Vừa trúng cử trong đợt bầu Quốc hội vừa qua, nhưng Dương Trung Quốc không phải là gương mặt mới trên nghị trường. Nhiệm kỳ này là chuỗi ngày tiếp theo trong chặng đường làm đại biểu Quốc hội. Nhưng thời đại mới đòi hỏi những cách tiếp cận với nhân dân kiểu mới. Sẽ chẳng còn lâu nữa, Quốc hội Việt Nam sẽ có vị đại biểu đầu tiên trò chuyện với nhân dân hàng ngày trên... blog.

Tầm sư học... làm blog

Thứ Bảy, ngày 19/5/2007. Chỉ trước bầu cử Quốc hội 1 ngày. Trời Hà Nội mưa sụt sùi, không gian ẩm ướt và chuyển lạnh như một ngày cuối thu. Quần soóc, áo phông, ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội khoá XI và cũng là ứng cử viên khoá XII, lặn lội đi học.

Nhưng ông không học sử, vì ông là giáo sư sử học. Ông cũng không học luật, vì ông là một trong số những nhà lập pháp đã quen mặt ở Việt Nam. Cái ông muốn học là… lịch sử blog và những vấn đề thời sự quanh lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ so với tuổi 60 này.

Tại sao ông muốn làm blog?

Blog quá quen thuộc với giới trẻ. Và có nhiều vấn đề xã hội đã đặt ra như vai trò của {link type=ttvt}blogger{/link} (khái niệm để chỉ những người làm blog). Blog cho thấy tính xã hội hóa cao song hành với tính dân chủ. Tính dân chủ là khả năng của con người có thể bộc lộ suy nghĩ của mình, chia sẻ suy nghĩ của mình với cộng đồng.

Thực chất, dân chủ là quá trình lobby những ý tưởng, quan điểm, nhận thức, đánh giá để tạo ra chia sẻ trong cộng đồng. Có thể đó là một sự tranh luận để cuối cùng đi tới một sự độc lập tối đa. Đó chính là dân chủ.

Quốc hội là nơi để lobby lẫn nhau, để chia sẻ kiến thức, chia sẻ quan điểm, chia sẻ lợi ích để cuối cùng có tiếng nói chung trong một quyết định, ví dụ như quyết định về việc đánh giá kỹ năng giám sát, quyết định về những vấn đề quan trọng.

Nếu Quốc hội là một nhóm đại diện thì blog cũng là một diễn đàn, mà rộng hơn tính đại diện tức là tầm cá nhân có thể chia sẻ. Nhìn nhận như vậy, blog là một công cụ phục vụ cho tương lai.

Vậy ông nghĩ rằng sự khác biệt mà blog có thể tạo ra là gì?

Một biểu quyết của Quốc hội hay một cuộc trưng cầu dân ý là để lấy ý kiến của số đông. Nhưng bây giờ chất lượng của tự do mạnh đến mức người ta bảo vệ những lợi ích riêng lẻ. Đương nhiên phải có một tiêu chí chung gọi là sự chính đáng hay không chính đáng. Thế nên những cộng đồng nhỏ nhỏ phải được quan tâm hay được bảo vệ lợi ích.

Đã qua thời kỳ lấy số lượng thay cho chất lượng và tính đa dạng. Đương nhiên cuối cùng cũng cần có một tiêu chí đánh giá chung là sự tiến bộ xã hội. Chính blog đã vượt ra khỏi cái đó.

Chính khách - khái niệm không còn giới hạn

Vừa mới đây, tờ World Business đã lựa chọn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là 1 trong 20 nhà cải cách hàng đầu châu Á. Trong số 20 nhân vật này, thật bất ngờ, có cả blogger. Như vậy, rõ ràng là ngoài các nhà lãnh đạo chính trị, lãnh đạo kinh tế, người ta đã bắt đầu đánh giá blogger không còn là những người âm thầm lặng lẽ trong cộng đồng. Đó là những người có tư tưởng cải cách.

Các nhà lãnh đạo chính trị lớn lâu nay đều được tuyển chọn qua một bộ lọc. Bộ lọc đó là một thiết chế mang tính chính trị: bầu cử, tuyển chọn của một nhóm hay một cộng đồng.

Nhưng blogger là một sự tuyển chọn ngẫu nhiên. Anh đưa lên mạng thì người ta sẽ bỏ phiếu cho anh bằng cách họ đọc bài của anh, họ chia sẻ với anh. Đưa ra tiêu chí ấy dẫn đến một sự chính xác hơn cả, nhất là trên vấn đề nhân bản.

