LG Optimus G Pro

Chiếc smartphone dùng VXL lõi tứ Snapdragon 600 đầu tiên mà Qualcomm giới thiệu tại CES 2013.
Ngày phát hành: 
18/2/2013
Công ty: 
LG

Giống như HTC hay Samsung, LG cũng theo đuổi xu hướng điện thoại màn hình Full HD từ khá sớm khi trình làng Optimus G Pro đầu năm nay. Nhưng khác với các đối thủ, đích nhằm của G Pro là dòng sản phẩm Phablet, có kích thước lớn với ngoại hình và tính năng thiên về máy tính bảng thu nhỏ hơn là smartphone.

Vì vậy, máy có màn hình rộng tới 5,5 inch và ngoại hình trông lớn hơn các đối thủ Galaxy S4, HTC One hay Xperia Z. Ra mắt từ sớm, nhưng G Pro lại chưa được phát hành rộng rãi trên thị trường. Tại Việt Nam, model Full HD 5,5 inch của LG chủ yếu có mặt dưới hình thức "xách tay" từ Hàn Quốc. So với các đối thủ, G Pro có được mức giá khá cạnh tranh khi hiện giờ chỉ còn hơn 12 đến 13 triệu đồng cho một phiên bản mới tinh.

Thiết kế

Ảnh
Optimus G Pro của LG trông đẹp và bắt mắt hơn Samsung Galaxy Note II.

Nhận xét đầu tiên về LG Optimus G Pro với nhiều người chính là thiết kế quá giống với đồng hương Galaxy Note II từ đối thủ Samsung. Cả hai đều có kiểu dáng trông tròn tròn, mềm mại. Từ phím Home, đường viền cho tới thiết kế kiểu vỏ rời, có thể tháo nắp lưng cho tới việc sử dụng chất liệu nhựa đều khiến Optimus G Pro và Galaxy Note II có những liên tưởng đến nhau về phong cách thiết kế.

Nếu phải đọ nhan sắc thì Optimus G Pro là model có thiết kế đẹp và chau chuốt hơn, dù cảm giác cầm không thoải mái như Galaxy Note II. LG đã làm hai đường viền màn hình trái và phải hẹp hơn nhiều so với Samsung, giảm bớt độ bo tròn ở bốn góc khiến cho G Pro trông thon thả và sang hơn vẻ to béo của Note II. Các chi tiết như mép màn hình, phím Home hay cụm loa thoại, cảm biến ở mặt trước cũng được LG đầu tư kỹ càng hơn Galaxy Note II, trông sắc sảo và tinh tế.

Một chi tiết thiết kế rất thú vị trên G Pro là phím Home khi đèn LED thông báo được bố trí ngay bên dưới phím này. Thay vì nhấp nháy sáng ở phía trên màn hình như nhiều sản phẩm khác, khi có thông báo thì phần viền đèn Home trên điện thoại LG phát sáng với nhiều màu trạng thái sắc khác nhau.

Ảnh
Mặt lưng với các vân chìm hiệu ứng 3D giống như trên Optimus G và Nexus 4, khiến cho máy trông đẹp và bắt mắt hơn.

Thay vì dùng kiểu nguyên khối, LG lại quay về thiết kế vỏ rời trên model cao cấp nhất của mình. Điều này càng khiến cho không ít ý kiến chê bai G Pro là bản sao của Galaxy Note II.

Có thể tháo được nắp lưng nhưng vỏ máy vẫn tỏ ra khá chắc chắn và cứng cáp. Trên một diện tích rộng và với kiểu hơi cong về hai mép nhưng mặt lưng của G Pro khá cứng, không bị ọp ẹp hay lõm khi ấn vào. Có được sự tiện dụng vì có thể dễ dàng thay thế pin, gắn thêm thẻ nhớ nhưng việc sử dụng chất liệu nhựa, vỏ trơn bóng cùng trọng lượng nặng hơn 160 gram khiến cho việc cầm G Pro bằng 1 tay không hề thoải mái, có thể dễ làm rơi máy cũng như khó đưa ngón cái di chuyển khắp các vị trí trên màn hình.

