Ghi chú: Bài này không cung cấp thông tin công nghệ mà chỉ là một bài viết dài ghi lại nhiều kí ức mà tôi muốn chia sẻ trong blog của mình.

Ảnh

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày cách đây gần 20 năm, khi tôi chỉ mới là cậu bé năm sáu tuổi. Vào buổi chiều ấy, ông tài xế chiếc taxi kiểu con bọ cũ màu đỏ, từ ngã năm chợ Bình Hòa, vào hỏi thăm nhà thông báo có bà Bảy tôi từ Pháp trở về. Tôi--lúc đó đang gặm cái hột xoài nhỏ đến chỉ còn xơ và xơ--lúng túng không biết giấu hai tay lem luốc vào đâu khi thấy bà Bảy cao lớn, rất đầm và thơm phức từ taxi bước xuống. Cái ấn tượng về một thế giới ngoại quốc đầy hương thơm găm chặt trong đầu tôi từ lúc ấy.

Đúng vậy, những lá thư của bà Bảy từ thủ đô Paris hoa lệ, tuy được viết bằng loại chữ viết tay nguệch ngoạc và đầy lỗi chính tả tiếng Việt, nhưng lại rất dày, trắng tinh tươm và thơm mùi giấy sang trọng, trong khi đó tôi phải viết trên mấy cuốn tập gấu Misa giấy đen đen lẫn những sợi bông cỏ úa nhỏ vàng đầy mùi mốc. Quần áo trong những kiện hàng bên đó gửi về cho người thân bao giờ cũng thơm mùi nước ngoài, dù đó là những thứ không phải là hoàn toàn mới. Cái khứu giác được kích thích khiến tôi mơ màng về cuộc sống của những người ở rất xa, những người mà mặc thứ gì, chạm vào thứ gì, làm ra thứ gì thì tiêu chuẩn đầu tiên phải là rất thơm tho.

Nếu có dịp dạo phố Sài gòn ngày nay, dọc theo những khu mua sắm sầm uất, thể nào cũng thấy mấy ông tây, bà đầm mặt trắng hồng hào, ăn mặc thoải mái, gọn gàng nhưng vẫn rất sành điệu và thơm phức. Những điều dường như tự nhiên đó khiến tôi mụ mị về một hình ảnh nước Mỹ thơm tho mà ai cũng đẹp trai xinh gái. Những tưởng giấc mơ về một khuôn mặt láng coóng hồng hào của tôi khi đến Mỹ sẽ sắp trở thành sự thật.

Cuốn sách American Ways mà tôi tham khảo trước khi lên đường cũng phần nào khẳng định lại những tiêu chuẩn thơm tho Mỹ là đúng. Sách dạy rằng chuyện vệ sinh thân thể ở xứ người là cực kỳ quan trọng. Họ dù lịch sự không nói ra nhưng có thể sẽ khó chịu nếu tiếp xúc với một người với hơi thở không thơm tho, quần áo không sạch sẽ mà lại hách dịch từ khi còn trong nôi. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng đến quan hệ xã hội. Vì vậy, hữu xạ tự nhiên hương, lăn khử mùi, xà bông tắm, bột giặt là những nhu yếu phẩm có thứ bậc rất cao trong mọi gia đình. Và cao hơn nữa, công nghệ dầu thơm, nước hoa đã phát triển vượt bậc đến mức nhiều nhân vật nổi tiếng được đem ra vắt mùi ra để làm nước hoa. Hì, ở Việt Nam chắc cũng kiếm được vài lọ mùi của Britney Spears hoặc Paris Hilton. Ngay cả Tide còn quảng cáo là mùi thơm của Tide Mỹ mà lại.

