Scott E. Fahlman và chuỗi kí tự nổi tiếng. Ảnh năm 2002 (kỉ niệm 20 năm ra đời mặt cười), bởi (V.W.H. Campbell Jr., Post-Gazette)

Đúng 25 năm trước đây, giáo sư Scott E. Fahlman của Đại học Carnegie Mellon là người đầu tiên dùng 3 ký hiệu bàn phím :-) để tạo ra biểu tượng mặt cười đầu tiên trong một tin nhắn.

Fahlman cho biết, ông đã gửi tin nhắn mang biểu tượng trên tới 1 bảng tin điển tự vào lúc 11h44 ngày 19/09/1982 trong một cuộc thảo luận về những giới hạn của sự hài hước trực tuyến và phương thức để đưa ra những bình luận nhẹ nhàng.

"Tôi đề nghị sử dụng chuỗi ký tự sau cho những nhận xét khôi hài: :-)", Fahlman viết. "Hãy đọc nó theo chiều nghiêng." Đề xuất này mang lại cho người sử dụng máy tính một cách thể hiện sự hài hước hoặc cảm xúc tích cực với một nụ cười. Đối lập với nó là gương mặt ủ rũ được tạo thành chỉ bằng cách đơn giản đảo chiều của dấu ngoặc đơn.

Carnegie Mellon cho biết, biểu tượng mặt cười của Fahlman đã lan rộng tới các trường đại học khác, rồi tới các doanh nghiệp và cuối cùng vươn ra toàn thế giới khi mạng toàn cầu trở nên phổ biến.

Từ những ký hiệu đơn giản phải ngoẹo cổ để đọc cho đến những hình smiley đồ họa cầu kỳ, thể hiện nhiều cảm xúc.

Sau đó, các biến thể khác lần lượt được bổ sung, như biểu tượng nháy mắt được hình tượng hóa bằng cách thay dấu hai chấm bằng dấu chấm phẩy: ;-). Ngày nay, các ký hiệu đơn giản này đã được các phần mềm nhắn tin nhanh thay thế bằng những biều tượng đồ họa đẹp và ngộ nghĩnh, những gương mặt cười đúng nghĩa.

Ảnh
Scott E. Fahlman trong văn phòng của ông ngày hôm qua. Ảnh: Gene J. Puskar/AP.

Để đánh dấu ngày đáng nhớ này, hôm 19/9, Fahlman và các đồng nghiệp sẽ tổ chức cuộc thi sáng tạo trong lĩnh vực giao tiếp cá nhân với sự trợ giúp của công nghệ, giải Smiley Arward. Giá trị giải thưởng là 500 USD, với sự tài trợ của Yahoo!. Đây sẽ là sự bắt đầu cho một hoạt động thường niên dành cho sinh viên.

Tuy nhiên, giới ngôn ngữ học và công nghệ thông tin không phải ai cũng công nhận Fahlman như cha đẻ của biểu tượng smiley. Theo những chuyên gia này, biểu tượng mặt cười đã trở nên quá quen thuộc từ rất lâu nên rất khó truy nguyên.

(theo VietNamNet)




Bình luận

  • TTCN (0)