Điều đó cũng có nghĩa những chính trị gia làm blog phải chấp nhận thử thách. Họ sẽ phải đối diện trực tiếp với công luận, thậm chí là những ý kiến không hay về chính mình. Ông có e ngại hay không, nhất là khi ông là người của công chúng? Vì ông đã qua một bộ lọc chính trị, giờ lại tiếp xúc với một bộ lọc kiểu khác.

Tôi chưa bao giờ nghĩ con người có thể thoát khỏi chính trị. Nếu ai đó nói họ không can dự chính trị nghĩa là người đó nói dối. Con người có chính trị. Chính trị là một quan điểm được đặt ra trước cộng đồng.

Nếu nói tôi là một chính khách chuyên nghiệp, chắc chắn không phải. Còn khái niệm người của cộng đồng cũng chỉ là một khái niệm tương đối.

Tại sao lại không phải? Một đại biểu Quốc hội cũng là một chính khách, như những ông nghị trên nghị trường phương Tây?

Tôi không né tránh, mình là người làm chính trị nhưng mình không phải là một chính khách theo đúng nghĩa. Ngay trong sự lựa chọn của tôi là sự lựa chọn hết sức tự nhiên, nên tôi nghĩ về căn bản nó không khác sự lựa chọn của chính khách. Vì tôi không đại diện cho một ai khác. Tôi đại diện cho chính bản thân.

Có người hỏi tôi, tôi có muốn trở thành người đối lập không? Tôi trả lời: tôi không đối lập với ai cả nhưng tôi là một người độc lập. Và sự độc lập ấy chính là để mọi người đánh giá và lựa chọn. Lý do như thế rất thích hợp với vai trò trong Quốc hội. Nếu đã có thể đứng ra trước Quốc hội thì đứng ra trước một blog công chúng rộng hơn chẳng có gì khác nhau.

Trúng cử Quốc hội, lại lập blog. Như vậy, ông vừa trở thành đại biểu của nhân dân trên thực tế, lại vừa trở thành đại biểu của cộng đồng trên mạng?

Tôi không nghĩ ở trên mạng mình trở thành đại biểu của ai cả. Tôi chỉ muốn chia sẻ với mọi người.

Ở Việt Nam, một nghệ sĩ có blog là chuyện bình thường. Nhưng với công chúng, không có nhiều chính khách có ý tưởng như thế này cả.

Có thể tôi chưa hiểu hết về blog, về đặc trưng của nó, về kỹ năng sử dụng nó. Nhưng điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ đó chính là những điều tôi đã viết ra. Hiện nay tôi chỉ mới chia sẻ trên những kênh rất cụ thể như báo hình, báo mạng, báo viết. Nhưng tôi muốn để mọi người chia sẻ, trước nhất là những người gặp khó khăn khi tiếp xúc với mình.

Ảnh
Bắt đầu vào việc...

Và ông bắt đầu ngồi học, từ cách tạo hình nền, tạo ảnh đại diện cho tới việc xem và quản lý những lời bình luận. Nhưng cái ông cần không phải là thao tác kỹ thuật. Những câu chuyện như chính khách gặp "tai nạn" vì lập blog, sức ép của dư luận, blog bị tấn công, những khả năng nhạy cảm... là cái mà ông muốn được biết. Biết để chuẩn bị cho mình tâm thế khi ra mắt, đối thoại với công luận trên một phương diện khác.

Làm blog không chỉ cho giới trẻ

Ông đã xác định nội dung blog của mình?

Trước hết, tôi sẽ tải lên blog những bài của mình một cách có hệ thống. Đối với tôi, blog là một cách để lưu trữ thông tin, lưu trữ qua được thử thách của người đọc. Vì đời sống của một tờ báo, một bản tin rất ngắn. Tôi nghĩ có rất nhiều suy nghĩ của mình có thể đưa lên blog để mọi người cùng chia sẻ, đặc biệt là giới trẻ.

Tôi muốn thử xem lớp trẻ có thể tiếp cận với những điều mình suy nghĩ về lịch sử hay không? Vì giới trẻ là những người sử dụng blog nhiều nhất. Trong khi đó lớp trí thức như tôi, người ta vẫn cho là người già.

Vậy còn những câu chuyện về hậu trường Quốc hội, ông có ý định đăng tải trên blog?

Tôi có những mảng ghi chép, tôi đã công bố rồi. Nhưng tôi chưa nghĩ tôi sẽ ghi chép những thứ đó, hay đưa tất cả lên mạng. Phải từ từ, phải tiến hành từng bước.