Năm đầu tiên, tôi--kẻ già cỗi với khuôn mặt non trẻ Châu á--trở lại trường Đại Học, sống gần với những cô cậu bé Mỹ mới lớn chick chick. Vinh hạnh được ngắm những cô nàng sinh viên với hương thơm vương vấn trên từng bước chân cũng đủ khiến tôi lạc lối giữa những giờ chuyển lớp. Em với lọ nước hoa Lolita Lempicka thiết kế thần tiên, hương thơm thần thánh quyến rũ chắc sẽ lườm nguýt và có cớ để mắng rằng đôi khi tôi là một kẻ tầm thường, vô não khi viết những dòng này. Nhưng sự thật, có những cô nàng xứ Huê Kỳ đánh dấu lãnh thổ trên mọi bước chân mình đi qua từ phòng học, thang máy đến nhà ăn. Họ khiến tôi nhớ lại những cái tên trong bộ sưu tập vĩ đại của chị tôi như Estee Lauder, Christian Dior, Sheseido, Elizabeth Taylor, you-google-it... Đầu óc tôi đang mường tượng lại vài cô nàng không biết dùng loại nước hoa nào, nhưng lại thơm phưng phức mùi trái cây của viên kẹo Starburst. Có một nước Mỹ nứt lỗ mũi. Rồi, thấy chưa, tôi lại nhớ đến anh sinh viên ngồi đối diện đến từ một nước Trung Đông xa xôi. Anh này đến rồi đi trong office như sao băng. Nhưng cái sao băng đó không có mùi dầu hỏa mà là mùi nước hoa nồng nàn bay xa đến nỗi em phải ach-who! còn hơn dị ứng phấn hoa. Anh này thấm nhuần tư tưởng của phần thơm tho nước Mỹ.

Lẽ ra tôi phải bàn về một một nước Mỹ không thơm, nhưng mà có quá nhiều hồi ức đang trở lại trong tôi. Tôi lại nhớ ra những câu chuyện liên quan đến cái lỗ mũi đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Những anh bạn du học sinh ở Singapore trên những diễn đàn chính thức lẫn không chính thức bỏ nhỏ với nhau rằng lên xe buýt đừng bao giờ ngồi kế những anh Ấn Độ bóc tay ăn nhiều cà ri nên hôi như con… bê già (nói giảm nói tránh!). Một người bạn của tôi kể rằng đã từng sống với một con bê không còn trẻ ở Sydney sau khi ăn xong lại ợ một cái rõ to, cho đời thanh thản. Đó, nó lại rống lên nữa rồi! Nhưng mà, mọi người lặp lại theo tôi, people are individuals, tôi có vài người bạn Ấn Độ bên này, và may mắn làm sao là không ai nặng mùi cả. Không mùi thì đúng hơn!

Có một thế giới không mùi ở đây mà bây giờ anh thật lòng mới hiểu. Phần lớn người ở Mỹ đều không mùi, tôi có thể khẳng định. Cô giáo tôi, mấy anh học trò, ông bà host family, phần lớn bạn học tôi đều có mùi trung tính. Hay nói cách khác, khứu giác thường không có liên quan trong mối quan hệ giao tiếp qua lại giữa chúng tôi. Bạn cùng phòng cũ – Chris-the-roomie, sư phụ tôi đôi khi (chỉ là đôi khi!) cũng không mùi, không vị. Tôi--dù cho đôi khi bị ai-mà-ai cũng-biết-là-ai-đó chê trách là vì sao cho ăn toàn cơm trắng, cà pháo, mắm nêm, rau luộc, món ăn dân dã Việt Nam mà sao mỗi lần lại hít lấy hít để lại nghe mùi bơ sữa--vốn không mùi trung hòa. Lúc mới qua, tôi cũng thử mua xà bông giặt đồ Tide tiêu chuẩn Mỹ Original Scent về bỏ vào máy giặt High Efficiency. Giặt mấy lần đầu cũng thơm nhưng riết rồi thấy cũng không phải cái mùi mà lúc nhỏ tôi từng tơ tưởng. Có thể nói đó là cả một giấc mơ thời trai trẻ giờ đã tỉnh giấc. Tôi chưa tìm thấy được mùi hương ấy hay là nước Mỹ không phải cái gì cũng thơm hay là tôi đã khác trước không còn ngửi được cái mùi ngày xưa nữa.

