Việc nhà mạng này có vi phạm các quy định quản lí giá cước viễn thông hay không còn phải đợi xem giải trình và quyết định chính thức từ Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) trong thời gian tới.

Song câu hỏi đặt ra là: Nhà nước có nên can thiệp quá sâu vào thị trường, hay để thị trường tự vận động, cạnh tranh thực sự như cách đây nhiều năm, khi một nhà mạng mới tham gia thị trường tung ra các gói cước cuộc gọi siêu rẻ, phá vỡ thế độc quyền, tái lập một mặt bằng giá cước mới, giúp người tiêu dùng được hưởng lợi rất nhiều?

Cuộc chiến ngầm cước 3G

Đầu tháng 1/2018, Vietnamobile tung ra Thánh sim với mức giá 40.000 đồng bộ hòa mạng mới, nhưng người dùng sẽ được sử dụng ngay 4 GB data 3G tốc độ cao mỗi ngày, tương ứng 120 GB/tháng. Để duy trì, người dùng cũng chỉ cần nạp tiền tài khoản tối thiểu 20.000 đồng để được hưởng mức cước data siêu rẻ này. Gói cước nghe gọi của gói cũng chỉ 680 đồng/phút cho cả nội mạng và ngoại mạng, thấp nhất thị trường hiện nay.

Tuy nhiên, sau 2 tháng triển khai, ngày 5.3, ông Trần Duy Hải, Cục phó Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), đã có văn bản yêu cầu Vietnamobile dừng triển khai gói cước trên vì có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về quản lí giá cước viễn thông.

Theo điều 38 Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định về quản lí giá cước viễn thông, doanh nghiệp (DN) viễn thông thống lĩnh thị trường trước khi ban hành và áp dụng giá cước dịch vụ viễn thông có trách nhiệm đăng kí giá cước với cơ quan quản lí chuyên ngành về viễn thông, đồng thời không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành. Các DN viễn thông khác được tự quy định giá cước dịch vụ viễn thông và có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lí chuyên ngành về viễn thông.

Một chuyên gia viễn thông nhận định, nếu theo quy định này, Vietnamobile không vi phạm bởi không giữ vị trí thống lĩnh thị trường (Vietnamobile đang chiếm 2,3% thị phần 3G) nên chỉ phải thông báo với cơ quan quản lí về giá cước và không chịu ràng buộc về quy định bán dưới giá thành. Đầu tháng 1/2018, Vietnamobile đã có công văn thông báo cho Cục Viễn thông về gói cước Thánh sim.

Cũng theo Nghị định 25, khoản 3 điều 38: “DN viễn thông không được cung cấp dịch vụ viễn thông với giá cước thấp quá mức so với giá cước trung bình trên thị trường dịch vụ viễn thông”, hoặc khoản 5 “trong trường hợp giá cước dịch vụ viễn thông tăng hoặc giảm không hợp lí so với giá thành, tăng hoặc giảm bất bình thường so với giá cước trung bình gây mất ổn định thị trường viễn thông, làm thiệt hại đến quyền lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ, của DN viễn thông khác và nhà nước, Bộ TT-TT có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lí chuyên ngành thực hiện các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá cước”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, Vietnamobile sẽ không vi phạm các điều khoản này nếu chứng minh được giá cước đưa ra không thấp hơn quá mức so với giá cước trung bình trên thị trường, cũng như không gây mất ổn định thị trường, thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng.

“Văn bản của Cục Viễn thông cho rằng Vietnamobile có dấu hiệu vi phạm quy định quản lí giá cước, chưa khẳng định nhà mạng này vi phạm. Nếu Vietnamobile có thể đưa ra các cứ liệu xác đáng về việc giá cước 3G đang cung cấp cũng tương đương với giá cước 3G của một số nhà mạng khác thì DN không vi phạm”, ông này chia sẻ.

Một câu chuyện khá tương tự với chuyện Thánh sim từng diễn ra thời điểm năm 2010, tân binh Beeline từng làm thị trường dậy sóng khi đưa ra các gói cước Big Zero, Tỉ phú siêu rẻ. Năm 2011, gói Tỉ phú cũng bị “tuýt còi” với dấu hiệu phá giá cước di động và yêu cầu ngừng triển khai.

Quy định làm giảm cạnh tranh

Cho biết sẽ giải trình đúng hạn yêu cầu của Cục Viễn thông, theo bà Elizabete Fong - Tổng giám đốc Vietnamobile, giá cước 3G gói Thánh sim khá tương đồng nếu so với các nhà mạng khác như MobiFone, Vinaphone. Dù quảng cáo gói Thánh sim nhấn mạnh vào miễn phí, nhưng khách hàng vẫn phải trả tiền hằng tháng để nhận cước data.

Ảnh
Có nhà mạng chọn “cửa hẹp” 3G để thu hút người dùng

​“Vietnamobile là mạng mới đầu tư 3G, trước đây giá dữ liệu data trên thị trường khá cao, chúng tôi muốn nâng cao tỉ lệ sử dụng dữ liệu data của người dân VN so với khu vực. Thị trường lành mạnh và lối chơi đẹp sẽ giúp cho thị trường phát triển tốt hơn”, bà Fong nói, đồng thời cũng khuyến nghị nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường. Lí do theo bà Fong, năm 2014 một nhà mạng giảm giá cước cuộc gọi xuống khoảng 600 đồng/phút, sau đó các nhà mạng khác đã buộc phải giảm giá theo.

Một sự việc khá hi hữu, theo thông tin từ Vietnamobile, chiều 7/3, nhà mạng này mới nhận được công văn của Cục Viễn thông, trong khi sáng cùng ngày, hình ảnh công văn này đã được phát tán... trên mạng xã hội.

Theo Sách trắng 2017 về thị trường viễn thông của Bộ TT-TT, Viettel vẫn đang dẫn đầu thị phần 3G với 57,7%, đứng thứ 2 là VNPT với 23,9%, MobiFone là 16,1%, thấp nhất là Vietnamobile 2,3%. Vào thời điểm các nhà mạng lớn đang tập trung đẩy mạnh phát triển 4G, nhà mạng nhỏ với thị phần khiêm tốn đi “cửa ngách” ở phân khúc 3G là cách làm nhanh nhất để tăng số lượng thuê bao di động mới cũng như lượng thuê bao sử dụng dữ liệu data. Dù với mức cước này, nhà mạng phải chấp nhận đánh đổi doanh thu, lợi nhuận. Trên thực tế, theo Vietnamobile, chỉ sau hơn một tháng tung ra thị trường, nhà mạng này đã có thêm hơn 1 triệu thuê bao mới sử dụng gói Thánh sim.

Nhìn từ góc độ cạnh tranh, Thánh sim chưa gây ra được các tổn hại lớn cho cạnh tranh giá cước 3G hiện nay, chưa kể cung cấp thêm lựa chọn cho người tiêu dùng nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Vấn đề đặt ra là khi các DN nhỏ chật vật tồn tại khi “cửa ngách” bị bít lại bởi các chính sách, yêu cầu từ chính phía cơ quan quản lí, có làm mất cạnh tranh thực sự của thị trường và quyền lợi người tiêu dùng liệu có được đảm bảo?

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)