Ông dám chấp nhận những ý kiến tiêu cực về mình?

Chuyện ấy rất bình thường. Đương nhiên tôi mong muốn nhận được sự phản hồi có văn hóa. Còn những phản hồi nào không văn hóa thì mình coi như không cần thiết.

Đợt APEC vừa rồi, có một số chuyện hậu trường được đăng tải trên các blog, rồi các báo lại sử dụng lại. Đôi khi đây chỉ là góc nhìn một chiều, nhưng rõ ràng đó là một không gian dân chủ kiểu mới.

Một số nước hướng tới dân chủ trực tiếp thông qua hình thức trưng cầu dân ý. Hình thức này tích cực nhất, nhưng bao giờ nó cũng có thuộc tính là bảo thủ. Ví dụ, Thụy Sĩ là nước đặt rất cao hoạt động dân chủ trực tiếp, chuyện gì họ cũng hướng tới ý kiến cả nước. Vì họ là quốc gia nhỏ, trình độ dân trí tương đối đồng đều, điều kiện sống và khả năng sử dụng công nghệ cao.

Người ta có nhận xét là, thường dân chủ tối đa bao giờ cũng có những bước đi chậm hơn, thường ít tính đột biến. Riêng việc lấy ý kiến của người dân về việc cho phụ nữ nghỉ đẻ chậm hơn rất nhiều, nhưng lại rất bảo đảm.

Tôi nghĩ, blog trông rất hỗn loạn, nhưng sự hỗn loạn ấy lại đảm bảo cho một sự bền vững vì họ chia sẻ hết ý kiến. Và họ có điều kiện để lobby nhau thực sự. Và lúc đó, mỗi con người sẽ đánh thức mảng tích cực của nó khi họ được tham gia, khi họ được lựa chọn.

Chính vì thế blog là một nhân tố tích cực. Mới bắt đầu có thể hỗn loạn, nhưng thực ra nó phản ánh sự bền vững bên trong.

Blog giống như một cách trưng cầu ý dân, nhưng tính cộng đồng của blog không được toàn diện.

Anh phải hướng tới dân, thu hút dân. Tại sao bây giờ giới trẻ bắt đầu thích tìm thấy một lợi ích vào đó, đáp ứng một yêu cầu nào đó. Người trẻ nào cũng phải già, cô không thể trẻ mãi được. Đã có hiện tượng đến lứa tuổi đó, người ta bỏ blog chưa? Thì ta thấy chưa có.

Không phải là bỏ blog mà thay đổi tính chất của blog.

Có blog của giới trẻ, có blog của người già, nó cũng giống như mọi vấn đề của đời sống thôi.

Và blog của ông đã bắt đầu thành hình. Ông không đặt cho blog của mình cái tên Dương Trung Quốc, mà đặt là Quốc Xưa Nay. Tham gia vào thế giới mạng, ông tự chọn cho mình cái tên "rất mạng" như thế. Những chuyện thật thật ảo ảo, những cuộc tranh luận có thể kéo dài triền miên... trở thành một blogger, ông cũng sẽ phải mất thêm thời gian cho một cộng đồng mới kiểu như thế.

Blog - Thêm một môi trường rèn luyện bản lĩnh

Ai cũng có thể mở blog, nhưng một chính trị gia mở blog lại có ý nghĩa khác. Nếu blog của họ có những điểm tích cực, họ có thể dùng nó để xây dựng hình ảnh, vận động tranh cử, truyền thông điệp tới người dân theo cách gần gũi hơn so với những bài phát biểu trước Quốc hội.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm rất bất cập. Ở vị trí một chính trị gia, lời ăn tiếng nói của họ rất được quan tâm. Một khi lập blog là họ trở thành blogger. Có người cho rằng tôi là 1 blogger, tôi muốn nói gì cũng được, đây là thế giới riêng của tôi. Nhưng tên tuổi của họ lại mâu thuẫn với điều đó.

Ví dụ như Ngoại trưởng Thụy Điển. Ông luôn nói trước công luận theo tính chất ngoại giao. Nhưng khi lên blog, ông ấy lại thể hiện 1 quan điểm khác hẳn so với tư cách của một ngoại trưởng. Khi được phỏng vấn, ông lý giải rằng, ở đây tôi nói với tư cách của 1 blogger chứ không phải tư cách của một ngoại trưởng. Điều này thực ra mâu thuẫn với nhau.