Em họ tôi ở thành phố Seattle, Washington với tòa tháp Space Needle như cây kim chỉ vào không gian nói với tôi rằng, ở đây (nói bang Washington và Oregon), người ta ăn mặc tự do, thoải mái và không quan tâm nhiều đến mốt và cách ăn mặc của nhau. Nhưng nếu mặc như vậy mà xuống Cali thì trở thành nhà quê lên tỉnh ngay. Tôi chưa có dịp kiểm chứng khẳng định đó, nhưng quả thật, quần áo tôi mang từ Việt Nam sang, đến giờ vẫn còn mặc tốt. Sinh viên trong campus ăn mặc đủ mọi loại hình, từ đơn giản nhất như áo thun, quần short, dép lê đến những kiểu cầu kỳ của mấy cô người mẫu sinh viên với đủ loại phụ tùng, mũ, khăn choàng, xách tay. Ngay trong mùa đông rét mướt, đôi khi tôi còn hết hồn khi thấy một cô mặc áo hai dây khẳng khiu, quần ngắn, dép lê vừa thở ra khói vừa nói chuyện điện thoại bình thường như không. Có được sự tự do thoải mái này một phần bản thân Oregon cũng là tiểu bang nhà quê rất phát triển các ngành liên quan đến nông nghiệp. Chris bạn cùng phòng cũ của tôi nhà có nông trại, vốn là nông dân thứ thiệt nên cuộc sống của anh này đúng là ví dụ vô cùng thích hợp để mở màn cho câu chuyện có một nước Mỹ, mà cụ thể là ở tiểu bang Oregon, không chỉ trung tính, mà còn có mùi.

Người Châu á thói quen tắm buổi tối trước khi đi ngủ. Còn người Mỹ tắm buổi sáng sau khi ngủ dậy. Cả ngày đi học mệt nhoài về, nếu tôi không đi tắm thì hôi hám làm sao ngủ được. Nhưng Chris thì ngủ được. Tối về, trước khi đi ngủ vài phút, anh này cởi quần jean áo gió ra, mặc quần xà lỏn vào, súc miệng (không rửa mặt!) rồi nhảy cái ình lên giường ngủ như em bé đến sáng. Hay thiệt! Điều quan trọng là buổi chiều, nếu ngồi xa xa, mỗi đứa mỗi bàn, anh này trung tính. Nhưng nếu lại gần, thì đúng là you smell what you eat, toàn là mùi bơ sữa, bánh mì không thôi. Chả biết anh này có viết blog nói xấu mùi của tôi không, nhưng mấy đứa như Chris-bơ-sữa-bánh mì này sao không đi du lịch rồi dạo mát khu Sài gòn chiều nắng mà không tắm để cho thần tượng sụp đổ chơi! Cái mùi bơ sữa không khó chịu lắm nhưng cũng đủ làm những giả thuyết thời trai trẻ của tôi có phản ví dụ hùng hồn rồi! Những anh như Chris không hiếm ở đây đâu.

Từ đó giờ tôi ít nhắc về sư phụ mình. Tôi có một bài viết về cô giáo và tự cảm thấy thiếu sót vì chưa một lần tôn vinh ông thầy giáo già, người mà đã góp một tay, đưa tôi sang đến đây để tiếp tục chuyến phiêu lưu bay nhảy của đời mình. Đến bây giờ, tôi vẫn tự hỏi làm thế nào mà một hệ thống cho phép, một người, ở một thành phố nhỏ bé gần suốt cả cuộc đời, nhưng có thể vươn tay, chọn lựa được những đệ tử từ khắp nơi trên thế giới về tựu trung về một phòng trong Kelley Engineering Center dành cho sinh viên cao học. Con người có quyền lực ấy nhưng trông lại rất xề xòa, nếu không nói là hơi xộc xệch. Ông thầy già phần nào gợi nhớ hình ảnh của ba tôi, một con người lúc trẻ vốn hào hoa lịch lãm, nhưng cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm cực khổ nên về già nhận ra chuyện quần áo, hình thức, hương thơm đôi khi chỉ là chuyện phù phiếm, có cũng như không. Có một sự trùng hợp như thế nhưng ông thầy tôi sống ở Mỹ, nơi mà American Ways dạy rằng những điều đó không thể là phù phiếm được. Ông thầy tôi đi xe đạp lên trường, dù trời nắng, mưa đầm hay tuyết đổ, áo sơ mi lúc nào cũng bỏ vào quần nhưng đó đều là những bộ đồ rất cũ, có đôi khi còn không được lành lặn. Không phải là nghèo nhưng ông không quan tâm nhiều đến chuyện đó, mà chắc cũng không quan tâm những người khác nghĩ gì về mình. Thêm nữa, ông thầy người người Nhật này thích đi câu cá và có thể theo đúng kiểu của dân tộc mình, ăn cá sống. Đôi lần tôi ngồi làm việc kế bên cạnh thầy và mùi cá sống cứ sộc vào lỗ mũi không thể nào lờ đi được. Tôi tin là có không ít những người như thầy tôi, bạn cùng phòng tôi ở cái xứ đa dạng này. Quy tắc, kiểu cách thì sau cùng không có quy tắc gì cả!

