Hàng nghìn vệ tinh đang bay xung quay quỹ đại Trái Đất.

Các quan chức Nga và Mỹ đang đổ lỗi cho nhau về vụ va chạm vệ tinh đầu tiên ngoài không gian ngày 10/2 vừa qua. Trong khi đó, các mảnh vỡ của vụ va chạm này đang bay mù mịt trong không gian và có thể gây ra các vụ nổ dây chuyền cực kỳ nguy hiểm khác.

Vụ nổ xảy ra trên khoảng không 800km của Siberia hôm thứ Ba (10/2) giữa một vệ tinh quân sự của Nga và một vệ tinh của hãng Iridium phục vụ cho Bộ Quốc phòng Mỹ và các khách hàng thương mại khác.

Đùn đẩy trách nhiệm

Phía Nga thì đổ lỗi cho NASA không cảnh báo về vụ va chạm trên bởi cơ quan này có chức năng theo dõi tất cả những động thái bất thường trên quỹ đạo trái đất. Tuy nhiên, phía Mỹ thì lại cho rằng chính Nga mới chịu trách nhiệm về vụ việc này.

Theo Thiếu tướng Regina Winchester, phát ngôn viên Tư lệnh chiến lược Mỹ, chịu trách nhiệm theo dõi Mạng thám báo không gian Bộ Quốc phòng Mỹ, thì cơ quan này đang theo dõi 18.000 vật thể trên quỹ đạo, và chỉ theo dõi một số nguy cơ nhất định bởi không đủ nguồn lực làm tất cả.

Trong khi đó, phát ngôn viên Iridium, Elizabeth Mailander, nói rằng công ty này có thể chuyển quỹ đạo của bất cứ vệ tinh nào trong tổng số 65 vệ tinh của hãng để tránh vụ va chạm nếu được cảnh báo trước. Tuy nhiên, theo Mailander thì không có bất cứ cảnh báo nào được đưa ra bởi các cơ quan chức năng. Trước đây, Iridium chưa bao giờ phải làm việc này tuy cũng có một vài cảnh báo nhưng phần lớn đều không chính xác. Vả lại công việc dịch chuyển quỹ đạo vệ tinh cũng không phải dễ dàng gì.

Các chuyên gia về mảnh vỡ vụ trụ sẽ gặp nhau trong tuần này tại Viena để thảo luận những giải pháp khắc phục các vụ va chạm trong tương lai.

Igor Lisov, một chuyên gia vũ trụ cao cấp của Nga, nói rằng anh không thể hiểu tại sao mà các chuyên gia về mảnh vỡ vũ trụ của NASA và Iridium lại để vụ va chạm trên xảy ra. Cũng theo Lisov thì các vệ tinh của Iridium hoàn toàn có thể điều chỉnh được quỹ đạo. “Đó chỉ thể là sai sót về máy tính hoặc là do lỗi của con người. Họ đã quá tập trung vào các mảnh vụn nhỏ nhặt mà quên đi các vệ tinh cỡ lớn bị đào thải”.

Trên thực tế, công việc trên thuộc về Mạng thám báo vũ trụ của Bộ Quốc phòng Mỹ với sự giúp sức của NASA. Ưu tiên của mạng lưới này là bảo vệ các nhà du hành vũ trụ, đưa ra cảnh báo khi có bất cứ đe dọa nào đến Trạm không gian quốc tế, hoặc những con tàu không người lái. Cơ quan này cũng đưa ra những cảnh báo chính xác của NASA về mấy chục vệ tinh bay chệch hướng trên quỹ đạo.

Hiện tại đang có khoảng 800-1.000 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo, và 17.000 mảnh vỡ và những vệ tinh đã ngừng hoạt động (giống như vệ tinh trên của Nga). Dĩ nhiên, với những vệ tinh ngừng hoạt động thì cơ quan điểu khiển mặt đất không thể kiểm soát được. Mạng theo dõi không gian của Mỹ cũng không có đủ tiềm lực để cảnh báo tất cả những nhà khai thác vệ tinh về nguy cơ va chạm. “Thật không may là chúng tôi không thể dự đoán được tất cả những khả năng va chạm”, Nicholas Johnson, Giám đốc dự án các mảnh vỡ trên quỹ đạo của NASA cho biết.