Tôi nghĩ sự mâu thuẫn ở đây mang tính chất tương đối. Vấn đề là nhận thức của người dân về việc làm blog. Họ chưa nhận thấy điều này. Rồi dần dần nhận thức của họ cũng sẽ thay đổi. Con người có 2 chức năng, có những cái thống nhất với nhau, có những cái thuộc về nghề nghiệp thì phải phân biệt được. Nếu không phân biệt được là do lỗi của người đọc, không phải lỗi tại người viết blog.

Nhưng chắc chắn người làm blog cũng có lỗi vì họ đã tự mình lẫn lộn hai vai trò đó với nhau.

Anh phải biết ranh giới, đây là blog, còn kia là công việc. Đương nhiên để thể hiện một sự thống nhất giữa hai vai đó là rất khó, nhưng điều đó đòi hỏi blogger phải có người đọc có thể chia sẻ. Nó giống như cuộc đời riêng tư, với vợ chồng chẳng hạn, đằng sau cuộc sống vợ chồng là gì? Có nói ra được không?

Nhưng thế giới blog rất hỗn loạn. Thêm vào đó là tính nặc danh của môi trường internet. Đôi khi nhờ một cái nick ảo, người ta có thể bình luận thoải mái những gì mình thích, kể cả văng bậy...

Ảnh
Làm blog, anh phải biết ranh giới.

Không, đó chính là môi trường để mình rèn luyện những phẩm chất cần có, có được một bản lĩnh để chấp nhận. Đối với một chính khách, theo tôi, điều đó rất quan trọng.

Nhưng không ai nắm tay được từ sáng đến tối. Đến một lúc nào đó, có khi chỉ do một sai lầm nho nhỏ khi phát ngôn trên blog mà các chính khách lại có thể phá hỏng sự nghiệp. Lúc đó họ lại hối hận, giá như mình không làm blog...

Sẽ có người như thế. Bản thân mình rơi vào hoàn cảnh như thế mình mới biết được.

Vậy ông có dám dấn thân vào việc làm blog hay không?

Thực ra tôi cũng chưa hiểu hết. Mục tiêu của tôi là chia sẻ, đầu tiên là với những người họ quan tâm đến mình và mình cũng muốn chia sẻ với họ. Tức là có một giới hạn. Sau đó, giới hạn sẽ mở rộng dần dần. Một là mình đã tốt hay chưa, đã có nhiều người muốn chia sẻ với mình hay chưa? Chứ tôi chưa có ý định dùng blog làm một diễn đàn quá rộng với mọi người.

Nếu quả thực trong quá trình làm, mình cảm thấy mức độ nào mình đủ bản lĩnh và mình đủ lòng tin thì mình sẽ mở rộng ra và cũng thăm dò xem nhu cầu như thế nào. Trước hết, tôi chỉ muốn có một chỗ để đưa tất cả những gì mình viết vào để chia sẻ, để giới trẻ có thể bình luận, bình phẩm.

Phần lớn các vấn đề của tôi, nói học thuật thì hơi sâu, nhưng đó là vấn đề nhận thức xã hội. Tự dưng mình nói quan hệ Việt Nam và Mỹ mang tính chiến lược thì họ nói: đấy, anh là thằng cơ hội, ôm chân Mỹ.

Khi làm blog, ông sẽ có 1 cái lợi, 1 ưu thế rất lớn là thương hiệu.

Có thể thương hiệu sẽ tự nhiên đến. Nhưng thực sự tôi không có mục đích đánh bóng thương hiệu.

Không, ý tôi là khi ông làm blog thì blog của ông sẽ được quan tâm. Vì người làm là ông Dương Trung Quốc - người có tiếng nói trong công chúng.

Giống như trường hợp của Joe đúng không?

Không, Joe nổi tiếng vì anh chàng này là người nước ngoài nhưng lại nói tiếng Việt rất hay. Ở trường hợp này, không phải thương hiệu tạo nên blog mà blog tạo nên thương hiệu.

Có lẽ tôi nên làm blog cho một mình tôi xem trước.

Thử thách đầu tiên - đối mặt với danh hiệu "chơi trội"?

Ở Việt Nam, có lẽ ông là đại biểu Quốc hội đầu tiên công khai chuyện mình làm blog. Nhưng có một tâm lý là anh nào làm đầu tiên sẽ bị coi là “chơi trội”. Ông có sợ tâm lý ấy không?

Tôi biết là có tâm lý ấy nhưng tôi không sợ. Có gì mà mình phải sợ.

Ông cũng là người đầu tiên trong Quốc hội dùng máy tính xách tay?

