Bảng 1

9-10/5/2007, Hà Nội, Hội nghị quốc tế về Thông tin di động tại Việt Nam lần thứ 4 (The 4th Mobile Vietnam 2007) với chủ đề ''Tăng cường phạm vi và tính tiện ích của các dịch vụ di động tại Việt Nam và hơn thế nữa'' đã được Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT Group) và Công ty ITM Asia (Singapore) phối hợp cùng tổ chức với sự bảo trợ chính của Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) Việt Nam.

Hội nghị đã thu hút 300 đại biểu trong và ngoài nước tham dự, trong đó có nhiều nhà quản lý, chuyên gia phân tích, nhà khai thác và cung cấp thiết bị, dịch vụ trong và ngoài nước. Tại hội nghị 2 ngày này đã có trên 20 tham luận của các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước, tập trung vào các vấn đề về ngành di động. Bài viết này xin tóm lược một số điểm nổi bật được tập trung trình bày đã thu hút được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng di động.

Thị trường di động Việt Nam phát triển sôi động và tiềm năng

Trong bài phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Bộ BCVT Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong những năm qua, thị trường thông tin di động Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng 60-70%/năm và được coi là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài những hãng Ericsson, Motorola, Siemens, Nokia.. những hãng mới đến Việt Nam như Telenor (Na Uy), NTT DoCoMo (Nhật Bản), Vodaphone (Anh), Lucent Technologies (Mỹ)... cũng tham gia hợp tác đã thể hiện sự quan tâm lớn vào thị trường này. Tính đến tháng 4/2007 Việt Nam đã có xấp xỉ 24 triệu thuê bao di động trên cả nước đạt xấp xỉ 24 triệu, tức là cứ 100 người dân Việt Nam thì đã có gần 40 người có điện thoại, trong đó trên 28 người sử dụng điện thoại di động.

Bà Elizabete Fong, đại diện của HT Mobile cho biết dân số Việt Nam thuộc loại trẻ trên thế giới. Đây chính là nguồn khách hàng lớn và tiềm năng của các nhà cung cấp dịch vụ di động. Theo công ty tư vấn DETECON thị trường di động Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Bảng 1 trình bày một số dự báo về thị trường này của công ty này.


Hướng tới 3G và WiMAX

Các khía cạnh về 3G và WiMAX được nhiều diễn giả trình bày tại Hội nghị lần này do những ưu điểm của công nghệ di động thế hệ tiếp theo. Những ưu điểm của các công nghệ mới này có thể đáp ứng nhiều yêu cầu mới của khách hàng như tốc độ cao, di động băng rộng. Nhà khai thác mới nhất trên thị trường thông tin di động Việt Nam là HT Mobile cho biết họ đang phát triển hướng tới 3G WCDMA và CDMA2000. S-Fone giới thiệu các dịch vụ giá trị gia tăng dựa trên công nghệ CDMA2000 1xEVDO như Live TV, movie, music on demand (MOD), Mobile Internet. EVN Telecom sẽ có những dịch vụ giá trị gia tăng mới. Vinaphone, Mobile Fone, Viettel Mobile cho biết sẽ triển khai mạnh mẽ 3G trong năm 2008. MobilFone sẽ thiết lập mạng HSPDA với tốc độ tải 3,6Mbit/s, 384kbit/s đường xuống, cung cấp một dịch dịch vụ khai thác trên ứng dụng 3G như Mobile Telephony, Mobile TV, Video Telephony, Media download, băng rộng đến hộ gia đình và văn phòng. Vinaphone sẽ triển khai các dịch vụ EDGE, location base, các ứng dụng trên Vinaportal, ứng dụng thương mại điện tử…

Kết quả dự án thử nghiệm cung cấp WiMAX của Công ty điện toán Truyền số liệu (VDC) là một điểm đáng chú ý tại Hội nghị. Dự án thử nghiệm này được thực hiện tại tỉnh Lào Cai, một tỉnh miền núi, khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ ICT, ở 19 địa điểm bao gồm các trung tâm cộng đồng, trường học, trung tâm y tế, gia đình, chính quyền, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Kết quả thử nghiệm dịch vụ Internet băng rộng cho thấy có thể truy cập băng rộng tốc độ cao và ở xa, dịch vụ VoIP chi phí thấp, chất lượng… tuy nhiên cũng có những thách thức khi triển khai toàn quốc.