Một trang web tư nhân có tên Socrates hay đưa ra các cảnh báo thường nhật về khả năng va chạm vệ tinh đã xếp Iridium vào danh sách top 10 các nguy cơ cao nhất. Tuy nhiên, trong danh sách cảnh báo ngày 10/2 lại không có tên của Iridium.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hiện vẫn chưa xác định được có bao nhiêu mảnh vỡ từ vụ va chạm trên và mức độ nguy hiểm của chúng. Tuy nhiên, theo Tướng Alexander Yakushin, người đứng đầu Lực lượng không gian quân sự Nga, một vụ nổ kiểu này sẽ làm vương vãi mảnh vụn trong khoảng không từ 500-1.300km trên bề mặt trái đất.

Lisov nói rằng những mảnh vỡ có thể đe dọa một lượng lớn các vệ tinh thời tiết và vệ tinh theo dõi trái đất trên cùng quỹ đạo. “Có rất nhiều vệ tinh đang hoạt động gần quỹ đạo đó”, Lisov nói với AP. “Một thực tế là 65 vệ tinh Iridium hoạt động cùng quỹ đạo sẽ tạo ra nhiều nguy cơ lớn. Những mảnh vỡ có thể gây nổ dây chuyền, và đây thực sự là một điều khủng khiếp”.

Cả mạng thám báo của Mỹ và Lực lượng không gia của Nga đang theo dõi sát sao các mảnh vỡ. Những cơ quan này cho biết các mảnh vỡ đang bay với tốc độ 200m/s. Theo NASA thì sẽ phải mất hàng tuần mới đánh giá hết tầm ảnh hưởng của vụ nổ này, nhưng chắc chắn rằng chúng ít có khả năng gây hại cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Phát ngôn viên Cơ quan kiểm soát nhiệm vụ của Nga, Valery Lyndin, cho biết trong quá khứ ISS từng phải điều chỉnh quỹ đạo để tránh va chạm với thiên thạch trong vũ trụ. Những vụ va chạm kiểu này cực kỳ nguy hiểm cho tàu vũ trụ dự kiến sẽ được phóng vào ngày 22/2 tới đây với 7 nhà du hành.

Vệ tinh của Iridium “thiệt mạng” trong vụ nổ trên nặng 560kg, còn vệ tinh liên lạc quân sự Kosmos-2251 của Nga nặng gần 1 tấn. Kosmos được phóng năm 1993 và bị đào thải vào 2 năm sau (1995). Theo Lisov một số vệ tinh chạy bằng năng lượng mặt trời được phóng từ thời Liên Xô cũ cũng có thể gặp nguy hiểm mặc dù hoạt động ở quỹ đạo cao hơn. Nếu một trong số chúng va vào mảnh vụn, trái đất có thể không gặp nguy hiểm nhưng các vệ tinh gần kề khác nhiều khả năng sẽ bị nổ dây chuyền.

Iridium nói rằng hãng này cũng bị một số thiệt hại nhất định và ngừng cung cấp một vài dịch vụ trong khoảng thời gian ngắn. Iridium hy vọng trong vòng 30 ngày nữa sẽ đưa vệ tinh lên thay thế vệ tinh bị mất. Chi phí chi việc thay thế vệ tinh này sẽ tốn khoảng 50-100 triệu USD, bao gồm cả chi phí phóng.

Trước khi vụ nổ hiếm hoi trên xảy ra, có hơn 300 nghìn vật thể chu vi 1-10cm và hàng tỉ mảnh vỡ nhỏ đang bay trong quỹ đạo. Khi bay với tốc độ lên tới hàng nghìn km/giờ, những mảnh vỡ này sẽ có thể làm hư hại và phá hủy cả một con tàu vũ trụ. Tháng 6/1983, tấm chắn gió của tàu vũ trụ Mỹ Challenger đã phải thay thế sau khi bị một vật thể có kích thước 0,3 milimét đang bay với tốc độ 4km/giây đâm vào.

Kể từ khi Liên Xô cũ phóng tàu vũ trụ Sputnik 1 đầu tiên lên quỹ đạo (1957), đến nay đã có gần 6.000 vệ tinh có mặt trên quỹ đạo, và 800 vệ tinh trong số này vẫn còn hoạt động.

Theo VnMedia (AP, AFP, PCWORLD)



Bình luận

  • TTCN (1)
Quang Trung  22192

Cái ảnh có một đống vệ tinh quanh trái đất có thật ko ta? nếu thật thì xấu lắm, đâu còn là hành tinh xanh xinh đẹp nữa