Ở viền phải của máy, LG bố trí phím nguồn và cũng là nút tắt mở màn hình, nhưng không thực sự thuận lợi vì có kích thước nhỏ, hơi chìm và khó thao tác. Cạnh trái là phím tăng giảm âm lượng và ngay phía trên là một phím chức năng, cho phép người dùng có thể gắn nhanh các thao tác hay ứng dụng theo ý thích. Tuy nhiên, cách bố trí phím này cũng không tiện, khiến dễ bị bấm nhầm khi muốn tăng âm lượng.

Ảnh
Không thật thoải mái khi cầm và dùng G Pro bằng 1 tay.

Dù thon và gọn hơn Note II, kích thước màn hình 5,5 inch vẫn khiến cho G Pro không phải là một chiếc điện thoại phù hợp với nhiều người. Máy sẽ khó có thể để gọn vào túi quần cũng như không thoải mái khi dùng bằng 1 tay...

Màn hình

Cũng như Nexus 4 hay Optimus G, LG trang bị cho chiếc smartphone cao cấp G Pro màn hình công nghệ LCD LED IPS nhưng là thế hệ mới, hỗ trợ độ phân giải Full HD. So với màn hình AMOLED, màn hình của G Pro cho khả năng hiển thị rực rỡ không kém, rất bắt mắt nhưng có thể chưa làm hài lòng những người thích sự trung thực về màu sắc.

Ảnh

Màn hình trên Optimus G Pro không thể hiện hình ảnh sâu như trên G nhưng độ mịn lại hơn hẳn so với đàn em nhờ vào độ phân giải Full HD. Với kích thước lên tới 5,5 inch và độ phân giải 1.080p nên mật độ điểm ảnh đạt tới 400 ppi, cho hình ảnh, các icon hay chữ cái đều rất mịn, sắc nét tốt hơn đối thủ Galaxy Note II.

Xét trong số các đối thủ Full HD, màn hình của G Pro chưa đẹp bằng HTC One, Butterfly hay Oppo Find 5, nhưng tỏ ra nhỉnh hơn Sharp SH930W và Sony Xperia Z. Model tới từ LG vẫn cho góc hiển thị hơi hẹp, khi nhìn ngoài trời thì màn hình bị lóa và hơi khó nhìn cần phải điều chỉnh độ sáng lên cao. Tuy vậy, Optimus G Pro vẫn là một trong những smartphone có màn hình tốt nhất hiện nay về cả màu sắc lẫn góc nhìn và độ sắc nét.

Camera

Với Optimus G Pro, LG chứng tỏ họ đang ngày càng đầu tư vào tính năng chụp hình trên các dòng smartphone Android của mình, vốn thường là nơi bị đánh giá kém hơn các sản phẩm của Sony hay HTC. Thay đổi đáng nhắc đến nhất là việc camera trên G Pro có thêm nhiều tính năng, thậm chí hơn "người anh em" Optimus G vừa mới bán ở Việt Nam chưa lâu.

Máy ảnh sử dụng cảm biến 13 megapixel, cho phép chụp và quay video HDR giống như trên Xperia Z, One hay S4. Ngoài chế độ chụp ảnh Panorama (cả khi xoay máy ngang lẫn dọc), người dùng còn có thể chụp toàn cảnh 360 độ dạng hình cầu với chế độ VR Panorama. Để không đuối hơn đối thủ, G Pro cũng sở hữu khả năng chụp hình liên tục với tốc độ lên tới 20 tấm trong khoảng 3 giây (Burst Mode) hay có thể tua ngược lại ảnh để chọn khung hình đẹp Time Machine.