Mọi người đã chán đọc chưa? Hãy yên tâm là tôi vẫn còn muốn viết tiếp trong cái ngày mùa đông lạnh lẽo nhưng được nghỉ ở nhà này. Mà xém chút nữa tôi quên mất, mùa đông là mùa gia súc ở Corvallis được cho vào chuồng, cây cối nép mình co ro. Nhưng những mùa khác, có những ngày Corvallis tổ chức những cuộc tổng động viên vĩ đại ướp cả thành phố nhỏ trong mùi phân bò mà khi khi bước ra ngoài đường bạn mới thấu hiểu hết được ý tưởng của Trương Nghệ Mưu trong bộ phim Thập Diện Mai Phục, không trốn đâu cho thoát cái mùi ngai ngái khó ở đó!

Có ai đó từng phát biểu hùng hồn rằng, cái khác biệt lớn nhất giữa nước Mỹ (hay văn hóa Mỹ) và Việt Nam đôi khi chỉ nằm ở cái chỗ đi toilet. Nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam còn dơ quá nên du khách nước ngoài đến Việt Nam một đi không trở lại là tiên trách kỉ, hậu trách nhân. Ở xứ người ta, chạy xe hơi trên xa lộ ngoài việc ngắm cảnh còn có cái thú thăm viếng chỗ nghỉ ngơi rest area như một thú vui tao nhã của một người muốn thấy mình đã hoàn thành bộ sưu tập du lịch được bao nhiêu danh lam thắng cảnh đẹp. Có ai đời tưởng tượng chỉ là cái nhà để giải tỏa bầu tâm sự nhưng lại xây kế bên giòng suối róc rách trong vắt, nơi có những bãi cỏ xanh rì để những đứa trẻ chơi ném banh, với những băng ghế để cả gia đình ăn uống picnic. Độ sạch sẽ của nhà vệ sinh thì không gì phải bàn cãi. Người dân đóng thuế để được thoải mái mà lại! Nói ra thì không lãng mạn lắm, nhưng lần đầu tiên gặp lại sau bao ngày xa cách, em và tôi dắt tay nhau tung tăng giữa rừng thông xanh reo rì rào trong một… rest area trên một xa lộ mênh mông sương khói nước Mỹ. Bạn sẽ không tưởng tượng được cái rừng thông lãng du ven đường ấy khiến những đôi tình nhân muốn dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi đến mức nào đâu!

