây là bản phân phối Linux phù hợp nhất với người dùng đang làm quen cùng “chim cánh cụt”. Ubuntu cũng đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng có kinh nghiệm. Dễ hiểu vì sao Ubuntu lại được dùng nhiều nhất hiện nay trong số các bản phân phối Linux.

Novell openSUSE 11.1 - hướng tới doanh nghiệp và máy chủ

Nếu mô tả openSUSE một cách ngắn gọn thì đó có thể là "đáng tin cậy." Trước đây, việc cập nhật openSUSE tương đối khó khăn thì có vẻ như nay, vấn đề này đã được giải quyết. OpenSUSE hoạt động tốt trên desktop và hỗ trợ hiệu quả cho máy chủ. Bản phân phối này vẫn được coi là chú Linux luôn luôn sẵn sàng với các nhu cầu thương mại.

Cùng với phiên bản 11.1, Novell đã cập nhật OpenOffice lên 3.0. Bạn đã có thể đọc và viết, xử lí tất cả các định dạng tập tin của Microsoft Office, bao gồm cả định dạng chuẩn OpenXML của Office 2007.

Tuy nhiên, điểm sáng thật sự của openSUSE được thể hiện trên môi trường máy chủ. Tiến trình cài đặt cho phép bạn tự động thiết lập máy chủ web, tập tin máy chủ, máy chủ phục vụ dịch vụ internet, máy chủ cơ sở dữ liệu. Bất kỳ bản phân phối Linux nào cũng tạo ra một nền tảng tuyệt vời trên môi trường máy chủ, nhưng chỉ riêng openSUSE là thực sự dễ dàng cài đặt.

OpenSUSE, như các đối thủ khác cũng đi kèm với các ứng dụng ảo hóa KVM (Máy ảo trên nền nhân) và Xen. Ngoài ra, openSUSE bao gồm phần mềm ảo hóa được yêu thích VirtualBox của Sun. VirtualBox được coi là công cụ tạo môi trường ảo hóa dễ dàng cài đặt nhất và làm việc thực sự hiệu quả trên openSUSE.

Cuối cùng, trong khi một số người không thích Mono, phiên bản mã nguồn mở .Net trên Linux, vì dính dáng tới Microsoft, openSUSE đã tích hợp tốt Mono và Linux. Kết hợp một số tính năng thân thiện kết nối với Windows, tính năng này không chỉ làm cho openSUSE là lựa chọn tốt nhất dành cho giới doanh nghiệp mà còn tạo ra cầu nối hữu hiệu tới nền tảng cơ sở hạ tầng Windows lâu nay của họ.

Riêng với phiên bản Fedora 10, bạn đọc có thể tham khảo một vài đánh giá tại đây.

Văn Vượng (theo PC World)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Sao tác giả bỏ quên Fedora ta, kì quá!