Ảnh
Camera 13 megapixel với nhiều tính năng mở rộng trên Optimus G Pro.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tính năng mà Samsung mới đây hí hửng mang lên trình diễn trên chiếc Galaxy S4 như Dual Camera cũng xuất hiện trước ngay trên Optimus G Pro. Người dùng có thể chụp ảnh hoặc thậm chí quay video bằng cách sử dụng cả camera trước và sau của máy đồng thời. Một khung cửa sổ nhỏ hiển thị hình ảnh từ camera nhỏ sẽ xuất hiện trên màn G Pro, người dùng có thể tùy ý điều chỉnh kích thước hay di chuyển ra các vị trí khác nhau.

Sở hữu nhiều tính năng, nhưng chất lượng ảnh chụp trên camera 13 megapixel của G Pro lại chưa được như mong muốn, thua về độ nét, màu sắc hay ánh sáng nếu so với Xperia Z, S4 hay thậm chí là One X. Một số trường hợp máy vẫn cho ra ảnh mịn, màu sắc đẹp nhưng không ít trường hợp ảnh bị lóa, mờ và tạo cảm giác như có lớp sương phủ trên ống kính.

Model của LG hỗ trợ khả năng quay video Full HD với tốc độ 30 khung hình mỗi giây. Chất lượng video về phần hình và âm thanh chất nhận được, độ sắc nét và màu sắc chưa gây ấn tượng. Nhưng điểm thú vị là tính năng quay phim được hãng Hàn Quốc tích hợp tính năng mở rộng, giúp lồng thêm các hiệu ứng về hình ảnh, màu sắc... thú vị, hài lòng người dùng khi cần sự sáng tạo.

Tính năng khác

Như Sony, Samsung hay HTC, LG cũng trang bị cho smartphone Android giao diện riêng mang tên Optimus UI. Giao diện trên G Pro được bố trí biểu tượng ứng dụng theo kiểu 5 cột, ở cả màn hình chủ lẫn màn hình quản lý ứng dụng nên tạo ra cảm giác không gian làm việc và sử dụng rộng rãi hơn. Nhưng ngược lại khiến người dùng nhiều khi hoa mắt khi tìm kiếm ứng dụng nào đó.

Ảnh
Giao diện Optimus UI bắt mắt...

Nếu là người thích sống động, luôn cần sự mới mẻ, giao diện Optimus UI sẽ rất thú vị. Có tới 5 Theme được LG cài sẵn trên Optimus G Pro và mỗi lựa chọn lại có hiệu ứng ứng khi lật trang, bộ icon khác hẳn nhau, khiến cho chiếc điện thoại trông mới mẻ hoàn toàn sau mỗi lần thay đổi. Tuy nhiên, nếu nhận xét kỹ càng thì giao diện Optimus tỏ ra chưa thật hiệu quả, hơi màu mè, tốc độ phản hồi đôi lúc còn bị trễ và mất thời gian.

Ảnh
Ứng dụng ghi chú nhanh Q-Memo trên G Pro.

Ưu điểm trên giao diện Optimus UI của LG là việc bố trí các tiện ích cài đặt nhanh và đầy đủ trên thanh thông báo, rất tiện khi sử dụng. Thậm chí, như với ứng dụng điều khiển Q Remote thì chỉ cần trượt thanh thông báo là người dùng có thể dễ dàng sử dụng, không cần phải truy cập vào ứng dụng hay tìm kiếm Widget trên màn hình chủ. Bên cạnh đó, Samsung cũng tích cực tích hợp tính năng đa nhiệm Mini App cho nhiều ứng dụng như trình duyệt, xem video... cho phép tạo không gian làm việc rộng hơn cho người dùng, giúp chuyển linh hoạt giữa các tác vụ mà không mất thời gian.

Ảnh
Thanh Notificaion tích hợp nhiều tiện ích và cài đặt.

