Trong năm vừa qua, đường dây hỗ trợ, tư vấn miễn phí cho trẻ em và trẻ vị thành niên ChildLine đã nhận được 35.244 cuộc gọi từ trẻ em. Chúng cần tư vấn cách đạt được hạnh phúc trong cuộc sống.

Trong vài năm gần đây, nhiều vấn đề mới đã xuất hiện dưới các hình thức như bắt nạt qua mạng và mong muốn học theo các ngôi sao nổi tiếng, cũng như tìm mọi cách để hình ảnh bản thân trở nên hoàn hảo trên mạng xã hội, phát ngôn viên của ChildLine cho biết.

"Bên cạnh những nỗi buồn thường nhật, trẻ em hiện tại còn phải chịu áp lực như làm sao để theo kịp bạn bè và có cuộc sống hoàn hảo trên Internet", Mairead Monds, quản lí dịch vụ ChildLine ở Bắc Ireland cho biết.

ChildLine cho rằng những áp lực của cuộc sống hiện đại đã tạo ra một thế hệ trẻ em có sức khỏe tâm thần ở mức thấp.

Trong lịch sử 30 năm của ChildLine, vấn đề bất hạnh nói chung của trẻ em là hiện tượng mới xuất hiện gần đây. Trước đây, tự tra tấn bản thân và rối loạn ăn uống là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ em liên hệ với đường dây hỗ trợ. Hiện tại, các vấn đề kĩ thuật số là lí do chủ yếu.

Khi cuộc sống kĩ thuật số của chúng ta trở nên lấn át cá tính của chúng ta, thế hệ trẻ sẽ dễ bị tổn thương và gặp nguy hiểm hơn. Bắt nạt trực tuyến theo đuổi trẻ em từng giây. Tình bạn ảo dễ dàng đạt được bằng những cái Like hoặc Follow trên mạng khiến cuộc sống của trẻ ngày sáo rỗng và trẻ luôn phải gồng mình để duy trì sự hoàn hảo trên mạng xã hội để tránh bị chế giễu.

Từ nhiều năm qua, chúng ta cũng phát hiện ra rằng người lớn khó tìm thấy hạnh phúc hơn trên Internet. Năm 1998, Robert Kraut, một nhà nghiên cứu tại Đại học Carnegie Mellon, phát hiện ra rằng ngày càng có nhiều người sử dụng Web cảm thấy cô đơn và chán nản.

Thực tế, sau khi mọi người sử dụng mạng xã hội và Internet một hoặc hai năm, cảm giác về hạnh phúc và gắn kết xã hội của họ bị giảm xuống do thường xuyên truy cập Internet thay vì gặp gỡ, tham gia các hoạt động thực tế.

Trong năm 2010, một phân tích của bốn mươi nghiên cứu về chủ đề này kết luận sử dụng mạng xã hội gây ra ảnh hưởng đáng kể về cách chúng ta định nghĩa hạnh phúc nói chung. Thậm chí, một thử nghiệm khác còn kết luận sử dụng Facebook có thể làm gia tăng cảm giác ghen tị.

Các trang web mạng xã hội đang bị coi là nguyên nhân chính khiến chúng ta cảm thấy buồn bã. Mức độ gắn bó với các trang mạng xã hội của chúng ta như dòng dầu đổ vào ngọn lửa đang cháy âm ỉ. Trong năm 2015, có tới 20 trang mạng xã hội lớn được thiết kế để người dùng chia sẻ nội dung với nhau.

Sâu bên trong các trang mạng xã hội có một hiện tượng tâm lí - xã hội có tên so sánh xã hội. Trong đó, chúng ta xác định giá trị xã hội và cá nhân của chúng ta dựa trên cách chúng ta cạnh tranh với người khác. Do vậy, chúng ta ước tính mức hấp dẫn, thông minh hoặc thành công mà chúng ta đang có bằng những ý tưởng tương đối của chúng ta về bản thân sau đó yêu cầu người khác đồng thuận hoặc phản đối ước tính đó qua mạng xã hội.

Các nhà tâm lí học như Leon Festinger tin rằng chúng ta ngày càng khao khát so sánh bản thân với những người khác trên mạng xã hội. Đó là điều chúng ta cảm thấy hàng ngày khi truy cập Facebook hoặc Instagram.

Tuy nhiên, sự khác biệt là hầu hết người trưởng thành đều đã trải qua thời điểm Internet chưa phát triển. Chúng ta từng có những mối quan hệ bạn bè, gia đình thực sự và chúng ta biết giá trị của những mối quan hệ đó không thể đong đếm bằng những cái Like hay Follow trên mạng xã hội.

Chúng ta có thể dễ dàng thoát khỏi những cạm bẫy, lừa đảo hoặc lạm dụng trên Internet nhưng trẻ em thì khác. Chúng lớn lên trong thời đại Internet và gắn bó từ bé với chiếc smartphone. Nếu chúng ta không tư vấn, giám sát cách sử dụng Internet của trẻ thì chúng rất dễ rơi vào những cạm bẫy hoặc tình trạng rối loạn cảm xúc.

Những người trưởng thành đủ tỉnh táo để biết mình là ai và chẳng ngại việc xấu hơn người khác trên mạng xã hôi. Tuy nhiên, trẻ em không có khả năng đó. Chúng đang loay hoay trong hành trình khám phá "Tôi là ai". Hành trình này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết trong thời đại kĩ thuật số khi mà trẻ không ngừng so sánh bản thân với những người khác trên mạng xã hội. Trẻ em đang phải gồng mình đối phó với những áp lực mà chúng phải đối mặt.

Tháng 10 năm ngoái, thiếu nữa Úc Essena O'Neill đã từ bỏ tài khoản Instagram với 612.000 người theo dõi của cô. Cô cho rằng tất cả mọi thứ cô đăng tải trên Instagram từ trước tới nay chỉ là "sự hoàn hảo giả tạo để gây sự chú ý".

Mùa hè năm ngoái, rộ lên một phong trào khoe chân dung thật trên Instagram. Bên cạnh tài khoản Instagram thật với những hình ảnh hoàn hảo đã qua chỉnh sửa hoặc làm dáng kĩ càng, các cô gái, chàng trai trẻ còn tạo thêm một tài khoản Instagram giả để đăng tải ảnh thật không chỉnh sửa hoặc ảnh cuộc sống thật hàng ngày của họ.

Áp lực từ cuộc sống ảo trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết khi đầu năm ngoái, Madison Holleran, sinh viên năm cuối Đại học Pennsylvania nhảy lầu tự tử do không chịu được áp lực, sự chán nản. Trên tài khoản Instagram của cô đầy rẫy những bức ảnh trẻ trung, tràn đầy sức sống nhưng đằng sau đó là một cô gái cực kì cô đơn.

Thế hệ trẻ đang cần sự giúp đỡ của chúng ta hơn bao giờ hết.

Theo Trí Thức Trẻ.




Bình luận

  • TTCN (0)