Lần chúng tôi đi cắm trại gần đây nhất, tuy là có bị muỗi Oregon chích vài phát, nhưng phần nào mất đi cái thú đi thăm thiên nhiên hoang dã mạo hiểm vì ai đời ở khu cắm trại mà có nước nóng để đi tắm! Nhắc đến chuyện cắm trại lại nhớ lần đi Fanxipan với Hưng dạo ấy. Lúc mệt nhoài đến base camp giữa lưng chừng núi lúc chiều tà, chúng tôi thấy mấy anh chị Tây ba lô đang đùa giỡn với một con chó dân tộc lông mịn màng, năng động, khỏe mạnh và béo tốt. Có anh chị còn cọ mõm với nó nữa là, theo đúng kiểu dân phương Tây yêu thương thú nuôi. Chúng tôi cũng đùa giỡn với nó nhưng theo cái kiểu giữ ý tứ chứ không hun hít giữa thanh thiên bạch nhật như thế. Sáng hôm sau, Hưng và tôi quyết định rằng phải làm nhẹ người trước khi lê tấm thân lên đỉnh trong một ngày buffalo and cow nhất từ trước đến giờ. Kinh nghiệm và thực tế cho thấy, giữa lưng chừng núi như thế, tiêu chuẩn nhà vệ sinh là dưới mức chấp nhận được xa, rất xa, nếu không muốn nói là có thể làm nôn ọe và gây ám ảnh lâu dài về sau. Thế là Hưng và tôi xách cuộn giấy đi lên một chỗ xa xa người ở một chút và… tâm sự. Trời có lạnh nhưng mọi thứ vẫn khá suôn sẻ. Cũng phải thừa nhận là chúng tôi đã góp phần làm ô nhiễm môi trường hơn, nhưng không có lựa chọn nào khác. Tôi không biết những anh chị người nước ngoài giải quyết vấn đề nhạy cảm đó như thế nào, nhưng chúng tôi vẫn thấy có người đứng canh trước nhà vệ sinh cho bạn mình đi (vì trong đó vốn rất tối tăm). Có những lý do để họ không quay trở lại Việt Nam từ những chi tiết nhỏ mà không nhỏ như thế. Nhưng phần mỉa mai của câu chuyện chính là chuyện con chó lẽo đẽo đến chỗ chúng tôi vừa giải quyết, chuyện vốn rất bình thường ở nông thôn Việt Nam ngày xưa (và có lẽ vẫn còn ngày nay), và chúng tôi hiểu được lý do vì sao con chó lại béo tốt đến như vậy. Và chúng tôi tự cảm thấy may mắn hơn những anh chị Tây ngày hôm trước, vì mình đã không đi quá giới hạn khi đùa giỡn với con chó. Họ không nên biết điều đó thì hơn!

Câu chuyện nước Mỹ có mùi nên trở lại với nước Mỹ, tuy vẫn trong khuôn khổ những chỗ để người ta thư giãn nghỉ ngơi. Những tưởng sẽ là không thừa (thật ra là thừa!) khi nhắc lại rằng Kelley Engineering Center, tòa nhà xanh hiện đại bậc nhất thì nhà vệ sinh cũng không phải là không được chăm chút cẩn thận. Tuy không có nhạc nhẹ êm dịu và mùi hương thoang thoảng dịu êm nhưng nói chung là sạch sẽ và an toàn. Ở Việt Nam thì hiếm nhưng ở bên này, không ít lần sư phụ và tôi, mỗi người một bên, vừa let the water out vừa nói chuyện dăm câu gì đó, có khi còn bàn chuyện project. Không có nhà vệ sinh riêng cho thầy cô giáo ở Kelley. Ngay cả trong phim ảnh Hollywood cũng thường cho ta thấy nhà vệ sinh bên Mỹ thường là nơi thoải mái dễ chịu, người ta vào đó để vừa giải quyết nhu cầu cá nhân, vừa đọc báo, nói chuyện điện thoại (nhưng không thể nào ăn uống là chắc rồi!). Cái kiểu tự nhiên chủ nghĩa tôi hay gặp trong Kelley là vào sáng sớm khi anh nào đó vừa đi vừa nói chuyện điện thoại oang oang vừa tạo ra những tiếng động lạ có tần số khá lớn trong ấy, ra chiều rất ư là sảng khoái với một trong những cái thú tao nhã của con người. Hì, cái này có sự tương đồng với xứ mình khi những cái cầu cá tra ở miền Tây Nam Bộ ngày xưa được xây không cao quá đầu người. Ông ngồi bên trong vẫy tay chào chị, chào cô đang đi bên ngoài trong khi mấy con cá há hốc mồm ở bên dưới.

