Ảnh minh họa

Vừa nhậm chức Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, tân Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ với báo Tuổi trẻ về một trong những chương trình hành động, đó là “Vì một xã hội thông tin lành mạnh”. Ông biết là “không chỉ khó khăn ở Việt Nam mà các quốc gia khác cũng vậy”, nhưng tân bộ trưởng tin là làm được.

Thời buổi công nghệ thông tin phát triển mạnh như vũ bão, mạng xã hội cũng đã trở thành “tờ báo” thứ 2 của số đông công chúng. Với hơn 40 triệu người tham gia trong đó hơn 30 triệu người thường xuyên sử dụng, Việt Nam là nước đứng thứ 22 trên thế giới về số người sử dụng mạng xã hội.

Và người dùng facebook chiếm tới 95%. Con số không hề nhỏ.

Theo thống kê của “We are social” vào thời điểm tháng 1/2015, người Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về thời gian sử dụng internet ( 5,2 giờ mỗi ngày).

Nhờ có mạng xã hội mà không ít người đã “thi nhau” viết hồi kí. Chẳng biết sự thật là bao nhiêu phần trăm, nhưng người đọc tìm đến, phần có chút am hiểu thời cuộc cũng ngẫm ra, ai đã nói quá về mình, ai đã viết thật về đời mình. Bởi “thể loại” hồi kí cá nhân mấy được nhà xuất bản chấp nhận in ấn để phát hành.

Đám trẻ choai choai thì hả hê với mạng xã hội, không ngần ngại bày tỏ kể cả những tấm hình được cho là, lẽ ra chỉ kỉ niệm riêng mình, để rồi thành người nổi tiếng vì được nhiều người biết đến, nói xấu nhau, bịa chuyện, ghép ảnh…

Cũng có số đông coi mạng xã hội là nơi chia sẻ suy nghĩ, nhìn nhận đầy trách nhiệm về một vấn đề được xã hội quam tâm tâm. Những điều mà có thể nói là không thể chia sẻ trên truyền thông được.

Tại hội thảo “Báo chí và mạng xã hội” tổ chức vào cuối năm 2015, chính các nhà báo cũng thừa nhận “mạng xã hội trở thành một nguồn tin của báo chí. 72% số nhà báo cho rằng mạng xã hội rất quan trọng với công việc hàng ngày của họ; 56% cho rằng họ không thể hoàn thành nhiệm vụ, nếu thiếu mạng xã hội; 68% nhà báo tin rằng, báo chí không thể hoạt động, nếu thiếu mạng xã hội.

Nhưng cái giá phải trả khi “chơi” mạng xã hội không còn là chuyện nhỏ. Một nữ sinh ở Hà Nam vừa tự tử vì mâu thuẫn với bạn học trên facebook. Nữ sinh chết vì facebook không còn là chuyện hi hữu. Rồi có những công chức bị phạt, bị kiểm điểm cũng chỉ vì chơi mạng xã hội.

Ngược lại, cũng nhờ “trọng tài” mạng xã hội mà không ít người được “giải oan” như chuyện cô giáo chia sẻ tâm trạng về “chủ tịch tỉnh có bộ mặt kênh kiệu”, như thầy giáo Doãn Minh Đăng ở trường Đại học Kĩ thuật Công nghệ Cần Thơ đã viết trên facebook về sự thật của ngôi trường mình đang làm việc…

Hãy nghe lời chia sẻ của một bạn đọc nhiều năm trung thành với báo chí nước nhà: “Mở tờ báo, tôi hỏi hôm nay đọc gì? Nào chuyện cô diễn viên, ca sĩ khoe của, khoe con,đánh ghen, yêu người này, bỏ người kia cũng cả mấy trăm bài. Một vụ án giết người man rợ cũng tràn ngập hết báo này sang báo khác...

Cô người mẫu Ngọc Trinh làm gì nên tội mà suốt ngày bị báo chí rỉa rói, săm soi… khai thác triệt để cũng nhằm mục đích câu “viu” là chính".

Bộ TT-TT cũng từng có lệnh phạt báo chí khai thác thông tin tội ác câu khách. Có những tờ báo sẵn sàng chấp nhận phạt để đổi lại tăng “viu”.

Người đọc quyết định sự sống còn của báo chí thì mạng xã hội cũng sẽ như con dao hai lưỡi - người chơi dao biết dùng dao sẽ không bị dứt tay.

Tôi đồng tình với cách nhìn nhận, chia sẻ quan điểm về “Vì một xã hội thông tin lành mạnh” của cây viết cũng khá nổi tiếng trên mạng facebook - anh Nguyễn Bá Ngọc- cũng có một thời là nhà báo.

Anh cho rằng “Khi muốn quản lí mạng xã hội, thực ra quan chức Việt Nam có ý tốt là muốn tránh các mặt tiêu cực mà mạng xã hội mang lại như: Tung tin đồn nhảm, bịa đặt thông tin hại người, kích động bạo lực, thù hận, phân biệt chủng tộc…”.

Tôi nghĩ không chỉ riêng Nguyễn Bá Ngọc có con mắt nhìn thiện cảm với mạng xã hội. Bởi theo anh thì “Mạng xã hội bản thân nó không có lỗi. Ta hãy coi như mạng xã hội là con dao bày bán ngoài chợ đi. Người mua về thái rau, làm cá… thì con dao là dụng cụ nội trợ. Người mua về chặt củi đem bán thì dao là công cụ lao động. Người mua về đem dao đi chém người thì dao lại là hung khí… con dao không có lỗi. Lỗi là do người dùng”.

Anh trăn trở: “Không lẽ, vì một vài vụ dùng dao chém người mà bắt tất cả dao muốn bán phải đăng kí, khai báo… Vậy nên, hạn chế hay không cho bán dao nữa”.

Để có một “xã hội thông tin lành mạnh” thì người đọc cần có được những thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ không nửa vời. Đó là cách không cho những tin đồn, những luận điệu xuyên tạc có đất sống - chia sẻ của bạn đọc Nguyễn Thành Hiếu với trăn trở của tân Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Âu đó cũng là trách nhiệm nặng nề mà truyền thông trong nước phải gánh vác trọng trách này.

Theo Khám Phá.



Bình luận

  • TTCN (0)