Canon PowerShot SX1 IS có thân hình tròn trịa, với vỏ máy màu đen pha xám làm từ chất liệu nhựa. Ảnh: Canon-europe.

Cùng sở hữu ống kính góc rộng 28 mm, zoom quang 20x như SX10 IS, nhưng SX1 IS được xếp ở một đẳng cấp khác khi được trang bị cảm biến CMOS giống như ở những mẫu DSLR và có khả năng quay video Full HD.

Đặt Canon PowerShot SX1 IS bên cạnh SX10 IS, bạn khó có thể phân biệt được chúng nếu không nhìn vào nhãn mác. Cả hai đều sở hữu thân hình tròn trịa, mượt mà nhưng không quá to khi so với những mẫu máy ảnh được trang bị ống kính zoom quang 20x khác. Vỏ máy được làm từ nhựa, phối màu đen và xám. Ống kính của SX1 IS giống hệt với SX10 IS, cũng có dải tiêu cự 28-560 mm và zoom quang 20x. Hệ thống ổn định ảnh quang học mà Canon tích hợp cho hai mẫu máy này cũng là một.

Ở bên hông, Canon PowerShot SX1 IS được trang bị cổng HDMI dùng để kết nối với màn hình TV ngoài. Máy cũng sở hữu hotshoe ở cạnh trên để người dùng có thể gắn thêm đèn flash. Bánh xe lựa chọn chế độ vẫn xuất hiện ở mẫu máy này, hoạt động chuẩn xác hơn so với ở SX10 IS.

Ảnh
Canon PowerShot SX1 IS được trang bị ống kính zoom quang 20x, có khả năng quay video Full HD. Ảnh: Canon-europe.

Tính năng đáng chú ý nhất ở Canon PowerShot SX1 IS là quay video độ phân giải cao 1080p (1.920 x 1.080 pixel) định dạng khung hình 16:9. Cùng với đó là ống kính zoom quang 20x và cảm biến CMOS có độ phân giải 10 Megapixel. Đáng chú ý khi đây chính là mẫu máy point-and-shoot đầu tiên của Canon được trang bị cảm biến CMOS, thứ mà trước đây chỉ có ở những mẫu DSLR.

Màn hình của SX1 IS ưu việt hơn hẳn SX10 IS, không chỉ vì có kích thước lớn hơn (2,8" so với 2,5"), mà còn bởi nó cho phép người dùng lựa chọn giữa hai tỷ lệ màn hình là 4:3 và 16:9 khi ngắm chụp. Nhờ đó, việc chụp ảnh chân dung sẽ dễ dàng và chính xác hơn. Giống như SX10 IS, màn hình của SX1 IS cũng có khả năng lật, xoay các hướng, hỗ trợ tốt cho người dùng trong các góc chụp khó.

Tốc độ hoạt động của SX1 IS tương đương với SX10 IS, kể cả ở thời gian khởi động và thời gian chờ giữa hai lần chụp. Khả năng kiểm soát nhiễu của chiếc máy này khá tốt, có thể mang lại những bức ảnh rõ ràng, chất lượng ổn ngay cả khi chụp ở ISO 800. Giống như nhiều mẫu máy mới của Canon, ISO tối đa của SX1 IS là 3.200.

Ảnh
Màn hình của máy có khả năng lật, xoay các hướng. Ảnh: Canon-europe.

Trong các chế độ chụp mặc định và chế độ tự động hoàn toàn, ảnh chụp bởi Canon PowerShot SX1 IS có xu hướng phơi sáng quá già, khiến các chi tiết nổi bật thường trở nên nổi bật quá. Rất may là hiện tượng này có thể xử lý được trong chế độ chụp thủ công. Tuy nhiên, SX1 IS chỉ hỗ trợ duy nhất định dạng ảnh JPEG mà không hỗ trợ ảnh RAW.

Việc quay video trên Canon PowerShot SX1 IS được thực hiện một cách vô cùng dễ dàng. Nếu bạn lựa chọn định dạng video 4:3, bạn chỉ có thể quay ở độ phân giải VGA (640 x 480 pixel). Tuy nhiên, nếu chuyển sang định dạng 16:9 bằng cách bấm vào phím nằm bên phải kính ngắm, bạn sẽ quay được video Full HD (1.920 x 1.080 pixel). Đáng chú ý, bạn có thể chụp ảnh tĩnh trong khi đang quay video bằng cách bấm phím chụp. Ngoài ra, phím kích hoạt tính năng quay video được sơn màu bạc với chấm đỏ ở giữa, nằm ngay bên cạnh kính ngắm nên rất dễ tìm.

Với hai micro tích hợp sẵn ở phía trên ống kính, Canon PowerShot SX1 IS có khả năng ghi âm stereo trong khi quay video. Mặc dù trong hướng dẫn sử dụng, Canon có nói rõ là âm thanh của việc điều chỉnh ống kính trong quá trình quay có thể làm nhiễu đoạn video thu được, nhưng trong hầu hết các lần quay thử, những đoạn nhiễu âm thanh đó xuất hiện không đáng kể.

Canon PowerShot SX1 IS cho phép người dùng quay video trong các chế độ hình ảnh đen trắng (black and white), sống động (vivid), sepia và nhiều cài đặt khác. Tuy nhiên, nếu được trang bị thêm giắc cắm tai nghe và micro thì mẫu máy ảnh quay video Full HD này sẽ hoàn hảo hơn.

Hiện nay, Canon PowerShot SX1 IS hàng xách tay đang được bán tại Việt Nam với giá khoảng 13 triệu đồng.

Ưu điểm:

  • Chất lượng ảnh chụp được khá cao
  • Có khả năng quay video Full HD
  • Được trang bị ống kính zoom quang 20x và nhiều tính năng cao cấp như ở những mẫu DSLR

Nhược điểm:

  • Không hỗ trợ định dạng ảnh RAW
  • Không có cổng kết nối với micro ngoài

(Theo Số hoá/CNET)



Bình luận

  • TTCN (0)