Nhưng thật ra, câu hỏi thầm kín mà tôi muốn luôn luôn thắc mắc từ rất lâu mà không biết hỏi ai Người nước ngoài thơm như vậy thì đi ấy có mùi không? (câu hỏi hơi sỗ sàng nhỉ?). Câu trả lời là gì các bạn biết không? Đơn giản không quanh co là CÓ. Ai cũng như ai thôi. Mấy anh ngồi bên trong nhà nghỉ của Kelley đủ lâu để không còn cảm thấy cái mùi của mình khó chịu nữa. Nhưng nếu vừa bước vào và có anh nào đang làm liên thanh ở bên trong, hoặc là tôi phải vừa giải quyết cho lẹ chuyện nhỏ của mình vừa bịt mũi, hoặc là quay đầu bỏ chạy chịu khó đi lên tầng trên hoặc tầng dưới vậy. Điều cuối cùng mà tôi muốn nói, Brad Pitt hay Tom Cruise nếu có học đòi Britney Spears hay Paris Hilton, có tạo ra thêm bao nhiêu chai dầu thơm dành cho quý ông nữa, tôi cũng phải bịt mũi quay đầu bỏ chạy trong tình huống đó mà thôi. Cũng như theo sự đúc kết của cựu tổng thống nước Mỹ Bill Clinton trong quyển hồi ký My Life, because we’re not so different after all

Lâm Ngữ Đường trong Một Quan Niệm Sống Ðẹp (The Importance of Living), một cuốn sách rất cũ nhưng giá trị của ba mà sau này tôi mới được đọc khuyến khích lối viết văn expressionism (chủ nghĩa biểu hiện), nghĩa là văn chương nên phản ánh những kinh nghiệm cá nhân một cách hiện thực, nghĩ sao thì viết vậy, không nên quá cân nhắc câu chữ. Tôi thích kiểu này nhưng thể hiện được những điều mình suy nghĩ luôn là việc khó khăn. Viết là một kỉ năng cần thiết nhưng thật là không dễ. Nếu theo đúng chủ nghĩa biểu hiện, nghĩ sao viết vậy, trong đầu tôi đang nhớ lại ngày xưa tôi từng thán phục bạn Đạt đầu méo như thế nào khi viết một áng văn bất hủ đả kích bạn cơn gió lạnh trên forum VP2000. Cũng ngày xưa gần đây, tôi có những bài học bồi dưỡng riêng với anh Chương về viết văn hay kể chuyện tránh rơi vào tình huống liệt kê. Cần phải mô tả và mô tả chi tiết, cho cảm xúc vào, cho người đọc, người nghe tham gia vào, phải vậy không anh Chương? (Hì, câu hỏi đuôi là một dạng giao lưu với độc giả đó!). Tôi tiến bộ được vài khi nhưng thấy mình không viết được nữa khi sang đến Mỹ, dù tự cảm thấy rằng mình may mắn, đi được xa, được sống một mình tự lập và hiểu được nhiều chuyện hơn. Bởi vậy, khi tôi viết được lẹ lẹ thì tôi cố viết cho thật nhiều, giống như bài này chẳng hạn. Dù rằng nó đang phản ánh cái chủ nghĩa biểu hiện, nghĩ sao viết vậy, nhiều khi lệch khỏi dàn ý mà tôi định trước, lan man và có thể mang ý nghĩa phê phán, dù tôi đã khẳng định mình không mùi, trung tính. Có một nước Mỹ không thơm mà tôi muốn đề cập chính là có một phần nước Mỹ không thơm, có thể hôi, theo đúng nghĩa đen nhất của nó. Hoàn toàn không có nghĩa bóng gì đằng sau nó. Hình ảnh bà Bảy tôi ngày xưa trong kí ức của một cậu bé rất sâu đậm, và công cuộc chuyển hóa cái giả thuyết thơm tho sang không hoàn toàn thơm là quá trình hài hước và tôi nghĩ mình nên kể lại. Em khuyến khích tôi viết nó ra vì nó sẽ rất là vui, thu hút được nhiều người vào blog. Vì vậy mà tôi viết nó ra!

Tuấn Phạm (tháng 12 năm 2008)


Bình luận

  • TTCN (0)