Tương lai của WiMAX Việt Nam cũng được bàn thảo bàn tròn, một hình thức trình bày mới tại Hội nghị lần này. Có thể nói WiMAX là một công nghệ bổ sung cho hạ tầng hiện tại, cung cấp kết nối, dịch vụ và là giải pháp tổng thể ở biên mạng, khả thi triển khai multimedia, phù hợp để lấp đầy khoảng cách thông tin ở nông thôn.

Hướng tới khách hàng ở nông thôn và giới trẻ

Hiện nay thị trường di động ở các thành phố lớn vẫn được các nhà khai thác di động Việt Nam tập trung nhưng ít nhiều các nhà khai thác cũng đang quan tâm hướng tới khách hàng ở nông thôn và giới trẻ. Phân đoạn khách hàng lớn này chiếm tới 75% dân số có thu nhập thấp nhưng mong muốn được sử dụng điện thoại di động.

Để chia sẻ những kinh nghiệm để các công ty di động Việt Nam phát triển phân đoạn khách hàng này, công ty tư vấn DETECON và DTAC từ Thái Lan đã có những chia sẻ kinh nghiệm quý báu. Cell C, một công ty di động của Nam Phi đã tạo một thương hiệu di động cho giới trẻ (C Young, Low Frills), cung cấp gói khởi động trả trước duy nhất, tặng 10 SMS/tháng cho thuê bao sử dụng lâu dài, nhạc chuông, lôgô miễn phí và 2 vé xem phim, SMS website và dịch vụ gia tăng giá trị. Và thương hiệu C Young đã trở thành mục tiêu phong cách sống của giới trẻ ở đây và doanh thu dịch vụ trung bình háng tháng (ARPU - Average Monthly Services Revenue) đã tăng gấp 4 lần ARPU trả trước trung bình. Công ty Era (Ba Lan) với thương hiệu cho giới trẻ đơn giản, trực tiếp và tinh thần trẻ, cung cấp SIM trả trước, thoại và SMS, tính cước nửa giây, sử dụng những người trẻ ở các trung tâm gọi để họ hiểu được nhu cầu của người trẻ. Kết quả số thuê băng tăng hơn dự kiến, 1,8 triệu thuê bao sau 6 tháng (tăng 20% thuê bao so với trước khi có chương trình này).

Đối với khách hàng chi phí thấp hoặc ở nông thôn, Tele2Comviq có chiến lược giúp nhiều người sở hữu một chiếc máy di động nhất có thể với giá thấp nhất, cung cấp dịch vụ đơn giản và linh hoạt, sản phẩm trước cho thuê bao còn tài khoản, có giải thưởng khi thực hiện cuộc gọi… ARPU của Tele2Comviq thấp là 19 euro nhưng lãi ngưỡng lại cao (15%). Và bài học rút ra ở đây là các nhà khai thác không hẳn phải tập trung vào khách hàng giá trị. Thái Lan cũng có dân số ở nông thôn lớn (70%), nhà khai thác di động DTAC đã có ý tưởng trả cước phí theo mùa vụ mà thay cho việc phải trả cước phí theo tháng.

Chiến lược tạo sự khác biệt và thương hiệu 

Với thị trường di động phát triển nhanh chóng, các nhà khai thác di động Việt Nam đã có chiến lược tạo sự khác biệt và thương hiệu khác nhau, tuy nhiên cần phải có một sự tập trung. Bảng 2 sẽ giới thiệu một biện pháp tạo sự khác biệt mẫu phụ thuộc vào sự tập trung chiến lược được chuyên gia của công ty tư vấn DETECON tư vấn.

Ảnh
Bảng 2

Xin lấy một tư vấn của DETECON để kết thúc bài viết này, các nhà khai thác di động Việt Nam không nên bó buộc vào việc cạnh tranh với nhau để trở thành người đứng đầu theo mọi khía cạnh mà hãy tìm vị trí giá trị trong từng phân đoạn khách hàng.

 

Lan Phương - tạp chí Bưu chính Viễn Thông


Bình luận

  • TTCN (0)