Thực ra tôi không phải là người đầu tiên. Người đầu tiên mang máy tính xách tay đến Quốc hội là ông Lân Dũng và cũng có thể một vài người khác. Nhưng các vị cứ thập thà thập thò. Tôi là người đầu tiên dám đặt lên bàn rồi đánh bình thường, có gì mà phải sợ.

Thập thò nghĩa là sao?

Thì đánh giấu, không cho mọi người xem, ngại ngại vì cho rằng như thế là vi phạm luật. Như thế chẳng có gì là vi phạm cả.

Thời điểm đó là năm nào?

Vài năm nay rồi. Hai năm đầu tôi chưa dùng, nhưng năm thứ hai thì dường như đó là năm mình làm được nhiều việc nhất.

Vậy đến bây giờ có bao nhiêu đại biểu sử dụng máy xách tay?

Chưa có thêm ai hết. Ông Dũng thỉnh thoảng tranh thủ làm. Còn tôi lúc nào đến cũng đặt máy lên bàn, làm công khai. Hoặc là họ e ngại nên chưa có nhiều người làm vậy.

Đối với các blogger trẻ tuổi không tham gia vào công việc chính trị thì chuyện làm blog có thể rất thoải mái. Nhưng ông lại khác, ông còn vai đại biểu Quốc hội.

Mình có thể thay đổi cách nói để thuyết phục và để an toàn. Thí dụ như có thời kỳ, trên VietNamNet có mở ra tranh luận về chuyện tham nhũng. Có nhiều người phản ứng rất gay gắt, họ dùng lý lẽ của họ để đả kích.

Lý lẽ của họ là gì?

"Ông đừng nghĩ vớ vẩn. Ông hãy tập trung làm Quốc hội đi."

Ông trả lời họ ra sao?

Làm sao trả lời được hết. Nhưng số đông là ủng hộ. Nói trước là tôi sẽ không trả lời. Nhưng tôi ghi nhận tất cả ý kiến của họ. Trừ trường hợp nào tôi thấy cần thiết trao đổi.

Thế bây giờ làm blog, ông có sợ người ta lại bảo, ông tập trung làm việc của Quốc hội đi?

Đó là chuyện bình thường.

Chuyện bình thường có thể sẽ không bình thường, khi một ngày rất gần đây, blog Quốc Xưa Nay sẽ ra mắt công chúng. Những lời cảnh báo về độ rủi ro ro khi tham gia vào thế giới ảo, những sự cố kỹ thuật, những lời bình luận không mong muốn... liệu có làm cản trở quyết tâm mở blog của ông? Một chút e ngại, nhưng blogger Quốc Xưa Nay lắc đầu. Làm đại biểu của dân thì không phải thấy khó mà e ngại. Nhưng cái mà người dân mong muốn là những quyết tâm không ngại đó phải được thực thi, trước hết trên nghị trường.

Khi báo chí đưa tin về các chính khách nước ngoài lập blog, tiếp dân trên mạng..., hàng nghìn độc giả Việt Nam cũng ồn ào "làm ơn cho tôi biết địa chỉ email của vị lãnh đạo này, xin giúp cho tôi biết website cá nhân của vị lãnh đạo kia...". Họ muốn tự giao lưu với những chính khách của mình, chứ không phải qua bất kỳ kênh truyền thông nào khác.

Nhưng dẫu có muốn đến mấy thì những mong mỏi chính đáng đó cũng rất khó được trả đáp. Bởi đã công khai địa chỉ email thì phải nhận thư. Đã nhận thư thì phải trả lời. Mà đã trả lời thì còn đâu thời gian cho công việc thực tại? Vì lẽ đó, không ít nhà lãnh đạo rất... ngập ngừng trước những lời đề nghị công bố email. Có lẽ chăng, làm tốt sứ mệnh mà nhân dân trao cho mình đã là một cách giao lưu hiệu quả nhất. Còn khi đã dám thử thách công dân mạng, có nghĩa là họ sẽ phải dám thử thách với cả chính mình, đặt sứ mệnh của mình ra trước "hai lần" công dân.

(theo lanhdao)




Bình luận

  • TTCN (2)
Nguyên Minh Đức

có ai có địa chỉ blog của bác Dương Trung Quốc không?tôi tìm mãi mà chẳng thấy!Ai có thì làm ơn cho tôi link nha!Xin cảm ơn!! Địa chỉ của tôi là [email protected]

Hải Nam  30903

Bạn xem thử http://bit.ly/bNqFE4 Nhưng hình như gần đây bác DTQ lại ngưng viết rồi.