G-Link Telecom, 452 Khương Đình. Hà Nội là một trong những điểm bán thiết bị phá sóng

Những thiết bị phá sóng di động có xuất xứ từ Trung Quốc đang được bán tràn lan trên thị trường tiềm ẩn những hậu quả khôn lường khi chúng được dùng vào mục đích xấu.

Đủ loại để chọn

Theo thông tin trên trang raovatmienphi.com, phóng viên Báo BĐVN đã tìm đến một cửa hàng chuyên kinh doanh thiết bị công nghệ trên "phố máy tính" Lý Nam Đế (Hà Nội). Ngay sau lời đề nghị, chưa đầy 1 phút, cô nhân viên đã nhanh nhảu giới thiệu loại sản phẩm có cái tên "Portable Mobile Signal Jammer" xuất xứ Trung Quốc. Với giá 5,5 triệu đồng, bảo hành 1 năm, đây là thiết bị ngắt sóng di động bỏ túi chỉ nặng 150 g, có thể hoạt động trong dải tần số GSM 869-960 MHz, phạm vi "phá" từ 0,5 - 12 m mà không làm ảnh hưởng đến các loại thiết bị điện tử khác. Nguồn điện hoạt động AC 220 V - DC 5 V, nếu lắp pin thì sử dụng loại 1500 mAh. Phụ kiện đi kèm của thiết bị còn có một sạc pin ô tô.

Cũng theo lời hướng dẫn của nhân viên này, dù Việt Nam chưa có mạng 3G nhưng do xuất xứ từ nước ngoài nên thiết bị cũng đã được tích hợp tính năng ngắt kết nối sóng của mạng 3G (tần số 2100-2170 MHz). Thấy người mua tỏ vẻ nghi ngờ, một cậu nhân viên khẳng định: "Anh yên tâm đi, dùng cái này phá sóng phạm vi nhỏ rất tiện. Bây giờ có nhiều người tìm mua để lắp trong ô tô, lắp trong phòng ngủ cho con nhỏ rất tiện. Cửa hàng em giờ chỉ còn 2 cái, anh không mua luôn, để mai sợ hết hàng!"

Rời phố Lý Nam Đế, phóng viên Báo BĐVN tiếp tục khảo giá theo số điện thoại 090498… đăng trên trang www.muare.vn. Sau 3 hồi chuông, ở đầu dây bên kia một người đàn ông bắt máy. Giữa tiếng ồn ào của đủ loại còi, động cơ ô tô, xe máy, cái giọng chào hàng của anh ta vẫn lọt thỏm, dù "volume" đã chỉnh đến mức "nói như quát": "Của em máy Tàu, hoạt động liên tục 24/24h, "chiến" tốt với tần số GSM 925-960 MHz và mạng CDMA 869-894 MHz, mỗi loại mạng đều có ăng ten riêng có thể tháo rời, bảo hành 6 tháng". Đáng chú ý, dù phạm vi "tác nghiệp" cũng chẳng hề kém cạnh thiết bị có giá 5,5 triệu Portable Mobile Signal Jammer nhưng giá tiền thì rẻ đến mức… giật mình: 2,6 triệu!

Tiện dụng và hữu hiệu, tuy nhiên những sản phẩm kể trên chỉ đáng danh thiết bị "em út", bởi trong số hàng loạt thiết bị phá sóng đang góp mặt tại nhiều cửa hàng điện tử hiện nay còn xuất hiện loại có phạm vi ảnh hưởng lớn gấp 10-20 lần! Một trong số đó là thiết bị phá sóng xuất xứ từ Đài Loan, bảo hành 12 tháng, "oanh tạc" tốt ở tần số 1900-1990 MHz, phạm vi từ 100-200 m. Tuy nhiên, để sở hữu được thiết bị này, người mua phải chi ra khoản tiền chẳng ít: từ 17 triệu cho tới hơn 20 triệu đồng, tuỳ nơi bán. Tại trang web vatgia.com, một số công ty ở Hà Nội và TP.HCM đang chào giá rất khác nhau: Công ty G-max (Hà Nội) bán 17, 34 triệu đồng, công ty Viễn thông G-link (Hà Nội) có giá 17,5 triệu, công ty Tin học Viễn thông Danh Việt (Hà Nội) 18,5 triệu, công ty Thương mại và Dịch vụ Đài Việt (TP.HCM) 21,5 triệu …

Phá sóng cho mục đích xấu?

Lâu nay, thường người ta chỉ biết đến chuyện ở những nơi chiếc ĐTDĐ bị "cấm cửa" như khu quân sự, một số bệnh viện, trạm bán xăng… thiết bị phá sóng được lắp đặt để đảm bảo sự an ninh, an toàn. Thế nhưng chuyện các thiết bị như thế (dù mức độ "phá" không mạnh bằng) đang được bày bán trong các cửa hàng điện tử, trên các trang web mua bán rất dễ dàng cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có nhu cầu, không cần có bất kì sự ràng buộc nào về mục đích sử dụng, thì thực sự vấn đề đang trở thành điều đáng lo ngại.

Chủ đề máy phá sóng di động đang được bàn luận khá ồn ào trên trang www.dientuvietnam.com, nhiều ý kiến nhận định nguy cơ người mua thiết bị xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Israel dùng vào mục đích phá hoại là rất lớn nếu như thiết bị vẫn tiếp tục được bán rộng rãi như hiện nay. Ngoài một số mặt hữu ích là các doanh nghiệp tìm mua để lắp trong phòng họp kín với mục đích không cho thông tin mật lọt ra ngoài hay lắp trên xe hơi, lắp trong phòng ngủ của con trẻ, thì với phạm vi ảnh hưởng chỉ cần 12 m, 50 m (chứ chưa phải 100-200 m), thiết bị phá sóng đã có thể được kích hoạt mang theo mối tư thù cá nhân giữa hàng xóm với hàng xóm hoặc một nhân viên với vị sếp nào đó…

Quy định số 60 /2008/QĐ-TTg nêu rõ không được gây nhiễu băng tần thu của trạm gốc (trừ trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định). Thế nhưng, hiện các thiết bị phá sóng di động đang được bán công khai tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dịch vụ của các mạng di động và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ. Chuyên đề “Thiết bị phá sóng di động lậu tràn lan” của Báo Bưu điện Việt Nam sẽ phản ánh thực trạng thị trường "đen" này, đồng thời ghi lại  ý kiến của các cơ quan chức năng, các mạng di động xung quanh vấn đề gây can nhiễu băng tần.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (2)
Nemo Nguyen  21665

Thiết bị phá sóng tức là tạo ra tín hiệu nhiễu công suất lớn, liên tục trong các băng tần hoạt động của các mạng di động. Như vậy là phạm luật tần số, ai dùng mà ko có giấy phép (thường chỉ cơ quan an ninh là được dùng) thì có thể bắt để phạt.

Ai mà dại... dùng thiết bị này cho "lắp trong ô tô, lắp trong phòng ngủ cho con nhỏ" thì coi như...tiêu thằng nhỏ.

Quang Trung  22192

Chẳng hiểu tự dưng mua cái này làm gì?