Triển khai trạm BTS di động của Viettel trước Ngân hàng Nhà nước chiều 30 Tết Kỷ Sửu, phục vụ người dân xem pháo hoa quanh Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: B.M.

Giao thừa Tết Kỷ Sửu năm nay, tình trạng các các thuê bao di động bị rớt mạng đã được giảm đi đáng kể. Trong khi các tin nhắn chúc mừng năm mới vẫn còn bị nghẽn quanh thời điểm giao thừa, thì hầu hết các cuộc gọi di động đều có thể thực hiện thành công, kể cả khi bị lỗi thì cũng thực hiện lại được ngay sau đó.

Cuộc gọi thông

Đây là một bước chuyển biến đáng kể về chất lượng dịch vụ di động, được thể hiện khá đồng đều ở cả 3 "đại gia GSM" VinaPhone, MobiFone và Viettel. Trong dịp Giao thừa Tết Mậu Tý 1 năm trước, VinaPhone được đánh giá nổi trội hơn MobiFone và Viettel, thì vào dịp Giao thừa Tết Kỷ Sửu năm nay, cả 3 nhà mạng cùng "ghi điểm" được ở mức độ tương đương nhau.

Trước thời điểm Giao thừa khoảng 30 phút, các cuộc gọi liên mạng giữa VinaPhone - MobiFone - Viettel của các thuê bao khu vực gần Hồ Hoàn Kiếm vẫn có thể thực hiện được thành công ngay ở lần gọi đầu tiên. Tình trạng tổng đài báo bận liên tục, không thể thực hiện cuộc gọi hoặc nhắn tin trong khoảng thời gian kéo dài hàng tiếng quanh thời điểm Giao thừa về cơ bản đã được cả 3 mạng khắc phục.

Một điểm mới đáng chú ý khác về hiện tượng nghẽn mạng di động Tết năm nay là các cuộc gọi kết nối liên mạng giữa VinaPhone/MobiFone với Viettel đã được thông suốt hơn nhiều so với năm ngoái. Có thể, với số lượng thuê bao di động có phần nổi trội hơn, Viettel đã thực sự trở thành một đối tác ngang tầm với VNPT và việc kết nối liên mạng thông suốt sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía.

SMS nghẽn

Một yếu tố khác cũng có thể đã giúp các mạng di động bớt nghẽn, đó là sự thay đổi thói quen chúc Tết đúng vào thời điểm Giao thừa của người dùng di động. Khoảng một vài năm trở lại đây, người dùng di động đã chủ động thực hiện các cuộc gọi chúc Tết sớm hơn, từ 22-23h, hoặc để qua 1-2 tiếng sau Giao thừa mới thực hiện cuộc gọi để tránh bị nghẽn mạng.

Ảnh
Xe phát sóng BTS di động của VinaPhone được triển khai ven Hồ Gươm đêm 30 Tết Kỷ Sửu. Ảnh: LAD.

Đó là chưa kể đến thói quen chúc Tết bằng SMS đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Hiểu theo cách đơn giản, người dùng di động muốn lưu giữ lời chúc Tết của mình và mọi người được lâu hơn, nhiều lời hay ý đẹp hơn và có thể xem lại nhiều lần. Điều này thể hiện khá rõ khi nội dung những lời chúc Tết qua SMS ngày càng phong phú, thú vị hơn so với những năm trước.

Tuy nhiên, đây có thể cũng chính là lý do khiến tình trạng nghẽn tin nhắn SMS quanh thời điểm Giao thừa vẫn diễn ra trong dịp Tết năm nay. Dù không bị kéo dài sang tới chiều Mùng 1 Tết như những năm trước, nhưng vẫn xảy ra khá phổ biến trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Từ khoảng 22h đêm Giao thừa, các SMS gửi đi đã bắt đầu bị nghẽn, phải gửi lại vài lần mới thành công. Đáng chú ý là các tin nhắn liên mạng giữa VinaPhone - Viettel và MobiFone - Viettel lại có tỉ lệ thành công cao hơn là giữa VinaPhone với MobiFone, hoặc thậm chí trong nội bộ 2 mạng này.

Anh Trịnh Huy ở khu vực phố Tôn Đản, gần Hồ Hoàn Kiếm, sử dụng thuê bao MobiFone trả sau cho biết: "Tôi thấy lạ so với các năm trước là tôi nhắn tin cho bạn bè dùng số Viettel thường là được ngay, nhưng nhắn cho số VinaPhone thì phải vài ba lần, có khi cả nửa tiếng sau mới gửi đi được. Lạ lùng là gửi SMS ngay cho người quen dùng các số đầu 0902, 0904 cùng mạng MobiFone với tôi thì lại thấy khó gửi đi nhất".

Giao thừa: Kỳ "sát hạch" thường niên của các nhà mạng

Đến hẹn vào mỗi dịp cuối năm, các mạng di động "đại gia" lại tất bật cho công tác chống nghẽn mạng, đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng của mình, và cũng là để đảm bảo cho uy tín của chính mình. Nếu không kể tới HT Mobile đang chuyển đổi sang công nghệ GSM với thương hiệu mới là Vietnam Mobile, thì 2 đối thủ CDMA là EVN Telecom và S-Fone vẫn chưa phát triển đến mức phải lo nghẽn mạng dịp Tết vì lượng thuê bao vẫn còn chưa nhiều.

Ảnh
Đã qua Giao thừa được hơn 1 tiếng, nhưng anh Hải đứng bán cành lộc tại Tràng Tiền Plaza (cạnh Hồ Gươm) vẫn không thể nhắn tin chúc Tết cho người thân được. Ảnh: P.H.

Sân chơi "chống nghẽn dịp Tết" do đó chỉ xoay quanh 3 "đại gia" chính là Viettel, VinaPhone, MobiFone, và đã gần như trở thành luật chơi, nhà mạng nào phát triển thuê bao quá ồ ạt, không kịp phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ thì chắc chắn sẽ bị "mất điểm" với người tiêu dùng trong "kỳ sát hạch" thường niên này.

Người dùng di động ngày càng nhạy bén hơn, và khi giá cước đã hạ xuống mức phổ thông thì yếu tố rẻ sẽ không còn được khách hàng coi trọng bằng yếu tố ổn định, chất lượng dịch vụ tốt. Khi cảm thấy dịch vụ mạng này lỗi, khách hàng sẽ chuyển sang mạng di động khác, nên "cuộc chơi" giữa các nhà mạng cũng sẽ chuyển dần từ việc đua nhau khai thác thuê bao mới sang cạnh tranh, thu hút các thuê bao trung thành, sử dụng dịch vụ thường xuyên. Đây chính là biểu hiện của một thị trường di động đang trưởng thành và tiến tới bão hoà về số lượng thuê bao.

Chất lượng dịch vụ di động của các nhà mạng trong dịp Tết mỗi năm, cũng sẽ là cơ sở quan trọng để người tiêu dùng đánh giá, bình chọn cho các Giải thưởng quan trọng về mạng di động như Vietnam Mobile Awards. Để bảo vệ thương hiệu và uy tín dịch vụ của mình, các "đại gia" dịch vụ di động chỉ có một cách làm hiệu quả nhất, đó là đảm bảo quyền lợi cho từng khách hàng của mình.

(theo VietNamNet)




Bình luận

  • TTCN (0)