Cần thêm nhiều nghiên cứu của các ngành chức năng để có kết quả chính xác. Đúng chuẩn mới được hoạt động.

Trong năm 2008, Viettel lắp đặt thêm 3.000 trạm phát sóng điện thoại (BTS), nâng tổng số trạm phát sóng lên 14.000 trạm. VinaPhone đã mở rộng số trạm BTS lên 10.000 trạm, Mobifone cũng có số lượng trạm BTS phát triển tương đương với VinaPhone. Việc các doanh nghiệp viễn thông đầu tư trạm BTS ngày càng nhiều ở các khu dân cư khiến không ít người dân lo ngại bị ảnh hưởng về sức khỏe. Mặc dù có những tuyên bố về sự vô hại của các trạm BTS nhưng nỗi lo vẫn không vơi.

Dân cản trở lắp đặt trạm BTS

Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, ngày 18-2, gần 100 người dân tại phường 10, quận Gò Vấp (TP.HCM) phản đối Trung tâm Thông tin di động khu vực 2 lắp đặt trạm BTS tại nhà 1365/2 Phan Văn Trị, buộc nhóm thợ phải dừng thi công. Người dân ở đây cho rằng khi trạm BTS vận hành sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.

Trước đó, ngày 2-1, tại Quảng Ninh cũng xuất hiện những tờ rơi nói về ảnh hưởng của sóng điện từ các trạm BTS tới sức khỏe khiến nhiều người dân cản trở việc lắp đặt trạm. Điển hình là tại khu phố 4, phường Hồng Hải (TP Hạ Long), đơn vị thi công đã bốn lần lắp đặt trạm BTS nhưng không thành vì người dân ngăn cản.

Khó tác hại lớn đến sức khỏe?

Theo ông Hoàng Ngọc Diệp - cố vấn cao cấp của Qualcomm (Tập đoàn Công nghệ CDMA của Mỹ), các nhà khoa học trên thế giới đã từng nghiên cứu và đưa ra kết luận các trạm BTS không gây hại như mọi người lầm tưởng. Tuy nhiên, hình thức gây hại từ sóng điện thoại có liên quan đến BTS không phải là không có. Ví dụ như trong một phòng họp có vài trăm người cùng sử dụng điện thoại (nghe hoặc nói) một lúc thì chắc chắn sẽ có hại dù trường hợp này hiếm khi xảy ra.

TS Phạm Ngọc Châu - Phó Chủ nhiệm khoa Vệ sinh y học môi trường, Học viện Quân y thì cho rằng người dân hay tập trung chú ý đến các trạm BTS thay vì chú ý đến những nguồn bức xạ điện từ khác, có tác hại nhiều hơn, trong đó có những vật dụng hàng ngày như lò vi sóng, cả máy điện thoại di động cũng là những nguồn bức xạ điện từ. Thiết bị thu các trạm BTS hiện nay rất hiện đại, chỉ cần nguồn năng lượng rất nhỏ đã thu được sóng nên mức độ năng lượng phát ra là rất nhỏ, tần số thu phát sóng ổn định. Do đó, các trạm này không thể gây ra tác hại lớn đến sức khỏe như thay đổi công thức máu hay tác động vào hệ thần kinh thực vật.

Xây thêm nhiều trạm BTS là lãng phí

Mức độ gây hại của các trạm BTS còn đang được bàn luận. Một vấn đề đáng quan tâm khác là hiện tại, với bảy nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động, đi theo là bảy hệ thống hạ tầng mạng lưới, trong đó các trạm phát sóng BTS, cột tháp ăng-ten, đường cáp truyền dẫn... không được quy hoạch hợp lý gây mất mỹ quan đô thị. Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, hợp lý nhất là các đơn vị quản lý nhà nước nên tiếp nhận xây dựng các trạm BTS, sau đó cho các công ty thuê lại, một trạm sử dụng cho nhiều đơn vị, xóa hẳn tình trạng mạnh ai nấy làm, bảo đảm cảnh quan và tránh lãng phí đầu tư.

Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng thực tế việc phát triển các trạm BTS nhằm đảm bảo tốt sự phát triển của ngành viễn thông. “Sở Thông tin và Truyền thông đang xem xét việc cấp giấy phép các trạm BTS nhanh và tiện lợi hơn. Còn việc quy hoạch các trạm BTS là vấn đề phải suy nghĩ, bởi việc xây trạm BTS không thể quy hoạch vào những điểm cụ thể do các đặc tính về kỹ thuật. Hướng sắp tới Sở sẽ tìm cách quy hoạch sao cho đảm bảo mỹ quan nhất”.

Đúng chuẩn mới được hoạt động

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 19 năm 2006 quy định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với trạm thu phát thông tin di động. Giá trị mật độ dòng năng lượng (S) quy định đối với các BTS là 2 W/m2. Giá trị này nghiêm ngặt hơn khi so sánh với các giới hạn của một số tổ chức và một số nước: Ủy ban Quốc tế về phòng chống bức xạ ion hóa (CNIRP) là 4,5 W/m2; Mỹ, Nhật Bản là 6 W/m2; Anh là 32 W/m2.

Theo tiêu chuẩn TCN 68-255:2006 về phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ, ban hành các quyết định về kiểm định công trình viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, từng trạm BTS phải được kiểm định, nếu tuân thủ TCVN 3781-1:2005 thì mới được hoạt động.

(Theo Pháp Luật TP.HCM)



Bình luận

  • TTCN (0)