Optimus G Pro cũng là đối thủ đáng gờm của Note II nếu xét về tính năng. Không có bút cảm ứng tích hợp, nhưng màn hình của máy vẫn có độ nhạy cao, hỗ trợ một số loại bút cảm ứng thông thường. Tiện ích ghi chú nhanh giống như Quick Memo của Note II cũng được LG mang lên G Pro. Thậm chí, tính năng nhận diện khuân mặt và mắt để tự động tắt video, hay điều khiển từ xa bằng mắt hồng ngoại... như S4 cũng đã được LG mang lên sản phẩm của mình từ trước.

Rất nhiều tính năng mới được hãng Hàn Quốc bổ sung cho chiếc smartphone Optimus cao cấp nhất năm nay và là ưu điểm lớn của G Pro.

Hiệu năng và thời lượng pin

Xét về cấu hình, G Pro là chiếc smartphone Android có cấu hình đầu bảng hiện nay, sở hữu chip 4 nhân Snapdragon 600 tốc độ 1,7 GHz (Qualcomm APQ8064T) với RAM 2 GB, đồ họa Adreno 320.

Ảnh
Điểm benchmark cao của LG Optimus G Pro.

Tuy nhiên, giao diện lại tạo ra cảm giác Optimus G Pro chạy chưa thật mượt như một số model lõi tứ cấu hình tương đương. Ở một số ứng dụng có sẵn, đôi lúc máy tỏ ra không nhanh và nhạy khi vuốt tay hoặc thao tác cuộn trang. Dù vậy, điều này thực tế không gây ra nhiều ảnh hưởng và Optimus G vẫn là một chiếc smartphone có hiệu năng sử dụng thuộc hàng tốt nhất trên thị trưòng.

Optimus G Pro được trang bị pin Li-Po dung lượng tới 3.140 mAh. Bật Wi-Fi và 3G liên tục và hoạt động khá nhiều, push mail liên tục, đăng nhập các tài khoản mạng xã hội, Optimus G Pro cho thời sử dụng trong vòng 1 ngày sử dụng khoảng 10 tiếng (từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối) với khoảng 90% lượng pin tiêu thụ. Nếu như chỉ mở 3G, cũng với mức sử dụng tương tự thời lượng pin kéo dài thêm được khoảng 2 giờ. Dùng ở cả chế độ Wi-Fi hay 3G, máy đều khá nhanh nóng ở phần màn hình và nắp lưng phía sau.

Trong đánh giá về pin của GSM Arena, Optimus G Pro cho thời gian sử dụng liên tục khoảng 50 giờ, với thời gian duyệt web liên tục 6 giờ 40 phút và xem video 8 giờ 40 phút. Smartphone Full HD 5,5 inch của LG không gây nhiều ấn tượng về thời gian sử dụng pin, và thời gian hoạt động của máy ở mức chấp nhận được với 1 ngày sử dụng thông thường.

Chưa thật ấn tượng và nổi bật như HTC One, Samsung Galaxy S4 hay Sony Xperia Z, nhưng với mức giá trên thị trường còn khoảng 12 đến 13 triệu đồng, LG Optimus G Pro là một lựa chọn thú vị với người chơi Android. Nhưng người dùng cũng cần cân nhắc, việc kích thước màn hình lên tới 5,5 inch khiến cho chiếc smartphone này to ra ngoại cỡ và không phù hợp khi nhét túi quần, hay với người thường xuyên phải di chuyển bằng xe máy trên đường.

Theo Số hóa

Nhận xét chung
Ưu điểm: 
  • Màn hình Full HD 5,5 inch hiển thị đẹp
  • Cấu hình mạnh
  • Nhiều tính năng
  • Có thể thay thế pin, có khe cắm thẻ nhớ
Khuyết điểm: 
  • Thời lượng pin chưa tốt
  • Camera 13 megapixel chất lượng trung bình
  • Kích thước máy lớn, khó sử dụng bằng 1 tay
Tổng quan: 
Là smartphone màn hình Full HD đầu tiên của LG, nhưng tính năng, thiết kế biến Optimus G Pro là đối thủ trực tiếp của Note II chứ không phải là S4 hay Xperia Z.

Bình luận

  • TTCN (0)